Vốn FDI vào Quảng Ngãi: Thu hút nhiều, triển khai ít

10:09, 17/09/2012
.

(QNg)- Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành vào năm 1987 đã thu hút nguồn vốn từ nhiều nước "đổ" vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Trong "dòng chảy" vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, Quảng Ngãi là một địa phương thu hút nguồn FDI tương đối cao trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Dù vậy, Quảng Ngãi đang hấp thụ nguồn vốn này rất ít.  

Sau 25 năm đón nhận dòng vốn FDI, Quảng Ngãi đã thu hút 25 dự án (DA), với tổng vốn đăng ký gần 3,9 tỷ USD. Hiện tại trên địa bàn tỉnh còn 22 DA còn hiệu lực, với tổng vốn trên 3,8 tỷ USD (3 DA với tổng vốn đăng ký 70 triệu USD đã bị tỉnh thu hồi giấy phép). Nhìn lại chặng đường 25 năm qua, thì trong vòng gần 20 năm đầu tiên, vốn FDI "chảy" vào Quảng Ngãi quá khiêm tốn.

 

Tổ hợp công nghiệp nặng của Doosan Vina là một trong số ít dự án FDI hoạt động hiệu quả tại KKT Dung Quất.
Tổ hợp công nghiệp nặng của Doosan Vina là một trong số ít dự án FDI hoạt động hiệu quả tại KKT Dung Quất.

Chỉ đến khi Khu Kinh tế Dung Quất ra đời, cùng với Nhà máy Lọc dầu số 1 được triển khai mạnh mẽ thì dòng vốn FDI vào Quảng Ngãi mới có bước nhảy vọt cả về số lượng DA và quy mô vốn. Tính từ năm 2006 đến nay, Quảng Ngãi thu hút 22 DA với tổng vốn gần 3,84 tỷ USD. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở KKT Dung Quất (13 DA), các KCN tỉnh (4 DA), còn lại là 5 DA ngoài khu công nghiệp. Kết quả này đưa Quảng Ngãi vào tốp các tỉnh thu hút vốn FDI cao trong khu vực.

Tuy nhiên, nhìn vào nguồn vốn đăng ký thì quy mô DA FDI đầu tư vào Quảng Ngãi khá nhỏ. Nếu loại trừ DA thép Guang Lian (có vốn đăng ký là 3 tỷ USD) thì vốn đăng ký bình quân của mỗi DA chỉ hơn 38 triệu USD. Bên cạnh đó, dù Quảng Ngãi hiện đang thu hút nguồn vốn FDI cao trong khu vực miền Trung, song việc triển khai và thực hiện vốn của các DA đã được cấp phép rất chậm so với tiến độ đề ra. Riêng DA có vốn lớn nhất là DA Nhà máy thép Guang Lian không những thực hiện với tốc độ "rùa bò" mà vốn triển khai thực hiện cũng rất ít. Tính chung đến thời điểm này, tổng vốn FDI thực hiện chỉ có 420 triệu USD, mới bằng 11% so với tổng vốn đăng ký.

Trong số 22 DA còn hiệu lực thì có 13 DA đi vào hoạt động, 7 DA đang triển khai nhưng chậm tiến độ, còn lại 2 DA chưa triển khai. Với 13 DA đã hoàn thành và đi vào hoạt động thì có 6 DA sản xuất, DA đầu tư hạ tầng, còn lại là 6 DA hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ. Trong số này, chỉ có DA sản xuất các sản phẩm công nghiệp nặng của Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina hoạt động hiệu quả (đây là một trong những tổ hợp công nghiệp nặng lớn nhất Việt Nam).

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc các DA FDI trên địa bàn tỉnh triển khai chậm, nhiều DA chưa phát huy hiệu quả có nguyên nhân cơ bản là nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, đặc biệt là nhiều nhà đầu tư bị ảnh hưởng do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế năm 2008 và ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới hiện nay.

 

Trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Quảng Ngãi thì Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu số dự án FDI với 11 DA, trong khi đó Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore mỗi nước có 2 DA, còn lại Áo, Nga và Liechtenstein mỗi nước có 1 DA. Theo kế hoạch, đến năm 2020, Quảng Ngãi phấn đấu thu hút tổng vốn FDI khoảng 5,6 tỷ USD.

Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, kéo dài nhiều năm; cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu đồng bộ; nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (như thiếu lao động có tay nghề cao)...  cũng làm cho việc hấp thụ nguồn vốn FDI còn hạn chế. Chính điều này, dù một số DA FDI (nhất là tổ hợp công nghiệp nặng của Doosan Vina) đã góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, song nhìn chung do tình hình triển khai chậm nên đóng góp của khu vực đầu tư FDI vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh chưa nhiều. Đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào GDP của Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2011 chỉ đạt 0,5% và tỷ trọng FDI trong tổng giá trị sản xuất của tỉnh mới đạt 1%.

Trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, dự báo sẽ còn kéo dài, thêm vào đó, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cũng được tái cơ cấu theo hướng đầu tư công ngày càng giảm thì nguồn vốn FDI được xem là một trong những nguồn lực quan trọng để Quảng Ngãi phát triển.

Tuy nhiên, để hấp thụ nguồn vốn FDI hiệu quả thì Quảng Ngãi cần sớm khắc phục những tồn tại mà tỉnh đã nhận diện. Cùng với đó là rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư; xây dựng và ban hành danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài; hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư để các DA giải ngân nguồn vốn, triển khai đúng tiến độ; phối hợp với bộ, ngành liên quan tăng cường khâu "tiền kiểm" cũng như "hậu kiểm" DA, kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án chậm triển khai hoặc vi phạm các quy định để làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư.


 Hoàng Triều
 


.