Làng hoa Nghĩa Hiệp: Phấp phỏng canh hoa chờ Tết

08:01, 22/01/2013
.

(QNĐT)- Chỉ còn 20 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán nhưng trước diễn biến thất thường của thời tiết cuối năm, người trồng hoa vẫn còn đang thấp thỏm “canh bạc” với thời tiết. Hơn lúc nào hết, người trồng hoa đang tất bật túc trực trên các ruộng hoa để chăm sóc mong hoa đúng hẹn với nàng xuân.

Có mặt tại làng hoa Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) vào thời điểm này, chúng tôi cảm nhận không khí Tết đang đến thật gần. Những chậu hoa cúc tươi tốt, xanh mượt, đã làm nụ, lác đác một vài bông đang khoe sắc vàng rực rỡ. Song nhiều người trồng hoa cúc đang lo lắng vì hàng ngàn chậu cúc đã làm nụ bị khô rễ, héo chết hàng loạt khiến họ trắng tay.

Vụ này, anh Đỗ Phương ở thôn Thế Bình trồng 300 chậu cúc cao bồi và cúc đại đóa. Hằng ngày anh dồn sức chăm bón rất kỹ từ khâu chuẩn bị chậu, phân bón đến chong điện, tạo dáng cho chậu…
 
Vườn cúc đang xanh tốt, làm nụ, chuẩn bị sắp bán Tết bỗng nhiên héo rũ, lá vàng và chết chẳng còn cây nào. Khi nhổ lên mới hay, rễ bị khô nên không hấp thụ được phân và nước. Anh Phương than thở: “Chi phí bỏ ra hơn 15 triệu đồng, chưa kể đến công sức hơn 3 tháng trời chăm bón vậy mà giờ trắng tay. Đến lúc ăn mà ăn cũng không được. Nhìn hàng trăm chậu cúc héo úa dần mà tôi buồn đến não ruột!”
 

 

aaaa
Hàng nghìn chậu cúc đang xanh tốt bỗng dưng bị khô rễ chết sạch.
 
300 chậu cúc pha lê của anh Trần Giáo, hàng xóm của anh Phương, cũng chết sạch, một số cây còn sống thì lá ủ rũ, chẳng còn chút sinh khí nào. Gần 15 năm trồng hoa nhưng anh chưa gặp tình trạng này bao giờ. Không chỉ anh mà gần 20 hộ trồng hoa có kinh nghiệm nơi đây cũng đang trong tình trạng tương tự. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tuấn Đạo- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho hay, chính quyền địa phương không xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nhiều người cho rằng đó là bệnh cổ rễ nhưng thực tế biểu hiện bệnh không phải vậy.
 
“Nếu bị bệnh cổ rễ thì phần thân cây sát mặt đất có vết màu nâu xám, lở loét, rễ bị thối mềm. Khi nhổ cây lên thấy gốc rễ bị đứt, đằng này rễ khô khiến cây không hấp thụ được nước và khoáng chất làm thân lá héo dần rồi chết. Nhiều hộ dân đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi trồng hoa Tết là nguồn thu nhập đáng kể trong năm của họ.”- ông Đạo phân trần.
 
Những gia đình may mắn có được những chậu hoa ưng ý thí đang phấp phỏng vì thời tiết thay đổi thất thường và thương lái trả giá khá bèo, thậm chí là thấp hơn năm ngoái 20.000 đồng, trong khi chi phí đầu tư lại tăng cao. Năm nay, tình hình khó khăn chung cho nên những thương lái kinh doanh hoa đang dè chừng, nghe ngóng thị trường. Nếu như những chậu cúc đường kính 50cm năm ngoái đã bán với giá từ 90.000-100.000 đồng thì năm nay thương lái chỉ trả có 70.000-80.000 đồng trong khi mọi chí phí đầu tư đều tăng cao.

 

aa
Những gia đình may mắn có được những chậu hoa ưng ý thí đang thấp thỏm vì thời tiết thay đổi thất thường và thương lái trả giá khá bèo, thậm chí là thấp hơn năm ngoái 20.000 đồng, trong khi chi phí đầu tư lại tăng cao.
 
