Giải pháp nào để giảm lạm phát 2013?

09:12, 30/12/2012
.

Bước sang năm 2013, kịch bản, thách thức nào cho chỉ số CPI và giải pháp nào để đạt được mức lạm phát dưới 8% như đề xuất mới đây của Chính phủ?
 

Ảnh: Cổng ĐT chính phủ
Ảnh: Cổng ĐT chính phủ


Đó là các nội dung được thảo luận tại Hội thảo diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2012 và dự báo năm 2013 do Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 27/12 tại Hà Nội.        

Hội thảo nhận định một số nguyên nhân kiềm chế áp lực tăng giá trong 2012 phải kể đến là giá một số hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới giảm do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, sức mua trong nước suy giảm và giá một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, phân bón, xi măng giảm so với năm ngoái. Trong khi đó, các yếu tố gây áp lực tăng giá như giá điện, dịch vụ y tế, xăng dầu và tăng lương tối thiểu…

Sang năm 2013, các rủi ro về lạm phát được dự báo giảm so với 2012. IMF hạ dự báo lạm phát của Việt Nam xuống mức 6,2% trong năm 2013, thấp hơn mức đề xuất của Chính phủ là dưới 8%. Tuy nhiên, năm tới vẫn tiềm ẩn các yếu tố khó lường. Do đó, biện pháp được hội thảo đề xuất là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết điểm nghẽn nợ xấu, hàng tồn kho. Ngoài ra, chính sách tiền tệ và tài khóa cần tiếp tục thận trọng và linh hoạt, kiểm soát chặt chi tiêu công, mở rộng lãi suất ở mức hợp lý. Vì lạm phát vẫn luôn là nguy cơ thường trực, nếu không có các biện pháp ứng phó với thị trường thì có thể đẩy nền kinh tế vào vòng lạm phát mới.

Các chuyên gia cũng dự báo, nếu chỉ số giá tiêu dùng của các tháng 1 và 2 năm 2013 tiếp tục tăng thấp hoặc giảm thì có thể là dấu hiệu cảnh báo về một khả năng rất khó khăn cho tăng trưởng kinh tế của năm 2013.



Nguyễn Hùng/VTV


.