Hướng đi mới cho vật liệu không nung

09:01, 15/01/2013
.

(QNg)- Có mặt trên thị trường suốt một thời gian dài, có nhiều ưu thế về chất lượng và môi trường, thế nhưng vật liệu không nung (VLKN) vẫn chưa được người tiêu dùng đón nhận. Chính vì thế, Thông tư 09/2012/TT-BXD về việc sử dụng VLKN thay thế cho vật liệu truyền thống, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2013) là tín hiệu vui, mở đường cho sự phát triển của loại vật liệu tiên tiến này.  

Vật liệu xây dựng không nung xuất hiện từ khá lâu trên thị trường với nhiều ưu điểm vượt trội như không cần đất sét như vật liệu truyền thống nên không "đụng" đến quỹ đất nông nghiệp, không dùng than, củi… để đốt gây ô nhiễm môi trường.


Nhiều ưu thế

Anh Bùi Anh Dưỡng (phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi), thợ xây dựng với hơn 20 tuổi nghề chia sẻ "Vật liệu không nung có ưu thế hơn rất nhiều so với vật liệu nung. Vật liệu xây dựng không nung có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt tốt. Hơn nữa, xây bằng gạch không nung sẽ tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều".

 

Vật liệu không nung sẽ dần thay thế vật liệu truyền thống gây ô nhiễm môi trường.                                                       Ảnh: X.Hiếu
Vật liệu không nung sẽ dần thay thế vật liệu truyền thống gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: X.Hiếu


 Có những lợi thế về mặt bảo vệ diện tích đất nông nghiệp và môi trường. Thế nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh ta, vật liệu không nung vẫn chưa được chủ đầu tư và người tiêu dùng ưa chuộng. Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đều chưa mấy mặn mà với loại vật liệu này.

Theo anh Võ Thành Tấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Võ Thành  (nằm  trên đường  Lê Lợi, TP.Quảng Ngãi) thì "Nhiều năm nay, Công ty chúng tôi chủ yếu bán vật liệu nung, chứ không lấy hàng VLXD không nung. Bởi lấy về  cũng chẳng  ai mua vì phần đông chủ đầu tư và người tiêu dùng vẫn chuộng loại vật liệu truyền thống". Anh Tấn chia sẻ thêm rằng, nếu thay đổi được thói quen của người tiêu dùng, thì VLXD không nung là sự lựa chọn thông minh, bởi đây là loại hình sản phẩm có nhiều kích thước và mẫu mã nên dễ dàng thích ứng với tính đa dạng trong xây dựng.

Mở hướng đi mới

Nhằm khuyến khích sử dụng  loại vật liệu thân thiện với môi trường, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD hướng dẫn quy định sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2013. Theo đó, các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng VLXDKN theo lộ trình. Cụ thể, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% VLXDKN. Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN kể từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

 Bên cạnh đó, các công trình xây dựng 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng trên phạm vi toàn quốc. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về việc sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn. Những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định, tùy theo mức độ và hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

 Đây là một tín hiệu vui, mở ra hướng đi mới cho VLXD không nung. Trong thời gian tới, nhờ những chủ trương, chính sách của Nhà nước, VLXD thân thiện với môi trường này, sẽ có được chỗ đứng trên thị trường tỉnh ta.

Vật liệu xây dựng không nung bao gồm: Gạch xi măng - cốt liệu; Vật liệu nhẹ (gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm Panel từ bê tông khí chưng áp); Tấm tường thạch cao, tấm 3D; Gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát...).


Ý THU
 


.