Xót lòng nhìn cau chết!

01:07, 29/07/2012
.

(QNĐT)-  Sơn Tây – mảnh đất được mệnh danh là “đất ngàn cau” bao đời nay luôn tự hào về loại cây hàng hóa chủ lực này. Cau đã bám rễ, xanh lá, cho quả giúp người dân Sơn Tây xóa đói, giảm nghèo. Nhiều hộ nghèo chỉ biết dựa vào cau để sống. Thế mà gần đây, hàng loạt rừng cau ở Sơn Tây trở nên héo úa, chết khô không rõ nguyên nhân…

TIN LIÊN QUAN


* Dân khóc cho cau!

Già làng Đinh Văn Nhùa, ở thôn Mang He, xã Sơn Bua vừa trở về nhà sau 1 ngày thơ thẩn trong rừng cau. Nét mặt buồn rầu, già Nhùa bảo: “Cau bệnh nặng lắm. Lá xanh giờ thành úa khô, gãy đọt. Nhữngh buồng cau non rụng hết quả. Cả ngàn gốc cau bỏ nhà mình đi thật rồi”.

Ông Nhùa suy tư như thể ông đang nghĩ về cái khốn khó sẽ vây quanh ngôi nhà sàn cheo leo trên đỉnh đồi vốn đã nghèo thật nghèo vì cau chết, mất nguồn thu nhập. Vợ ông Nhàu – bà Đinh Thị Ngọt than thở: “Năm nay cau bán được giá thì nó lại chết rụi. Không còn cau, keo thì chưa đến kỳ thu hoạch, lấy tiền đâu mua quần áo, sách vở cho thằng Dây, con Xây ra lớp”.

Rừng cau Sơn Tây đang héo úa chờ chết.
Rừng cau Sơn Tây đang héo úa chờ chết.


Dọc theo cung đường từ xã Sơn Tân, đến Sơn Dung, Sơn Mùa, rồi Sơn Bua, nhiều rẫy cau đã bắt đầu chết. Có chỗ cau còn xanh đọt nhưng buồng cau non héo hon, khô đét. Có đám cau gãy hết ngọn, người dân đã bắt đầu chặt gốc, đốt bỏ, chỉ còn trơ trọi những cái gốc trên mặt đất. Già làng Đinh Văn Tía, ở thôn Măng Huy, xã Sơn Dung nói: “Lâu lắm rồi mới thấy cau bị bệnh đến thế này. Đau lòng lắm, nhưng chẳng biết làm cách nào cả, đành đứng nhìn cau chết thôi”.

Trong các huyện, thành phố của tỉnh, thì huyện Sơn Tây có diện tích cau nhiều nhất. Hơn 10 ngàn hộ dân của huyện này một thời sống chủ yếu dựa vào cây cau. Bất cứ ai lên Sơn Tây, chỉ cần chạm chân đến đèo Hoắc Liên – cửa ngõ của huyện sẽ được tận mắt chứng kiến những rừng cau bạt ngàn, vươn cao, thẳng tắp giữa địa ngàn xanh thẳm.

Hôm nay, những hàng cau ấy vẫn vươn thẳng nhưng ngọn cau thì đã bắt đầu héo úa, rũ lá, khô bẹ. Dịch bệnh đang hoành hành cây cau, gây nhiều thiệt hại, đe dọa đến “nồi cơm” của hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc Cadong nơi đây.


* Ngành chức năng: Đang nghiên cứu!

Chúng tôi dong xe dọc theo cung đường Trường Sơn Đông qua xã Sơn  Mùa, Sơn Bua. Những rừng cau vàng ngọn, khô cong như thể có ngọn lửa vừa quét qua đây vậy. Gia đình ông Đinh Văn Xía, xã Sơn Mùa đang đốn bỏ các cây cau bị chết chất thành từng đống. Ông Xía đưa tay quệt những giọt mồ hôi, rồi bảo: “Nó chết rồi thì phải chặt bỏ thôi, để trồng lại cây cau khác. Mình chỉ lo những tháng ngày tới không có gạo để ăn, vì phải mất nhiều năm sau cau mới cho trái”.

Một số người dân không đành lòng để cau chết, đã đến cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật mua thuốc về “chữa bệnh cho cau”. Các loại thuốc mà người dân được cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật tư vấn sử dụng cho cau là thuốc diệt nấm dạng nước. Người dân phải sử dụng bình bơm để phun thuốc lên ngọn cau.

 Cau bệnh chết, người dân đành phải chặt bỏ.
Cau bệnh chết, người dân đành phải chặt bỏ.


Thế nhưng sau khi mua thuốc về, nhiều gia đình đành phải bỏ thuốc đi vì cau quá cao, bình bơm phun không tới. Theo những người dân Sơn Tây, tình trạng cau mắc bệnh, rồi chết mới diễn ra trong năm 2012. Trước đây, chỉ vào mùa mưa, thỉnh thoảng có cây bị sâu đục thân làm gãy đọt, chứ hoàn toàn không có chuyện cau chết hàng loạt như hiện nay.

Đối với những vườn cau bị bệnh, dù cau có ra hoa, kết trái thì trái cũng không phát triển, nên những gia đình có cau bị bệnh hoàn toàn “trắng” thu nhập từ cau.    

Đem chuyện cau chết trao đổi với UBND huyện Sơn Tây, ông Tô Cước – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra tình hình, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Sau đó sẽ có biện pháp hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp trị bệnh, bảo vệ diện tích cau trên địa bàn.

Theo thống kê của huyện Sơn Tây, hiện nay trên địa bàn có hơn 1.000 hecta cau, trong đó có khoảng 70% đã cho quả. Dẫu giá cả lên xuống bấp bênh, nhưng lợi nhuận thu được từ cau mỗi năm vẫn lên đến hàng tỷ đồng, góp phần đáng kể trong việc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Cadong nơi đây.

Chính vì thế, việc “nghiên cứu” tìm nguyên nhân gây bệnh, đồng thời “kê toa, bốc thuốc” kịp thời cho cau càng trở nên cấp thiết. Cứu cây cau cũng chính là cứu cuộc sống của người dân trên đất ngàn cau này.


                            Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.