Dự án đóng tàu sắt- Bao giờ đến tay ngư dân?

01:09, 11/09/2012
.

(QNg)- Quảng Ngãi vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề án hiện đại hóa tàu cá đánh bắt xa bờ cho ngư dân bằng việc đóng vỏ tàu sắt. Đề án này hấp dẫn, vì tàu sắt rất ưu việt, nhưng kinh phí bỏ ra ban đầu là quá lớn nên ngư dân còn e dè.

TIN LIÊN QUAN


Ngư dân chưa mặn mà

Ngư dân câu mực Nguyễn Tấn Điệp (46 tuổi) ở xóm Cù Lao, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) vừa là thuyền trưởng, vừa là chủ hai tàu câu mực ở Trường Sa là QNg 95 384 TS và QNg 95 886 TS (cả hai tàu đều có công suất 380 CV). Năm 2011, khi nghe ngành chức năng của tỉnh về tận xã triển khai dự án đóng tàu sắt cho ngư dân, ông Điệp rất hào hứng, "bởi nó rất an toàn khi hành nghề trên biển". Thế nhưng, khi nghe nếu đóng tàu 400 CV phải tốn gần 5-7 tỷ đồng, ông Điệp... choáng. Bởi lấy tiền đâu ra để đóng tàu này. Tính toán và suy nghĩ, cuối cùng ông Điệp không đăng ký đóng tàu sắt. "Nói thiệt, ở đây đóng tàu khoảng 700 - 800 CV, giá trên dưới 3 tỷ đồng. Vậy mà ở xã Bình Chánh chỉ có một người đóng được tàu này. Trong khi đó, tàu sắt chỉ 400 CV, ngốn tiền quá lớn, tụi tui thiệt không dám làm"-ông Điệp nói.

Tàu cá của ngư dân huyện Đức Phổ neo đậu tại cửa biển Mỹ Á.
Tàu cá của ngư dân huyện Đức Phổ neo đậu tại cửa biển Mỹ Á.


Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ hậu cần nghề cá và đánh bắt xa bờ xã Bình Chánh (cũng là chủ của hai con tàu câu mực ở Trường Sa), ông Nguyễn Hữu Ngọt cho biết: Ban đầu triển khai hợp tác xã có 5 ngư dân đăng ký đóng tàu sắt, nhưng đến giờ đã rút hết đơn. Bởi đóng một con tàu với số tiền 7 tỷ đồng là quá lớn. "Dù biết tàu gỗ chỉ thọ được 10 năm. Sau đó, muốn ra biển  phải bỏ thêm số tiền lớn đại tu. Còn tàu sắt có tuổi thọ đến 20 năm và nhiều ưu việt khác nữa. Có điều, phần thì do tiền bỏ ra nhiều, phần thì thiếu thông tin về tàu cá, nên ngư dân ở đây đã rất e ngại với dự tính đóng tàu cá vỏ thép này"-ông Ngọt cho hay.

Giống như xã Bình Chánh, ngư dân Lý Sơn và Sa Huỳnh hiện cũng do dự và rút đơn đăng ký đóng tàu vỏ thép. Xác nhận với chúng tôi, ông Trần Em - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, cho biết: Huyện có 4 trường hợp đăng ký tàu vỏ sắt đã không tiếp tục làm hồ sơ đóng tàu. Theo ngư dân ở đây, tàu 400 CV bằng gỗ hiện nay có giá 1,5 - 2 tỷ đồng/tàu, trong khi đó tàu sắt 400 CV phải mất 5,5 tỷ đồng. Số tiền này quá lớn, ngư dân không đảm bảo tài chính. "Nhưng Nhà nước cho vay ưu đãi hỗ trợ lãi suất?"-chúng tôi đặt vấn đề. Ông Trần Em cho hay, theo khuyến cáo, ngư dân phải đảm bảo 50% số vốn nói trên mới vay được tiền, nghĩa là phải bỏ ra thêm 2,7 tỷ đồng nữa. "Ngư dân còn e ngại không chỉ do thiếu vốn, mà còn một số điều khác nữa như: Không biết đóng tàu ở đâu, khi tàu hư hỏng thì phải sửa tàu ở nơi nào? Thêm vào đó, việc điều khiển một con tàu sắt cũng không đơn giản như tàu gỗ. Vì vậy, ngư dân không hào hứng khi tham gia đóng tàu sắt"-ông Trần Em nói thêm.  

Sẽ đóng thí điểm 22 tàu sắt

Theo đề án hiện đại hóa tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi, tàu sắt ngư dân được đóng không chỉ có vỏ sắt mà còn được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, vừa đảm bảo môi trường, đảm bảo cho ngư dân đánh bắt dài ngày trên biển. Ngoài ra, tỉnh còn tiến tới việc đóng tàu sắt làm dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo quản sản phẩm hải sản trên biển cho ngư dân.

100% tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi là tàu gỗ. Trong ảnh: Tàu câu mực của ngư dân Bình Chánh (Bình Sơn).
100% tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi là tàu gỗ. Trong ảnh: Tàu câu mực của ngư dân Bình Chánh (Bình Sơn).

Theo thống kê, hiện cả tỉnh có 5.740 tàu cá (tổng công suất 696.000 CV), với 35.000 lao động nghề biển. Thế nhưng, tàu đánh bắt xa bờ chỉ có 2.140 chiếc (20% đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa). Trung bình mỗi năm, tỉnh ta đánh bắt được 105.000 tấn hải sản. Thế nhưng, chỉ có 60% hải sản đánh bắt được tiêu thụ trong tỉnh. Trong khi đó, tàu cá vỏ gỗ ra khơi dài ngày ở các vùng biển luôn gặp rủi ro trước thiên tai, bị tàu nước ngoài đâm chìm hoặc uy hiếp. Chính vì những điều kiện trên, thì việc hình thành những con tàu sắt hiện đại là rất cần thiết.
 

Trao đổi xoay quanh những khó khăn về vốn đóng tàu của ngư dân, ông Phan Huy Hoàng cho biết: 30% số vốn đóng tàu, chủ phương tiện phải bỏ ra, còn lại vay từ các ngân hàng, với thời hạn vay là 10 năm.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, ông Phan Huy Hoàng cho biết: Từ năm 2011, đơn vị đã thực hiện đề án này. Vào ngày 18/7/2012, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án này. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đóng thí điểm 22 tàu sắt (công suất từ 400 - 800 CV) với tổng kinh phí 174.130 triệu đồng. Tàu có kinh phí ít nhất là 4,9 tỷ đồng, còn nhiều nhất là 10,5 tỷ đồng. Ngoài ra, để đóng thí điểm tàu cá này, tỉnh chọn Tập đoàn tàu thủy Việt Nam thiết kế và đóng tàu cho ngư dân. Sau đó, đơn vị này sẽ tập huấn, chuyển giao công nghệ, cách vận hành tàu cá bằng vỏ sắt cho ngư dân sử dụng.

Thế nhưng cũng theo ông Hoàng, việc quản lý, đóng và vận hành tàu sắt không phải đơn giản. Thời gian trước khi thực hiện đề án, ông Hoàng và cán bộ của ngành chức năng đi tiếp xúc, trao đổi với ngư dân thì biết không phải ai cũng hấp dẫn với đề án này, mà chỉ có những ngư dân có thực lực tài chính, mới  tham gia dự án.


Bài, ảnh: Phúc Long
 


.