Săn hải sâm dưới đáy đại dương

09:09, 06/09/2012
.

Hải sâm biển còn có tên gọi là vú nàng. Đối với các ngư dân ở Quảng Ngãi, họ thi vị hóa nỗi gian truân của nghề lặn hải sâm bằng cái tên rất kêu: “Mò vú nàng dưới đáy biển”.

Thần dược biển khơi

 “Ở nhà còn trữ rượu “vú nàng” không?” Nghe tôi hỏi, vợ một ngư dân híp mắt cười và nói bằng cái giọng Lý Sơn đặc sệt: “Cái rượu ý (ấy) uống vô thì té chỗ nào cũng có con”. Còn ông chồng cười phớ lớ. Tôi trố mắt, bởi công dụng của hải sâm mà báo chí thường đăng với nhiều lời tán tụng. Còn đây là lần đầu tiên được vợ chồng một ngư dân giới thiệu về công dụng của hải sâm, một trong những loài thủy sản được xếp vào hàng thượng hạng dưới đáy đại dương.
 

Vợ một ngư dân hớn hở với rổ hải sâm trị giá chục triệu đồng.
Vợ một ngư dân hớn hở với rổ hải sâm trị giá chục triệu đồng.

 

Những năm trước đây, khi tàu hành nghề lặn vào đất liền, những người chuyên thu mua hải sâm thường nhào ra tàu để thu gom hải sâm. Hải sâm được bán riêng, không bán chung với cá mực. Dân buôn lúc đó thường hỏi: “Được mấy chục con đồn đột? Thứ đen hay thứ đỏ?”. (Hải sâm là một loại đỉa biển, trong dân gian thường gọi là con đồn đột).

Cách đây ít năm, giá của hải sâm còn thấp, người dân thường gọi bằng chính cái tên dân gian là đồn đột. Cho đến khi hải sâm bắt đầu đội giá từ 100 ngàn đồng lên 500 ngàn đồng/kg hải sâm đỏ, họ bắt đầu trân trọng dành cho nó cái tên là hải sâm. Đến khi hải sâm bắt đầu được nhắc đến với ý nghĩa là “thần dược” thì giá cả vọt lên 1,8 triệu đồng/kg, người ta bắt đầu nói khẽ về hải sâm với cái tên rất “mềm”: Vú nàng.

Không cần nhắc đến công dụng của hải sâm, chỉ cần đề cập đến quá trình chuyển đổi tên gọi cũng đã thấy hải sâm lên đời ầm ầm. Bắt đầu nó là loại hải sản vô danh tiểu tốt, người ta phơi đầy ngoài hiên, nhìn xấu xí như miếng giẻ rách. Còn giờ đây, hải sâm lại gắn với cái tên đầy gợi cảm, chỉ nghe qua, ai cũng muốn một lần xài thử cho biết.

Hư thực chuyện hải sâm

Trong Hội thi phụ nữ khéo tay, nữ công gia chánh do Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức mới đây, phụ nữ huyện đảo Lý Sơn đã bê lên bàn ăn một hũ rượu có con hải sâm nặng 2kg. Giá hũ rượu lên đến hơn 4 triệu đồng. Trong những năm trước đây, tại các ghềnh đá ven bờ đều có hải sâm. Trong dân gian thường phân ra làm nhiều loại, tương ứng với giá trị của nó như: Đồn đột đỏ, đồn đột đen, áo tơi, da trăn. Chỉ cần ra ghềnh đá ngụp lặn là có thể bắt được. Rồi không chờ các nhà khoa học khuyến cáo, hải sâm gần bờ nhanh chóng biến mất. Sự khai thác tận diệt của con người khiến hải sâm trở thành hàng hiếm chỉ có ở biển khơi.
Một ngư dân kể lại chuyện lặn hải sâm: Ra tận ngoài khơi xa, chọn nơi có ghềnh đá thì lặn xuống bắt hải sâm. Ban đêm soi đèn là thời điểm dễ tìm được hải sâm nhất. Gian khổ mới bắt được hải sâm mang về, nhưng ngư dân không mấy khi dám thưởng thức. Thường thì mỗi ngư dân chỉ mang về nhà 1-2 con hải sâm, ngâm vào hũ rượu và đặt ở đầu giường để uống dần. Chỉ khi nào có khách quý phương xa, mới mang ra giới thiệu và mời một cốc nhỏ.

Hải sâm ngày một hiếm, giá thành đội lên gấp 4-5 lần, ngư dân phải xuống các vùng biển sâu 40-50 mét nước thì mới bắt được hải sâm. Đồng tiền đi với nỗi oan nghiệt, nhiều ngư dân lặn hải sâm đã bỏ mạng do lặn quá sâu. Gần đây nhất là ngư dân Ngô Văn Thế và Bùi Trận ở huyện đảo Lý Sơn đã tử nạn do lặn bắt hải sâm. Nhưng vì danh tiếng thần dược hải sâm ngày càng nổi, nhu cầu tiêu thụ hải sâm luôn “khát” hàng, các ngư dân quên đi nỗi hiểm nguy, tiếp tục mò mẫm từng rạn san hô, từng ghềnh, hốc đá để bắt phục vụ cho thị trường.

Theo Đông y, hải sâm tính ôn, vị ngọt đậm, vào các kinh tâm, tỳ, phế, có tác dụng bổ thận tráng dương, dưỡng tinh huyết, bổ não, ích trí, ninh tâm, trấn kinh, trừ toan, tiêu viêm, cầm máu, sinh cơ, giảm đau, nhuận tràng. Công dụng chữa suy nhược thần kinh và thể lực, gầy yếu sau bệnh, sau sinh, chữa liệt dương, thiếu máu, táo bón, ho lao, ho ra máu, chứng đi tiểu luôn, tiêu khát (tiểu đường). Gần đây, hải sâm còn được dùng cho người huyết áp cao (do thận âm hư) động mạch xơ cứng, bệnh mạch vành tim, xuất huyết dưới da, ung thư, tổn thương trong xạ trị ung thư...

Hải sâm nấu chung với nhiều vị thuốc để tráng dương như: Câu kỷ, long nhãn, quy bản, nấm đông cô, khởi tử... Ngoài ra có thể nấu chung với thịt gà, thịt chó, trứng gà, xương gà, trứng chim bồ câu, chim cút, thịt xương heo, thận hoặc thịt dê, đậu phụ với tôm nõn... Nam giới thận hư, liệt dương, di tinh, tiểu đêm nhiều lần, tiên thiên bất túc; nữ giới âm lạnh, chân tay lạnh thì nên sử dụng, sẽ có công hiệu.

Hải sâm trở thành hàng hiếm, nhưng thỉnh thoảng vẫn có tàu trúng đậm ổ hải sâm. Nhắc lại những chuyến biển thắng lợi này, một ngư dân cười khà khà kể chuyện bí quyết hốt ổ hải sâm trên biển: Một lần lặn gần tới đáy biển, thấy hải sâm đang phập phồng, dấu hiệu nó bỏ chạy vô hang trốn. Đáy biển chỗ đó sâu quá, mình phải ráng nín thở để tiếp tục chúi xuống, bắt cho bằng được. Cũng vì hải sâm mà sau phiên lặn, chân tay rụng rời, đầu đau, hoa mắt.

Câu chuyện của ngư dân này cho thấy, hải sâm đang bơi, nhìn bề ngoài không mấy hấp dẫn, nhưng để chạm vào thì không phải là chuyện dễ.



Theo Lê Văn Chương/ Báo Biên phòng


.