Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở vùng cao

06:09, 08/09/2012
.

(QNg)- Thời gian qua phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi (SXKDG) không chỉ phát triển mạnh ở vùng đồng bằng mà đã lan rộng đến nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ được công nhận là gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh, trở thành tấm gương sáng cho bà con trong vùng học tập.  

TIN LIÊN QUAN


Một trong những nông dân sản xuất giỏi ở huyện Minh Long là ông Đinh Văn Bình, người dân tộc Hrê, ở thôn Dư Hữu, xã Long Mai. Ông Bình cho biết: Trước đây, gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác trong thôn rất khó khăn, sản xuất không đủ ăn, năm nào cũng thiếu ăn trong thời gian giáp hạt, cuộc sống gia đình cực khổ, thiếu thốn. Với quyết tâm thoát nghèo, ông không bỏ sót bất cứ đợt tập huấn khuyến nông nào do Trạm Khuyến nông huyện và Hội Nông dân tổ chức.

Bằng nguồn vốn tiết kiệm của gia đình và vay mượn của ngân hàng, ông Bình đầu tư chăn nuôi heo, bò; trồng mía, mì, keo lai... theo kỹ thuật mới. Đến nay, gia đình ông đã phát triển chăn nuôi heo từ 35 con heo thịt lên đến 215 con; đồng thời xây dựng hầm biogas để xử lý nước thải chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa sử dụng khí đốt phục vụ cho sinh hoạt của gia đình. Ngoài ra, ông còn trồng 50 ha cây keo lai; 10 ha mì; 5,7 ha mía. Tổng thu nhập của gia đình ông tăng từ 160 triệu đồng (năm 2010), lên 296 triệu đồng (năm 2011) và 420 triệu đồng (7 tháng năm 2012). Bình quân thu nhập trong gia đình ông (5 người) là 3 triệu đồng/người/tháng.

Cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật trồng cỏ nuôi bò cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn Hà.                                                                                              Ảnh: Đ.Toàn
Cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật trồng cỏ nuôi bò cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn Hà. Ảnh: Đ.Toàn


Còn ở huyện Sơn Hà, ông Đinh Văn Trung, người dân tộc Hrê ở thôn Hà Thành, xã Sơn Thành được mọi người biết đến với tấm gương dám nghĩ, dám làm. Từ vốn kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi được học qua các lớp tập huấn, ông Trung mạnh dạn vận dụng vào trồng 3,5 ha keo lai; 2 ha mì cao sản; nuôi 20 con heo thịt và 6 con trâu. Hàng năm, nhờ thu lãi từ trồng mì và chăn nuôi heo, ông đã tích lũy vốn và mua được một chiếc ô tô tải trị giá 350 triệu đồng để vận chuyển hàng hóa cho gia đình và làm thêm dịch vụ. Tổng thu nhập của gia đình ông từ sản xuất và làm dịch vụ, sau khi đã trừ chi phí còn khoảng 120 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng trong gia đình.

Không thua kém đồng bào Hrê, đồng bào Cor ở huyện Tây Trà cũng có nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh. Điển hình là ông Hồ Văn Hà ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong phát triển kinh tế bền vững với mô hình trồng lúa nước, trồng cây lâu năm, chăn nuôi và mở xưởng cơ khí. Ông Hà cho biết: Nhờ nắm bắt các thông tin KHKT trên các phương tiện thông tin đại chúng và từ các lớp tập huấn, ông đã bố trí lại sản xuất cho phù hợp. Năm 2010, ông áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng 0,8ha lúa nước, năng suất lúa đạt 25 tạ/ha; trồng 0,3 ha cỏ nuôi 10 con bò. Bên cạnh đó, ông còn trồng 10.000 cây keo lai và 5.000 cây quế. Ngoài ra, ông còn mở thêm xưởng cơ khí tạo công ăn việc làm cho 7 lao động, với số tiền công 100.000 đồng/người/ngày. Hàng năm, nguồn thu từ chăn nuôi, trồng trọt và làm cơ khí đã đem lại cho gia đình ông khoản thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm.

Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, thì điều đáng quý ở các tấm gương SXKDG của đồng bào thiểu số nơi đây là họ luôn giúp đỡ bà con trong xóm, làng khi gặp hoạn nạn, khó khăn như giúp đỡ về vốn; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để bà con trong vùng cùng phát triển kinh tế gia đình.


 Phương Dung  
 


.