Tận thu đất sét, cải tạo đồng ruộng- Được và mất (Kỳ 1)

10:12, 17/12/2012
.

(QNg)- Mục tiêu của cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu đất sét là chỉnh trang và khai thông hệ thống tưới tiêu, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất cho nông dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn bộc lộ nhiều bất cập khiến không ít cánh đồng bị "vô hiệu hóa" sau khi được cải tạo.
 

Kỳ 1: Cải tạo ngược


Có nơi, vùng sản xuất lúa, trồng sen bỗng dưng biến thành… ao để lau lách mọc um tùm, trở thành chỗ ở lý tưởng cho chuột sinh sôi phát triển. Chỗ khác, đất ruộng bị bỏ hoang hoặc ngập úng  khiến việc sản xuất của nông dân gặp không ít khó khăn. Đó là hậu quả của việc cải tạo theo kiểu "đất ruộng ra đi, cát sỏi ở lại"!


Bỗng dưng ruộng biến thành… ao!

Đó là kết quả của Dự án xây dựng trang trại nuôi cá nước ngọt do doanh nghiệp tư nhân Hải Vương (DN) triển khai thực hiện từ năm 2009, ở đồng La Băng, thôn Đồng Xuân, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) theo Giấy chứng nhận cho phép đầu tư số 3412100048 ngày 7/4/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế ký.

Theo thiết kế, Dự án này có quy mô 6 ao nuôi cá (gồm 5 ao nhân tạo và 1 ao tự nhiên) với diện tích 68.000m2 mặt nước, trong đó có 20.000m2 dùng để trồng cây xanh và nuôi chim trời, 5.000m2 được dùng xây dựng nhà và hệ thống kênh thoát nước. Dự kiến sau khi hoàn thành (tháng 10/2010), Dự án sẽ cung ứng một lượng lớn nguồn lợi thủy sản cũng như tạo việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đó chỉ là "hiệu quả" trên giấy...

 

"Trang trại" của DN Hải Vương sau hơn 3 năm thi công chỉ là căn nhà 2 tầng cùng cái ao "rỗng cá". Ảnh: MỸ HOA

 

Thực tế thì phần diện tích này đã bị DN làm cho tan hoang. "Họ lấy đất sét xong, bỏ lại bãi chiến trường như thế này đây", vừa nói, ông N.X. vừa đưa chúng tôi đi một vòng quanh "trang trại". Quả thật, nhìn những gì mà Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng bày ra trước mắt, chúng tôi thực sự bất ngờ. Đó là một căn nhà 2 tầng bề thế nằm giữa đồng không mông quạnh; những cái ao rộng, nước đục ngầu; một số ao đang bị lau lách phủ, còn bờ ao thì trồng… keo! "Đặc sản mà trang trại này nuôi không phải cá, mà là chuột. Chuột nhiều vô kể", ông X. tiết lộ. Thấy tôi tỏ vẻ không tin, ông X. liền lấy gậy chọc vào mấy cái hang trên bờ ao thì những con chuột to hơn bắp tay người nhảy phóc ra, chạy loạn xạ.

Theo người dân, ban đầu họ rất tin tưởng và kỳ vọng vào sự thành công của Dự án này vì nghĩ rằng, DN có tiềm lực sẽ giúp đồng ruộng này phát huy hiệu quả hơn là trồng lúa, trồng sen. "Tuy nhiên, sau khi DN được UBND tỉnh cho phép tận thu đất sét, trong quá trình thi công Dự án theo Quyết định số 1956/QĐ-UBND ngày 27/12/2010 thì, DN chỉ tập trung lấy đất sét, mà quên nhiệm vụ chính là nuôi cá. Vì thế, người dân và chính quyền địa phương rất bức xúc”, ông Nguyễn Tấn Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh cho hay.

Ngay sau đó, Sở TNMT cùng huyện Nghĩa Hành đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Dự án nuôi cá nước ngọt của DN Hải Vương và kết luận (theo báo cáo số 816/TNMT-QLĐĐ ngày 18/6/2012 gửi UBND tỉnh): Tiến độ thi công Dự án chậm 19 tháng, nhưng khối lượng công trình chỉ đạt 25%. Nguyên nhân chính là do DN chỉ tập trung vào việc khai thác tận thu đất sét mà chưa quan tâm đầu tư xây dựng trang trại.

