Nghĩ về Ngày truyền thống ngành thuế Việt Nam

08:09, 10/09/2012
.

(QNĐT)- Rồi cuối cùng, ngành Thuế Việt Nam cũng có một cái ngày gọi là "Ngày Truyền thống" như bao ngành khác trong cơ cấu tổ chức hệ thống quản lý nhà nước Việt Nam. Đó là ngày cách đây 67 năm, ngày 10/9/1945, Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành Sắc lệnh số 27 lập ra "Sở thuế quan và thuế gián thu", đánh dấu sự ra đời của ngành Thuế Việt Nam.


Có giai đoạn, nhiều người tâm huyết với ngành Thuế đã lên tiếng đề xuất chọn ngày 28/8 hàng năm " Ngày thành lập Tài chính Việt Nam" cũng là ngày thành lập ngành Thuế. Những cứ điểm lập luận nghe ra cũng có lý, bởi lẽ: Thuế ra đời khi có Nhà nước; ngày thành lập ngành Tài chính hiển nhiên phải có bộ phận làm công tác thuế. Cách phân tích đó vẫn chưa đủ sức thuyết phục, nhưng đã tôn vinh bề dày lịch sử của ngành Thuế Việt Nam trong suốt một chiều dài công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

f
Ngành thuế đã góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội cho đất nước. Ảnh minh hoạ - Internet


Hơn hai mươi năm qua, ngày Truyền thống ngành Thuế lại tiếp tục rơi vào lãng quên; cho đến ngày 6/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1370/QĐ-TTg công nhận ngày 10/9 hàng năm là ngày Truyền thống ngành Thuế Việt Nam. Đây là một niềm tự hào của những người trong ngành thuế Việt Nam; dẫu có muộn màng nhưng có vẫn là niềm an ủi, động viên cán bộ công chức thuế nước nhà hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thoắt đó mà đã ba năm, ngành Thuế cả nước đang hân hoan đón chào ngày truyền thống của mình với nhiều phong trào thi đua diễn ra sôi nổi. Đây cũng là dịp để giáo dục cho cán bộ, công chức thuế yêu ngành, yêu nghề, động viên phong trào thi đua yêu nước hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm và đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức ngành thuế . Song có một lý do khác cần quảng bá ý nghĩa to lớn của ngành Thuế vào ngày 10/9 hằng năm. Đó là sự tôn vinh của xã hội ghi nhận những đóng góp tích cực của ngành Thuế.

Gần 30 năm đổi mới, trải qua ba bước cải cách lớn, đến nay ngành Thuế đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Đó là một hệ thống chính sách thuế được xây dựng rõ ràng và ngày càng hoàn thiện, làm cơ sở pháp lý để huy động nguồn lực.

Đây chính là công cụ để Đảng và Nhà nước điều chỉnh sự phát triển nền kinh tế xã hội, động viên được các nguồn lực, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển nhanh; khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.

Công tác quản lý thuế đã chuyển từ cơ chế chuyên quản làm thay nhiều công việc thuộc trách nhiệm của người nộp thuế (NNT) sang cơ chế đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh trong việc tự tính, tự khai và nộp thuế vào NSNN. Luật Quản lý thuế cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước pháp luật của cả NNT, cơ quan thuế, cán bộ thuế nhằm tăng cường hiệu lực công tác quản lý thuế.

Cùng với việc ban hành, sửa đổi các sắc thuế, phí - lệ phí, ngành Thuế đã triển khai cải cách hành chính thuế theo hướng xóa bỏ các thủ tục rườm rà, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc của NNT như kê khai thuế qua mạng internet, nộp thuế qua ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi để NNT tự giác thực hiện tốt các quy định về pháp luật thuế; xây dựng quy chế 1 cửa và áp dụng thống nhất trong toàn quốc; nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP về quản lý hóa đơn theo hướng tạo chủ động tối đa cho các doanh nghiệp trong việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn, giảm tối đa sự phụ thuộc của các doanh nghiệp vào cơ quan thuế.

Đặc biệt, thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đã công bố 338 thủ tục trong lĩnh vực thuế, phí, lệ phí; kiến nghị sửa đổi, bổ sung 243 thủ tục; thay thế 4 thủ tục, bãi bỏ 11 thủ tục, giảm bớt chỉ tiêu kê khai, đơn giản hóa 76% thủ tục trong số thủ tục hành chính thuế đã công bố. Với kết quả như vậy, ước tính sẽ cắt giảm khoảng 36,1% chi phí tuân thủ chung cho xã hội về thực hiện các thủ tục hành chính thuế.


 Tôn vinh công chức thuế như "những con ong cần mẫn", bảo đảm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đề ra chính là niềm tri ân sâu sắc nhất, ý nghĩa nhất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đối với các thế hệ tiền bối đã đặt nền móng tiên phong cho sự ra đời, trưởng thành và phát triển của ngành Thuế Việt Nam hôm nay. Đó chính là bản sắc nhân văn, là niềm tự hào trong mỗi con người cán bộ công chức Thuế Việt Nam.


                                Khoa Thành
 


.