Trà Thủy phát huy kinh tế tổng hợp...

02:07, 30/07/2012
.

(QNg)- Với đặc thù là xã miền núi, ruộng hẹp, núi đồi dựng đứng, xã Trà Thủy (Trà Bồng) đã chọn hướng giúp bà con vay vốn, hướng dẫn kĩ thuật trồng rừng, sản xuất lúa nước, chăn nuôi phát triển kinh tế tổng hợp thoát khỏi  nghèo đói. Họ đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê nơi này.
   

TIN LIÊN QUAN


Xã Trà Thủy hôm nay đã khoát lên mình một diện mạo mới. Từ con đường, trường học, nhà ở đến nếp sống sinh hoạt của bà con đã thay đổi thật nhiều. Nhìn những ngôi nhà xây ngói mới đỏ tươi nằm khuất dưới những dãy núi phủ màu xanh bạt ngàn của keo, những đàn bò béo tròn đang gặm cỏ trên đồng... chị Huỳnh Thị Tuyết Nga - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh bộc bạch trong một chuyến đi thực tế đến nơi này: "Thay đổi nhiều quá! Bà con đã biết cách làm ăn rồi...".

Xây dựng khu tái định cư cho dân thôn 2 xã Trà Thủy ổn định cuộc sống.
Xây dựng khu tái định cư cho dân thôn 2 xã Trà Thủy ổn định cuộc sống.


Ngày trước, nơi đây rất khắc nghiệt. Có những điểm cách trung tâm xã đi bộ cả ngày đường. Cán bộ miền xuôi, Hội phụ nữ tỉnh lên khảo sát thực trạng ở địa phương cũng thật gian nan. Bởi, núi chia cắt những con đường. Muốn đến nơi phải vượt qua những con đường dốc đá cheo leo, băng qua những khu rừng rậm mới đến được xóm làng. Cuộc sống đói nghèo đã quấn lấy bao cuộc đời họ. Thế rồi, "luồng gió mới" đã lùa vào các xóm làng này qua những lần khảo sát của các ban, ngành để đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi theo chính sách hỗ trợ miền núi phát triển... Còn cán bộ Hội phụ nữ tỉnh thì khảo sát để hiểu tâm tư nguyện vọng chị em mà phối hợp với các cán bộ khuyến nông, ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho họ vay vốn, trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Nhờ đó đã thay đổi tập quán tự cung tự cấp bao đời nay của đồng bào Cor.

Chị Hồ Thị Lưu ở thôn 1, một trong những điểm heo hút nhất của xã Trà Thủy, phấn khởi nói: "Từ nhà mình xuống trung tâm xã cũng nhanh hơn nhiều rồi. Đi xe máy chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Vì con đường đã mở rộng, hạ độ dốc nên bà con dễ dàng đi lại hơn so với trước đây. "Cuộc sống bà con bây giờ đã khác hơn trước nhiều. Ai cũng biết xuống trung tâm mua phân, thuốc để chăm sóc lúa. Một năm làm hai vụ lúa đủ ăn quanh năm. Ai thiếu vốn chăn nuôi, trồng trọt thì đến tổ vay vốn hỏi làm thủ tục để vay cũng dễ dàng", chị Lưu nói. Chị Lưu cũng vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua hai con bò giống chăn nuôi. Qua hai năm chị đã trả được 5 triệu đồng vốn và đàn bò của chị đã tăng lên 4 con. Chị Hạnh, chị Hiển cùng thôn chị Lưu cũng mạnh dạn người vay chăn nuôi, người vay trồng rừng. Không chỉ các chị mà 6 tháng đầu năm toàn xã Trà Thủy đã có 37 hộ thoát nghèo.

Ông Thanh Quý Dương - Chủ tịch UBND xã Trà Thủy, cho biết: Để vực dậy đời sống vật chất cũng như tinh thần đồng bào Cor trên vùng cao này chúng tôi hướng dẫn bà con phát triển kinh tế đa lĩnh vực. Xã đã huy động bà con khai hoang sản xuất lúa nước để có nguồn lương thực ổn định rồi trồng rừng, chăn nuôi. Đến nay, toàn xã có hơn 100 ha ruộng lúa nước. Diện tích này bà con có thể cấy sạ hai vụ/năm.

Vụ đông xuân vừa qua bà con gieo sạ 100 ha (tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2011). Năng suất bình quân ước đạt 33 tạ/ha, sản lượng ước đạt 330tấn, tăng 3,64% so với kế hoạch. Ngoài diện tích trồng lúa nước, bà con tận dụng đất ven sườn đồi trồng 110 ha mì, 42 ha ngô, 12 ha đậu các loại, 2 ha mè... Trên các mảnh vườn, đất bãi bồi ven suối bà con đã trồng cỏ cho bò. Toàn xã có gần 1 ha trồng cỏ voi. Diện tích tuy còn ít nhưng đây là tín hiệu vui khi bà con đã biết trồng cỏ nuôi bò theo hướng hàng hóa thay dần tập quán chăn nuôi trâu để làm sức kéo hay cúng giỗ ma chay.

Đến nay, đàn trâu chỉ còn 5 con, mà đàn bò đã lên đến hơn 1.000 con, trong đó bò lai chiếm 253 con (hơn 99% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân xã). Bên cạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm bà con cũng chú trọng tận dụng các khe suối, ruộng trũng đào 2 ha mặt nước nuôi cá để cải thiện bữa ăn gia đình. Trên các sườn đồi bà con đã biết trồng keo nguyên liệu, giữ rừng phòng hộ để tạo nguồn sinh mạch cho các cánh đồng.

Ông Thanh Quý Dương cho biết thêm: Trong thời gian đến xã tiếp tục kết hợp phát triển đồng bộ các lĩnh vực sản xuất lúa nước, phát triển chăn nuôi, trồng rừng làm nền tảng để giảm hộ nghèo. 6 tháng cuối năm xã phấn đấu giảm 105 hộ nghèo và hạn chế mức thấp nhất hộ tái nghèo.  


Bài, ảnh: MAI HẠ  
 


.