Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng: Xu hướng tất yếu

08:12, 28/12/2012
.

(QNg)- Để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Chính vì thế, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng là hướng đi tất yếu.

TIN LIÊN QUAN


 Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì vấn đề cạnh tranh các sản phẩm cùng một chủng loại rất lớn. Do đó, để tồn tại và phát triển bền vững, những năm qua, các doanh nghiệp của tỉnh đã tăng cường áp dụng các hệ thống quản lý  chất lượng tiên tiến. Thông qua hệ thống quản lý chất lượng, các doanh nghiệp thực hiện tốt từ khâu quản lý, lập kế hoạch sản xuất đến việc xây dựng hệ thống phân phối và phân khúc thị trường để nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

 

Nhà máy bánh kẹo (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) áp dụng quản lý ISO để mang lại hiệu quả cao.
Nhà máy bánh kẹo (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) áp dụng quản lý ISO để mang lại hiệu quả cao.


Xác định việc áp dụng quản lý chất lượng trong sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế là vấn đề hết sức quan trọng, năm 1999, Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam (VinaSoy) đã đưa hệ thống quản lý ISO 9001:2000 vào thực hiện. Việc áp dụng quản lý ISO đã tạo ra hệ thống quản lý cho nhà máy rất bài bản, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, khi áp dụng quản lý ISO đã giúp cho sản phẩm của VinaSoy luôn được duy trì, ổn định và chất lượng luôn được cải tiến. Một điều quan trọng nữa là, quản lý ISO đã giúp cho nhà máy nâng cao nhận thức cho người quản lý và nhân viên thành một hệ thống quy chuẩn thống nhất. Ông Huỳnh Sơn Hải - Phó Giám đốc Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam chia sẻ, nếu quản lý ISO tốt sẽ tăng năng suất lao động, giảm các chi phí hao hụt, hư hỏng sản phẩm. Ngoài ra, nó sẽ tạo hệ thống xuyên suốt từ trên xuống dưới rất chuyên nghiệp, từ đó công tác điều hành sẽ hiệu quả hơn, chất lượng sản phẩm sẽ ổn định hơn. Và điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi dùng sản phẩm của nhà máy.

Để áp dụng quản lý ISO không khó, nhưng vấn đề duy trì và cải tiến từng ngày trong quá trình sản xuất rất quan trọng. Trong đó, con người đóng vai trò quyết định để có sự cam kết từ lãnh đạo đến nhân viên trong quá trình vận hành dây chuyền sản xuất. Quản lý ISO mang tính tiêu chuẩn toàn cầu và đây là điểm mới của các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi tiếp cận để điều hành mang lại hiệu quả cao.

Ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Nhà máy bánh kẹo Biscafun cho hay, hệ thống ISO giúp cho công tác quản lý trở nên chuyên nghiệp thông qua kế hoạch sản xuất, kế hoạch nhóm, kế hoạch tổ.  Đối với bên ngoài, nó giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối chuẩn mực, phân khúc thị trường, quản lý điểm bán, độ phủ của sản phẩm. Thông qua đó giúp người quản lý đánh giá được hiệu quả sản xuất kinh doanh và đề ra những kế hoạch phù hợp với tình hình, cũng như với từng thị trường.

Tại Quảng Ngãi, triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký, bảo hộ các sản phẩm trí tuệ, đến nay, toàn tỉnh có trên 80 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: ISO 9000-2001, ISO 14.000, SA 8000, HACCP...; 486 đơn đăng ký xác nhận quyền sở hữu công nghiệp. Trong đó: Nhãn hiệu hàng hóa 390 đơn, kiểu dáng công nghiệp 87 đơn, sáng chế/giải pháp hữu ích 9 đơn. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực quản lý điều hành nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, qua đó tạo niềm tin cho khách hàng khi mua và sử dụng hàng hóa.     


                       PV

 


.