Người cựu chiến binh biến đất cằn cho quả ngọt

07:08, 03/08/2012
.

(QNg)- Phát huy phẩm chất người lính "Bộ đội Cụ Hồ", cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Anh, ở thôn Xuân An, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) từ hộ nghèo khó đã vươn lên phát triển kinh tế khá giả.

Thanh long, ổi bén duyên đất cằn

Là một người lính, sau khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, CCB Lê Văn Anh  trở về quê hương rồi lập gia đình. Lúc đầu lập nghiệp, 2 vợ chồng chỉ có 2 bàn tay trắng. Quyết tâm không để nghèo khó cứ bám mãi, ông cùng vợ chăm lo làm kinh tế từ diện tích đất ông cha để lại. Nói về những ngày đầu khó khăn, ông Anh cho biết: Trước đây, khu vườn này chủ yếu là đất sỏi, không có nước nên không thể trồng được các loại cây hoa màu. Ông cùng vợ phải cải tạo bằng cách thuê xe chở đất từ bãi bồi ven sông về trộn với đất vườn. Sau nhiều năm làm kinh tế, ông nhận thấy nếu muốn thoát nghèo phải tìm hướng đi mới hiệu quả hơn. Một lần tình cờ xem chương trình khuyến nông, ông thấy nhiều nơi trồng nhiều loại cây ăn quả có giá trị cao.

Cựu chiến binh Lê Văn Anh bên vườn thanh long.
Cựu chiến binh Lê Văn Anh bên vườn thanh long.


Năm 2007, để thử nghiệm mô hình trồng cây ăn quả, ông Anh vào tỉnh Bình Thuận tham quan mô hình trồng thanh long, sau đó mua giống về trồng. Ban đầu ông trồng vài chục gốc, sau đó phát triển trên 100 gốc, vụ đầu tiên do chưa có kinh nghiệm áp dụng kỹ thuật vào việc chăm sóc nên thu nhập chưa cao. Dù vậy, ông Anh vẫn nỗ lực chịu khó học hỏi, chăm sóc theo phương pháp kỹ thuật mới, nhờ đó thanh long sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Vì trồng thâm canh, nên cây cho trái quanh năm. Mỗi vụ ông thu hoạch  8 -10 đợt/4 tháng. Theo ông Anh thì, trung bình mỗi cây cho 15-20 trái (2trái/kg). Ước tính 100 gốc, sản lượng bình quân thu khoảng hơn 1 tấn/năm, với giá trung bình 10.000đ/kg, ông thu về 12-15 triệu đồng/năm. Đó là chưa tính giá thanh long ở mùa nghịch cao hơn so với chính vụ (trung bình từ 13 - 15 ngàn đồng/kg).

Không chỉ dừng lại ở việc trồng cây thanh long, ông Anh còn chịu khó tìm tòi ứng dụng giống ổi Đài Loan phát triển đạt năng suất cao trên vườn đất của mình. Đây là giống ổi mới ngắn ngày, ông mua tại  Long Khánh (Đồng Nai). Nhờ cách chăm sóc cần mẫn, hơn 300 gốc ổi của gia đình ông lúc nào cũng xanh tốt, không bị sâu bệnh và cho trái quanh năm. Mỗi quả có thể đạt trọng lượng trung bình 300g- 400g. Việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn du nhập giống trái cây ở miền Nam về trồng thử nghiệm, ông Anh đã khẳng định được sự thích nghi hai loại cây trồng mới trên đất Quảng Ngãi, mà chất lượng không thua kém gì các địa phương khác.

Thành công nhờ lướt web

"Có thể nói bí quyết thành công của tôi ngoài sự cần cù chịu khó, dám nghĩ dám làm còn có trợ thủ đắc lực khác là chiếc máy vi tính"- ông Anh tiết lộ. Khi sắm máy vi tính vừa để cho con trai tiện việc học tập vừa giúp ông tìm tòi các kiến thức trồng trọt chăn nuôi trên mạng. Để tận dụng được kiến thức từ Internet, ông tham gia khóa học về tin học do địa phương tổ chức.

Cũng nhờ tìm hiểu trên Internet, ông nghĩ ra hướng sản xuất hiệu quả và sáng tạo ra dàn ống bơm nước có vòi phun tự động để tưới tiêu hợp lý giúp vườn cây ăn quả cho năng suất cao.

Cũng nhờ sự chịu khó học hỏi từ kiến thức trên mạng kết hợp với đi thực tế các khu vực phía nam từ cách tưới nước, bón phân, cắt tỉa cành hợp lý… nên ổi, thanh long của ông luôn có năng suất và giá trị cao, lại ít sâu bệnh. Đây là tiền đề giúp ông có hướng đi tiếp theo cho mô hình mới.

Từ mô hình cây ăn quả, cộng với chăn nuôi bò lai, trâu và heo thịt. Ông Anh còn đầu tư trồng 2 ha mì, 1,5 ha keo và trồng mía trái vụ bán cho các quán ép nước. Hằng năm mô hình trên không những giúp gia đình ông thu lãi 70-80 triệu đồng/năm mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 5-7 lao động tại địa phương.

Là một CCB gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, ông Lê Văn Anh nhiều năm liền được Hội CCB và Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành tặng giấy khen. Ông chính là tấm gương của ý chí giàu nghị lực biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh.


         Kim Ngân
 


.