15 ha ruộng lúa không có hệ thống tưới tiêu kiên cố

09:12, 27/12/2012
.

(QNg)- Hơn 10 năm nay, cứ vào vụ sản xuất lúa, hơn 150 hộ nông dân ở thôn An Đại 3, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) luôn canh cánh nỗi lo thiếu nước vào mùa khô và ngập úng khi có mưa. Năm nay, nỗi lo ấy còn nhân lên gấp bội vì thời tiết diễn biến bất thường.

TIN LIÊN QUAN


Ông Nguyễn  Vì - Trưởng thôn An Đại 3, xã Nghĩa Phương, bức xúc nói: Hơn chục năm nay, người dân nơi đây luôn chịu cảnh mất mùa. Bởi lẽ, con mương tưới tiêu duy nhất của cánh đồng Rộc Kiềm đã bị bồi lấp ngày càng nghiêm trọng, không thể nạo vét thủ công được. Dân đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được quan tâm.

 

UBND xã Nghĩa Phương khắc phục tạm tuyến mương Rộc Kiềm.
UBND xã Nghĩa Phương khắc phục tạm tuyến mương Rộc Kiềm.

Được biết, cánh đồng này có gần 15 ha ruộng lúa của hơn 150 hộ. So với các cánh đồng khác trong xã, năng suất lúa ở đây giảm bình quân từ 20-50%/vụ, có năm lũ đến sớm thì coi như mất trắng. Như hộ ông Đinh Công Bút (57 tuổi) có 4 sào ruộng lúa, khi mương Rộc Kiềm chưa bị bồi lấp thì trung bình mỗi vụ gia đình ông thu được trên 12 tạ lúa khô, nhưng nay chỉ còn chưa đầy 10 tạ. Còn ông Tạ Sinh Tùng (68 tuổi), cũng có 4 sào ruộng lúa ở đây thì lo lắng: Do mương tưới tiêu bị bồi lấp nên chúng tôi không chủ động được lịch thời vụ. Mỗi lần xuống giống đều phải "phó mặc" cho thời tiết.

Ông Ngô Hữu Bửu - Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn An Đại 3, cho biết thêm: Trước đây, mương Rộc Kiềm do HTX NN Bắc Phương quản lý đã dùng nguồn thu thủy lợi phí của dân để đầu tư nạo vét thường xuyên, nên ít xảy ra cảnh thiếu nước vào mùa khô, ngập úng khi có mưa. Nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, HTX giao khoán cho xã viên tháo nước và nguồn thu thủy lợi phí từ dân cũng không còn nên con mương này đã bị bồi lấp.

Làm việc với chúng tôi, ông Võ Tòng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho biết: Việc phản ánh của người dân là đúng. Tuy nhiên, do địa phương không có kinh phí nên không thể khắc phục. Tuyến mương này dài khoảng 2.000m. Hiện nay, xã chỉ hỗ trợ 40 triệu đồng khắc phục tạm để người dân đưa nước vào ruộng làm đất kịp xuống giống vụ đông xuân theo lịch thời vụ của tỉnh. Về lâu dài, huyện và tỉnh cần đầu tư xây dựng kiên cố tuyến mương này, vì chi phí hàng trăm triệu đồng, vượt quá khả năng của xã.


Bài, ảnh: T.Phương
 


.