Dân nông thành công nghề biển

01:12, 31/12/2012
.

(QNg)- Ở Quảng Ngãi, làng biển nào đánh bắt thành công nhất? Không phải những làng biển nổi tiếng như: Lý Sơn, Sa Kỳ, Sa Huỳnh... Đó là một xóm chài nhỏ, ngư dân chỉ là những lão nông chân đất.
 

TIN LIÊN QUAN


BÀ CON TRÚNG QUÁ!

Thôn Bàng An và Phàn Thất (Phổ Quang, Đức Phổ) vốn là một miền quê rất nghèo. Nằm ở bãi ngang, đất đai cằn cỗi, cách cửa biển Mỹ Á vài kilomét. Thiên nhiên không ưu đãi, nhưng bà con vẫn có cách làm rất riêng để phát triển và làm giàu bằng nghề biển.

 

Thuyền trưởng Trần Luận, từ người làm thuê, giờ đã có con tàu lớn đang neo ở cảng Đà Nẵng.
Thuyền trưởng Trần Luận, từ người làm thuê, giờ đã có con tàu lớn đang neo ở cảng Đà Nẵng.


Một ngư dân báo tin vui: "chuyến này lại trúng bộn. Năm hết tết đến, nếu cho được 2 phiên nữa trót lọt thì coi như phần bạn gần 200 triệu đồng/người". Tôi kinh ngạc, bởi ngư dân một số địa phương khác có tàu công suất lớn, đánh bắt quanh năm, nhưng bạn chài cũng chỉ kiếm  được từ 40-50 triệu đồng/năm. Còn cái làng chài nhỏ này thì lại có thu nhập cao đến không ngờ.

Ngư dân Trần Luận, thuyền trưởng tàu QNg 94559 TS cho biết: "Bà con ở đây làm 2 nghề, đó là lưới rút và lưới rê. Hai nghề này đua với nhau làm ăn, nhưng năm nay lưới rê trúng quá". Hiện nay, chưa tổng kết cuối vụ đánh bắt, nhưng các ngư dân đi bạn đã được chia phần hơn 100 triệu đồng. Có một số chiếc làm ăn trúng, các ngư dân dự tính phần bạn sẽ nhận được hơn 200 triệu đồng sau một năm đánh bắt.

Khi trời sáng trăng, luồng cá lắng xuống, đội ngư dân lại thuê người giữ tàu và tấp nập về xóm vắng vài ngày. Quán nước bình dân nơi đầu làng trở thành điểm họp mặt của các thuyền trưởng. "Tại sao tàu của ông Sáu mới mở ra 5 bữa mà đã kiếm được cả trăm triệu?", mỗi thuyền trưởng đặt một câu hỏi. Mỗi ngư dân chia sẻ thông tin bí mật về luồng cá cho những chiếc tàu trước đó đã giúp mình gỡ bí, cho tọa độ luồng cá.

Nhiều cửa biển ở Quảng Ngãi bị bồi lấp, phần lớn tàu cá công suất lớn ở Bàng An và Phàn Thất lưu lạc ở các cửa biển ngoài tỉnh hàng chục năm trời. Đến cửa biển Mỹ Á hỏi về kinh tế biển, nhiều chủ tàu lại lắc đầu chỉ lên Bàng An, Phàn Thất: "Bọn tôi chỉ đánh bắt cò con, lên xóm trên hỏi, toàn tàu đánh bắt tiền tỷ". Vì sao từ 2 xóm nghèo lại trở thành làng chài thành công nghề biển?

TỪ LÀM THUÊ THÀNH ÔNG CHỦ

Những năm trước đây, Bàng An và Phàn Thất là hai xóm nghèo. Vậy là những trai đinh của làng đã kéo ra Đà Nẵng thuê tàu cá để đi khơi. Chủ tàu thấy mấy ông nông dân này đi biển rất khá, ăn chia sòng phẳng nên tin tưởng giao tàu trọn gói.


Tàu thuê đi biển, chủ tàu và bạn lái ăn chia theo tỷ lệ 6-4. Ông Ngô Đẹp cho biết: "Ra biển phải làm cật lực để kiếm tiền vô trả phí tổn và chia 4 phần cho chủ. Nếu ngư dân ở Đà Nẵng cứ đi biển hơn 10 ngày đã hối thúc quay vào bờ. Còn các ngư dân ở làng Bàng An và Phàn Thất chúng tôi thì gạt mồ hôi, bám biển đánh lưới tới cùng. Khi nào tàu đầy cá thì mới trở về".

Cuộc đời thuê tàu cũng nhiều nỗi vui, buồn lẫn lộn. Khi cho tàu chạy ngoài khơi vào đất liền bán cá, ông chủ tàu điện ra thông báo giá cá 15. Đến khi tàu cập bến thì lại rớt xuống còn 13. Mệt mỏi vì chuyến biển dài ngày, các ngư dân lại cảm thấy nản lòng hơn khi giá cả do người khác quyết định. Chủ tàu đứng ra bán cá và thông đồng với chủ nậu xà xẻo thêm mấy phần của ngư dân đi biển.


Ông Huỳnh Hợp, một ngư dân ở địa phương nhớ lại: "Làm ăn được mấy năm, anh em tôi bàn tính phải tự đóng tàu đi làm chứ không thể làm biển theo kiểu thuê tàu suốt đời".

Hôm qua làm thuê, hôm nay trở thành ông chủ tàu. Cuộc chia tách của các chủ tàu đến giờ này vẫn tiếp tục diễn ra. 3-4 người chung một chiếc tàu, khi làm ăn khá thì tách ra thành một đôi tàu. Từ một thôn chỉ vỏn vẹn có 6 chiếc tàu, giờ đội tàu của các đã phát triển lên 120 chiếc, tàu có công suất lớn nhất là 700 mã lực. Các ngư dân dự tính sẽ đóng tàu 1.000 mã lực trong thời gian tới.


  Bài, ảnh: THANH TRUNG
 


.