Tận thu đất sét, cải tạo đồng ruộng- Được và mất (kỳ 4)

01:12, 25/12/2012
.

(QNg)- Không thể phủ nhận hiệu quả của việc cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu đất sét mang lại: Ruộng được chỉnh trang, nâng cao năng suất cây trồng, giải phóng sức lao động cho người dân và tiết kiệm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, để phát huy được những cái lợi ấy, các nhà quản lý và doanh nghiệp (DN) đã đề xuất những giải pháp gì nhằm tránh tình trạng "bạ đâu làm đấy" khiến "đất lành thành đất hư".

TIN LIÊN QUAN



Kỳ 4: Các nhà quản lý và doanh nghiệp nói gì?



*Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân: "Chỉ cải tạo những đồng ruộng có trữ lượng đất sét lớn". Những diện tích ruộng có trữ lượng đất sét ít thì độ chênh lệch giữa mặt ruộng và kênh mương là không lớn. Nếu cải tạo, cũng chỉ hạ cao trình ruộng vài ba centimet. Điều này không chỉ gây tốn kém chi phí (vì thu không đủ chi), mà còn gây họa cho ruộng vì khối lượng đất sét không nhiều nên để có lợi nhuận, DN sẽ lấy đất sâu hơn quy định. Vậy là ruộng từ cao về trũng, ngập úng, thậm chí hoang hóa nếu chính quyền cơ sở buông lỏng công tác quản lý và giám sát quá trình thi công. Do đó, với những cánh đồng như thế này, chúng ta nên tìm cách đầu tư, nâng cấp và cải tạo hệ thống kênh mương cho phù hợp, đảm bảo nước tưới cho đồng ruộng, thay vì cứ phải "lột da" nó ra.

*Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Lê Quang Tịnh: "Thu hồi Dự án thì dễ, hậu thu hồi mới khó". Mặc dù Dự án trang trại nuôi cá nước ngọt của DN Hải Vương đã bộc lộ nhiều nghi ngại, đặc biệt là năng lực nhà đầu tư. Tuy nhiên, để xử lý rốt ráo vấn đề này, quả không dễ. Bởi, công trình hiện đang ngổn ngang. Nếu cơ quan chức năng thu hồi thì tài sản tại công trình sẽ giải quyết thế nào? Liệu có nhà đầu tư nào đồng ý "dọn dẹp" hay tiếp tục thực hiện Dự án? Còn nếu trả lại cho địa phương thì xã sẽ làm gì với những cái ao ấy, vì chắc chắn, chẳng có người dân nào đủ khả năng để đầu tư nuôi cá.

Hơn nữa, hiện DN đang đề nghị chính quyền xã, huyện xử lý một số vấn đề như: Hợp thức hóa căn nhà 2 tầng (vì đất nông nghiệp không được xây dựng nhà ở), cho phép DN khai thác đất đồi để đắp bờ ao. Tuy nhiên, do công trình đã chậm tiến độ 25 tháng nên chúng tôi phải chờ quyết định của tỉnh rồi mới xem xét đến những kiến nghị này. Theo tôi, tỉnh cần xem xét năng lực và thiện chí của nhà đầu tư để có hướng xử lý thích hợp.

*Ông Phạm Văn Tuân- Trưởng Phòng Nông nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh: "Đồng ruộng được cải tạo phải có tính kế thừa". Đó là hệ thống kênh mương, đập tràn, giao thông nội đồng của đồng mới (cải tạo) và cũ phải liên vùng, liên thửa, đảm bảo mặt bằng ruộng trong toàn vùng được cân đối, tưới tiêu thuận lợi. Hơn nữa, cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu đất sét sẽ giúp công tác dồn điền đổi thửa thuận lợi hơn, tạo điều kiện để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất bằng cách thâm canh, cơ giới hóa đồng ruộng. Muốn vậy, diện tích cải tạo phải được quy hoạch và khảo sát chi tiết từ cao trình, độ sâu khai thác đến việc bố trí hệ thống bổ trợ, độ phẳng của mặt bằng chứ không có kiểu làm ước lượng, khiến trên cùng một diện tích mà chỗ này sâu, chỗ khác nông.

*Giám đốc Công ty TNHH Văn Ký Nguyễn Văn Ký: "Cải tạo theo hướng quy mô, đồng bộ". Chi phí để cải tạo 1 sào ruộng lên đến 10 triệu đồng. Do đó, với những diện tích ruộng nhỏ lẻ, manh mún thì rất dễ khiến DN bất chấp quy trình cải tạo (lấy đúng cos, giữ lại đất bề mặt để phả mặt bằng, hệ thống tưới tiêu) vì lợi nhuận. Theo tôi, các ngành chức năng cần xem xét và quy hoạch cải tạo 1 lần cho toàn vùng, thậm chí là liên vùng chứ không phải nay điểm này, mai điểm khác. Như thế thì độ phẳng của bề mặt ruộng sẽ đồng đều hơn, hệ thống phụ trợ cũng hoàn thiện hơn. Đây cũng là cách để sàng lọc và lựa chọn các DN thực sự có năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu trong quá trình cải tạo.   

 

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, giai đoạn 2009-2012, Sở này cấp phép cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu đất sét với diện tích hơn 290 ha trong toàn tỉnh. Hầu hết những cánh đồng này đều phát huy hiệu quả sau cải tạo: Bề mặt ruộng bằng phẳng, đường nội đồng được mở rộng và cứng hóa; hệ thống kênh mương kiên cố và tự chảy, năng suất lúa tăng từ 1 - 10 tạ/ha so với trước.
Với những diện tích (dưới 1 ha) do UBND các huyện, thành phố cấp phép thì, vẫn còn không ít cánh đồng rơi vào tình trạng đất "chết", hoang lúa hoặc ngập úng do thời gian thi công kéo dài, chất lượng công trình không đảm bảo, hệ thống kênh mương và giao thông tạm bợ…khiến hoạt động sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn.

 

 Mỹ Hoa


 


.