Rõ ràng, với những gì mà Dự án đang hiển hiện, người dân xã này nghi vấn: Phải chăng DN núp bóng Dự án để hợp lý hóa việc tận thu đất sét, kiếm lợi nhuận. Bởi nếu không, vì sao sau khi thời hạn khai thác đất sét kết thúc (30/7/2011), DN này lại… rút êm, bỏ lại 1 căn nhà 2 tầng cùng những cái ao "rỗng cá" như thế?

Hoang hóa, ngập úng sau cải tạo
 

Quyết định 48/2009/QĐ-UBND ngày 28/9/2009 của UBND tỉnh quy định: UBND tỉnh ủy quyền Sở NN&PTNT phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công và dự toán công trình cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu đất sét có diện tích 1 ha trở lên (có hiệu lực 1 năm). Còn những công trình có diện tích dưới 1 ha, do UBND huyện, thành phố phê duyệt (có hiệu lực 6 tháng). Quyết định này cũng nêu rõ: Cấm chia nhỏ vùng hoặc xứ đồng có cùng điều kiện cải tạo như nhau để đưa vào nhiều công trình cải tạo riêng lẻ phù hợp với thẩm quyền phê duyệt; cấm chuyển đất từ ngoài vùng ruộng cải tạo vào vùng cải tạo để trang mặt bằng và cấm lợi dụng việc cải tạo đồng ruộng để khai thác đất sét.

Không bị đào bới như ở đồng La Băng, gần 1 ha diện tích ở Vũng Ông Đoàn, thuộc thôn An Ba, xã Hành Thịnh lại được "nghỉ ngơi" nhiều năm nay sau khi  được cải tạo. "Đó là vì lấy đất sét xong, DN trả lại đất cho dân toàn cát với sỏi, làm sao cây lúa sống nổi", lão nông N.T.A lý giải. "Trước kia chân ruộng cao, canh tác khó nên năng suất lúa đạt thấp. Nhưng sau cải tạo thì chẳng thu được hạt lúa nào. Biết vậy hồi ấy tui không đồng ý cho làm", ông A. nói giọng tiếc nuối. Qua tìm hiểu, người viết biết được Vũng Ông Đoàn trước kia là chân ruộng bậc thang nên nước từ kênh mương Thạch Nham không tưới được. Do đó, vào khoảng năm 2008, địa phương chủ trương cải tạo, hạ thấp cao trình ruộng bằng cách tận thu đất sét. Kết quả sau cải tạo, từ ruộng lúa biến thành đồng hoang. "Nguyên nhân là do DN thu đất sét quá sâu, sau đó lại lấy đất, sỏi, đá ở núi Gò Rú để san lấp mặt bằng khiến đồng ruộng vừa trũng, vừa cằn cỗi nên cây lúa không sống nổi", một lãnh đạo xã Hành Thịnh cho hay.

Còn ở xứ đồng Cây Da, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), hơn 3ha diện tích ruộng đến giờ vẫn "gánh" trên mình hậu quả của quá trình cải tạo từ 4 năm về trước. Đó là nạn ngập nước. "Ruộng cao, tui phải tát nước vào. Lấy đất xong thì ruộng lại thấp, tui phải đạp nước ra", nông dân N.T.G. cho hay. Giải thích tình trạng này, ông Võ Công Thành - Chủ tịch UBND xã Hành Phước nói: "Không phải do đơn vị thi công lấy đất sét quá quy định mà là quá trình lập dự án, các đơn vị không lường trước tình huống sau cải tạo, đất sẽ bị lún do kết cấu chưa ổn định. Thế nên, sau một thời gian canh tác, mặt bằng ruộng thấp hơn so với xung quanh. Địa phương đã khắc phục bằng cách nạo vét kênh mương để tiêu thoát nước".

Không chỉ ở Vũng Ông Đoàn hay xứ đồng Cây Da, mà tình trạng này đang xảy ra ở rất nhiều cánh đồng trong toàn tỉnh, nhất là ở những khu vực do UBND huyện cấp phép cải tạo (diện tích dưới 1 ha) với điểm chung: DN kéo dài thời gian thi công, mặt bằng ruộng sau cải tạo không bằng phẳng, hệ thống kênh mương tạm bợ… khiến người dân bức xúc.


 MỸ HOA

(Còn nữa)

 


.