Công bố danh sách khu neo đậu tránh trú bão hàng năm

02:10, 11/10/2012
.

Theo Nghị định về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, trước ngày 1/4 hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Danh sách các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên phạm vi cả nước.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo quy định, khi có bão, áp thấp nhiệt đới, tàu cá và các loại tàu thuyền khác được vào tránh trú bão không phải nộp phí.

Khi vào khu neo đậu tránh trú bão, thuyền trưởng hoặc người điều khiển tàu cá phải chấp hành sự điều hành và hướng dẫn của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Khi đã neo đậu an toàn, những đối tượng này phải có trách nhiệm thông báo cho Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn về tên, số đăng ký, tình trạng của tàu, số người trên tàu và các yêu cầu khác (nếu có).

Tàu cá chỉ được rời khu neo đậu tránh trú bão khi có thông báo bão, áp thấp nhiệt đới đã tan hoặc có lệnh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

Trong thời gian sử dụng làm nơi tàu cá vào tránh bão, khu neo đậu tránh trú bão do Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương quản lý, điều hành.

Trong thời gian không sử dụng làm nơi tránh trú bão, khu neo đậu được giao cho Ban Quản lý cảng cá hoặc một đơn vị, tổ chức phù hợp quản lý, khai thác, sử dụng và được thu phí theo quy định.

Quản lý, khai thác cảng cá

Theo quy định tại Nghị định, cảng cá được phân làm 2 loại: Cảng cá loại I và loại II với những quy định cụ thể về vị trí, diện tích, mức độ cơ giới hóa trang thiết bị, dây chuyền xếp dỡ hàng hóa, lượng hàng thủy sản qua cảng theo thiết kế.

Cụ thể, cảng cá loại I được xây dựng tại các cửa sông lớn, vùng vịnh hoặc hải đảo; thu hút tàu cá của nhiều địa phương, kể cả tàu cá nước ngoài, đến bốc dỡ thủy sản và thực hiện các dịch vụ nghề cá khác... Lượng hàng thủy sản qua cảng thiết kế từ 15.000 tấn/năm trở lên (đối với cảng cá tại đảo từ 3.000 tấn/năm trở lên).

Còn cảng cá loại II được xây dựng tại các cửa sông, kênh, rạch, eo vịnh, đầm ven biển hoặc hải đảo... Lượng hàng thủy sản qua cảng thiết kế từ 7.000 tấn/năm trở lên (đối với cảng cá tại đảo từ 1.000 tấn/năm trở lên).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thẩm quyền công bố mở cảng cá loại I, UBND cấp tỉnh công bố mở cảng cá loại 2.

Trước khi vào cảng cá, thuyền trưởng hoặc người lái tàu cá phải thông báo trước ít nhất 1 giờ cho Ban quản lý cảng cá về số đăng ký của tàu, cỡ loại tàu, các yêu cầu về dịch vụ và yêu cầu khác (nếu có).

Khi vào cảng cá, thuyền trưởng hoặc người lái tàu phải tuân thủ sự điều động của Ban quản lý cảng cá, nội quy của cảng cá và trước khi rời cảng phải thông báo cho Ban quản lý cảng cá biết.

Đối với tàu cá nước ngoài, tàu cá nước ngoài chỉ được vào các cảng cá đã quy định trong giấy phép hoạt động thủy sản. Trước khi vào cảng, thuyền trưởng tàu cá phải thông báo bằng vô tuyến điện (hoặc các loại phương tiện thông tin khác) trước ít nhất 24 giờ cho Ban quản lý cảng cá về tên tàu, số hiệu, số đăng ký tàu, cỡ loại tàu, các yêu cầu về dịch vụ và yêu cầu khác (nếu có).

Theo Chinhphu.vn

 


.