Người "chị" của phụ nữ nghèo

08:08, 23/08/2012
.

(QNg)- Người trầm trồ khen chị đảm đang, người lại quý phục đôi bàn tay khéo léo cùng cái tính xởi lởi hay làm, hay giúp người của chị. Và chẳng biết từ lúc nào, người đàn bà có tiếng là tốt bụng ấy lại trở thành chỗ nương tựa của chị em nghèo trong những lúc khó khăn, túng quẫn. Chị là Bùi Thị Hồng Hương ở thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh (Mộ Đức).

Giữa cái nóng hầm hập của những ngày cuối hè, chị Hương vẫn tất tả chạy như con thoi. Vừa dọn đống đồ nghề nấu ăn vào nhà kho, chị liền tranh thủ tắm rửa cho đàn heo thịt đang nằm chuồng. Chưa kịp ngơi tay thì hàng trăm con gà thịt đã đòi ăn, làm náo động cả một góc sân vườn. Đã thế, câu chuyện giữa chúng tôi liên tục bị gián đoạn vì cái chuông điện thoại cứ réo liên tục. "Chị em hỏi thăm tình hình sức khỏe "con heo" của tổ dạo này thế nào, rồi chuyện tập văn nghệ để chuẩn bị đi dự Hội trại CLB gia đình văn hóa nên cũng hơi bận rộn", chị Hương phân trần.

Chị Hương đang chăm sóc đàn heo thịt của mình.
Chị Hương đang chăm sóc đàn heo thịt của mình.


Nghe nhắc đến "chú heo" chung của tổ, tôi thắc mắc thì chị Hương phấn khởi: "8 năm, chị em phụ nữ ở thôn Lương Nông Nam "nuôi" được… 5 con heo với số vốn mỗi năm lên đến 350 triệu đồng". Tôi nghe mà… choáng! Vì ở một cái thôn nhỏ, quanh năm sống bằng nông nghiệp mà phong trào "chơi biu" lại rầm rộ và quy mô đến thế. Vậy là 8 năm qua, số tiền "biu" mà phụ nữ ở cái thôn bé tí này có được lên đến con số 2,7 tỉ đồng, bảo sao không choáng. Nhưng lạ một điều là cái "biu" ở đây chẳng có lãi mà người chơi cũng chẳng buồn rút tiền vì nó được… để dành cho các chị nghèo, hay những chị có con chuẩn bị nhập học vào các trường CĐ, ĐH mượn nhằm có thêm khoản tiền trang trải chi phí. "Kinh tế khó khăn, cuộc sống chật vật nên đây là cách giúp đỡ thiết thực và chí tình nhất giữa chị em với nhau", chị Hương quả quyết.

Để minh chứng cho khẳng định của mình, chị Hương đưa tôi đến thăm nhiều gia đình mà con cái thoát khỏi cảnh dở dang việc học, kinh tế đi vào quỹ đạo ổn định nhờ được nguồn quỹ hỗ trợ kịp thời. Nhớ nhất là trường hợp chị Trần Thị Trang, một trong những hộ từng lọt vào danh sách nghèo của xã. Vậy mà giờ đây, không chỉ tạm biệt cái nghèo với căn nhà khang trang, kinh tế ổn định mà điều khiến chị Trang mãn nguyện nhất là sự thành đạt của hai con.

"Có được hôm nay là nhờ mấy cái "biu" của chị em trong thôn", chị Trang rưng rưng nhớ lại. Đó là vào những năm 2004 - 2005, khi mà Nhà nước chưa có chương trình tín dụng cho sinh viên nên các con chị phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi cầm trên tay giấy báo nhập học của trường ĐH. Thương các con chị Trang nhà nghèo học giỏi, tổ hùn vốn của thôn ưu tiên để chị được rút tiền vào đầu 2 học kì của năm học. "Nhờ vậy mà các cháu có tiền nộp học phí kịp thời, tôi cũng đỡ chật vật, lo lắng", chị Trang bộc bạch.

Còn chị Thân Thị Cư - Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Thạnh thì không giấu được sự quý phục đối với người "chị cả" Bùi Thị Hồng Hương. "Các thôn khác chật vật lắm mới có được 1 tổ hùn vốn, còn chị ấy thì xây dựng được đến 5. Không những thế, chị còn sáng kiến ra nhiều cách để trợ giúp phụ nữ nghèo, thường lui tới thăm nom những chị em bị ốm đau, bệnh tật rồi về bàn với Chi hội tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ. Vậy nên chị ấy rất được mọi người yêu quý, nể trọng", chị Cư cho hay.

Để cáng đáng và duy trì 5 tổ hùn vốn cùng với nhiều phong trào của phụ nữ thôn, chị Hương đã miệt mài làm việc và thu vén gia đình như con ong chăm chỉ. Bởi theo chị thì: "Chỉ khi nào gia đình trong ấm ngoài êm thì mình mới yên tâm tham gia công tác xã hội". Có lẽ vậy nên ngay từ tờ mờ sáng, chị đã có mặt ở chợ để thu mua hàng hóa, chuẩn bị cho dịch vụ nấu ăn, trưa về quây quần với đàn lợn 30 con cùng 200 chú gà thịt.

Loáng một cái, người ta thấy chị "mất tích" vài ngày. Đó là những lúc vợ chồng chị lên tỉnh Đắc Nông để thăm 3 ha cà phê đang kì thu hoạch. Tôi hỏi chị: Tuổi cũng đã qua ngưỡng 50, con cháu đề huề và kinh tế ổn định thì cớ gì mình phải làm nhiều thế? Chị Hương không trả lời, chỉ cười và tâm sự với tôi nhiều kỉ niệm về quãng thời gian thăng trầm của cuộc đời mình. Và sau những câu chuyện ấy, tôi hiểu vì sao chị lại thích "làm phiền" tay chân đến thế. Bởi điều đó không chỉ mang lại cho chị niềm vui, sự tự tin và hãnh diện với đời, mà đó còn là cách để chị dạy các con biết yêu và trân trọng giá trị của lao động.           


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.