 
Hầu hết, người trồng hoa cúc đều cho rằng năm nay thời tiết rất khó làm, chi phí đầu tư tăng 20% so với các năm, họ phải tăng lượng phân bón, tưới nước. Nhờ ánh sáng ngày dài cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cúc sinh trưởng nên cây hoa năm nay mập hơn, nụ to hơn. Tuy vậy, họ đang lo vì không biết biến động của thời tiết sẽ ra sao? Nếu thời tiết thuận lợi như hiện nay thì nhiều người trồng hoa cúc sẽ có một cái Tết được mùa. Nhưng nếu trời trở lạnh quá thì hoa sẽ bị ngậm nụ không nở. Đặc biệt là ở giai đoạn chuẩn bị nở, gặp mưa dầm thì coi như người trồng hoa trắng tay.
 
Năm nay, người trồng cúc nghiêng về đầu tư cho các loại cúc "bình dân” với đường kính 40cm, 50cm và 70cm. Thời buổi kinh tế khó khăn nên người trồng hoa không dám đầu tư vào những chậu hoa khủng vì e ngại thị trường đầu ra.
 
Anh Nguyễn Thanh Lâm- một người trồng hoa cho biết: "Năm ngoái, thương lái chỉ chọn loại chậu thường để mua, nhiều người đầu tư loại chậu to bán không chạy. Thời buổi khó khăn chúng tôi chỉ dám đầu tư loại nhỏ cho chắc ăn. Giá bán dự định cho mỗi chậu cúc 50cm là 100.000 đồng, chậu 40cm là 70.000 đồng, chậu 70 cm 300.000 đồng".
 
So với cúc thì người trồng mai càng thấp thỏm đến ngàn lần. Tất cả những người trồng mai khi được hỏi đều lắc đầu. Chúng tôi đến vườn mai của ông Lê Kiện (86 tuổi), người cùng thôn với anh Phương và anh Giáo. Ông Kiện cũng là người lão làng, có kinh nghiệm gần 50 năm trồng mai, nhưng 1/2 vườn mai của ông đã trổ tự khi nào. Những cơn mưa xen kẻ những ngày nắng nóng ngày hồi tháng 10 là nguyên nhân chính làm cho nụ mai bị bong vỏ lụa nở sớm ngoài ý muốn. Ông đành ngậm ngùi vặt bỏ hết tất cả lá và trái non để tiếp tục nuôi cây và chờ năm sau. 
 
Ông Kiện thở dài: "Khó lắm các cô, chú ơi. Mai là cây chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết. Nắng thì nở sớm, lạnh thì ngậm luôn. Năm nhuận thì khỏi phải nói. Mới tháng 11 chúng đã nở vàng rực cả vườn. Ai tài giỏi đến mấy cũng chẳng thể nào điều khiển chúng được.”
 

 

vv
Đến thời điểm này, hầu hết các vườn mai đã trổ trong khi còn 20 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán.
 
Một "lão làng" về cây mai khác là ông Mai Văn Từ, (63 tuổi) ở xóm Bông, thôn Hải Môn trồng được gần 2.000 chậu mai các loại như: bạch mai, bát tiên, mai gião, mai tình, mai xuân cổ truyền và mai thịnh, nhưng 3 mùa Tết liên tiếp ông chỉ bán chưa đầy 100 chậu. Năm ngoái lạnh quá mai bị ngậm nụ không nở. Mãi đến tận 28 Tết ông mới bán 30 chậu thu được 15 triệu đồng, vừa đủ bù vào chi phí thuốc, phân bón chăm sóc cả năm. Năm nay thì số lượng mai trổ sớm lại khá nhiều.
 
“Với thời tiết này, thời điểm ngắt lá để tạo nụ cho mai cũng khó năm bắt chính xác, mỗi nhà làm mỗi kiểu. Tôi có mấy chục năm kinh nghiệm cũng không biết đâu mà lần. 3 năm liên tiếp thất bại, giờ tôi chẳng còn tự tin với nghề. Không biết những ngày tiếp theo sẽ như thế nào. Nếu trời trở lạnh thì hoa “điếc” luôn chứ nở gì được. Tôi hy vọng sẽ xuất được 300 chậu nếu thời tiết thuận lợi như lúc này”- ông Từ chia sẻ.
 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 

.