Những nỗi lo ở chợ tạm Quảng Ngãi

03:07, 16/07/2012
.

(QNĐT)- Chợ tạm Quảng Ngãi đi vào hoạt động đến nay được 3 tháng rưỡi. Hiện nay cả 2 khu A và B, bà con tiểu thương đã buôn bán tương đối ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh các hộ tiểu thương đã cơi nới lô, sạp của mình so với thiết kế ban đầu, nên nỗi lo về an toàn cháy nổ cũng như an toàn trong mùa mưa bão đang là vấn đề đặt ra...

TIN LIÊN QUAN


Chợ tạm Quảng Ngãi có diện tích khoảng 15.000m2, bố trí cho khoảng 1.200 hộ kinh doanh. Chợ tạm được phân thành 2 khu A và B. Khu A, dành cho các mặt hàng quần áo, vải, giày dép, mỹ phẩm..., khu B dành cho các mặt hàng thực phẩm, nông sản...  

Lo khi chẳng may có hỏa hoạn

Nếu nói về chợ tạm thì chợ tạm Quảng Ngãi được xem là kiên cố và bề thế nhất so với các chợ tạm trong cả nước. Điều này cũng dễ hiểu bởi chợ này được đầu tư kinh phí khá lớn (khoảng 10 tỷ đồng). Những ngày này, khi vào khu A chợ tạm Quảng Ngãi, cảm nhận đầu tiên là hàng hóa được bày bán khá đa dạng và phong phú không thua kém gì chợ cũ trước đây. Điều này chứng tỏ các hộ tiểu thương đã có mức đầu tư khá lớn cho các ngành hàng của mình. Thế nhưng cùng với đó là cảm giác khá nóng, ngột ngạt, bịt bùng rất khó chịu.

 

cho tam
Các tiểu thương cơi nới, lấn hết cả đường đi.


Tại các dãy kiốt kinh doanh quần áo may sẵn. Theo quan sát của chúng tôi thì các tuyến đường chính cũng như đường phụ nằm dọc theo các kiốt đều được các chủ kiốt cơi nới. Khoảng trống không gian phía trên cũng được các chủ sạp, kiốt cơi nới bằng việc hàn những thanh sắt phía trên lợp tôn.

Theo một số hộ tiểu thương tại chợ tạm Quảng Ngãi thì nguyên nhân khiến họ cơi nới phía trên là diện tích các kiốt, sạp được phân hơi hẹp; do được lợp bằng tôn nên mùa nắng các sạp, kiốt khá nóng, mưa thì tạt không buôn bán được.

Chị Nguyễn Thị Thu Băng, chủ sạp quần áo may sẵn Thu Băng cho biết: Hiện, không chỉ riêng chị mà hầu hết các hộ kinh doanh trong chợ tạm đều phải cơi nới thêm ra phía ngoài. Bởi nếu không cơi nới thì nắng nóng rất khó chịu, bên cạnh đó mưa gió sẽ tạt ướt hết quần áo. "Biết cơi nới sẽ không an toàn, nhưng biết sao được. Để làm ra một tí, chúng tôi bỏ thêm ra vài chục triệu chứ ít đâu"- Chị Băng nói.

 

Tuyến đường chính
Không gian trống phía trên của một tuyến đường chính vào chợ cũng đã bị các hộ tiểu thương hai bên lợp kín.


Cũng giống như chị Thu Băng, chủ sạp Kim Ánh bộc bạch: Chợ tạm Quảng Ngãi do được lợp bằng tôn, nên vào mùa nắng nóng khủng khiếp. Nắng nóng đã đành, do phía trên các đường đi không được lợp kín nên trời mưa là tạt hết vào các sạp quần áo. Vì vậy, những hộ tiểu thương ở đây phải nhờ thợ hàn ra một đoạn nữa để mưa khỏi tạt.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khi thiết kế, chủ đầu tư đã tính toán chừa hành lang, khoảng cách đường đi và không gian phía trên nhằm mục đích tạo khoảng trống, thoáng mát, thoải mái cho người dân khi đi mua sắm, đồng thời khi chẳng may xảy ra sự cố hỏa hoạn thì xe chữa cháy sẽ dễ dàng tiếp cận. Thế nhưng với hiện trạng hiện nay tại chợ tạm Quảng Ngãi thì một khi xảy ra hỏa hoạn thì các xe chữa cháy sẽ rất khó tiếp cận, bởi đường đi bị thu hẹp và không gian phía trên cũng đã bị bịt kín.

Mưa là ngập nước

Nắng nóng thì đã rõ, bởi chợ đều lợp bằng tôn. Tuy nhiên nhiều tiểu thương tại chợ tạm cho biết, trời nắng nóng thì còn chịu được, chứ mưa lại càng khổ hơn.

Quả thật khi vào chợ tạm Quảng Ngãi lúc trời mưa, chúng tôi nhận thấy dường như khắp nơi đều thấy nước. Ngoài một số dãy kiốt hàng quần áo may sẵn được tiểu thương che nới nên hạn chế được tình trạng tạt nước do mưa, thì những dãy hàng còn lại bị mưa tạt khá nặng.

 

Chỉ một trận mưa là nhiều hộ tiểu thương phải khốn khổ vì hàng hóa bị tạt ướt.
Chỉ một trận mưa nhiều hộ tiểu thương phải khốn khổ vì hàng hóa bị mưa tạt ướt.

 

Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước ở đây dường như quá nhỏ nên khi mưa lớn, nước thoát không kịp tràn ra khắp nơi. Một số kiốt, do mặt nền thấp nên nước tràn vào nền, nhiều tiểu thương phải dùng gạch để kê cao hàng, tránh bị ướt. Điều này khiến người đi chợ vừa phải mang áo mưa vừa phải lội nước bì bõm.

Một số tiểu thương ở đây cho rằng, việc thiết kế chợ chưa hợp lý, nhất là nền của các kiốt quá thấp so với mặt đường, trong khi đó hệ thống thoát nước của chợ tạm lại quá nhỏ, khi mưa lớn thoát không kịp, thế là tràn hết vào kiốt của tiểu thương.

 

Bất tiện nhất là người dân vừa đi chợ vừa mặc áo mưa, lại vừa phải lội nước.
Bất tiện nhất là người dân đi chợ vừa phải mặc áo mưa, vừa phải lội nước.


Chị Liễu, chủ shop Khánh Liễu mua bán giày dép cho biết: Trời nắng thì nóng, nhưng dù sao cũng chịu được, chứ trời mưa thì rất khổ. Bởi phía trên thì mưa tạt, phía dười thì nước tràn vào ướt hết cả giày dép. "Mới mưa mà thế này, tới mùa mưa không biết như thế nào nữa".

Tiểu thương Lâm Trương Văn Khanh- Chủ kiốt mỹ phẩm Bé Hân cho biết, hàng mỹ phẩm là hàng dễ chịu tác động của thời tiết như nắng nóng và mưa. Vì vậy, chúng tôi chỉ mong chủ đầu tư sớm khắc phục những bất cập trên để các hộ tiểu thương ổn định mua bán, khi mùa mưa bão đang đến gần.

Vận động tháo gỡ để đảm bảo an toàn

Ông Ngô Văn Tươi-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (chủ đầu tư chợ tạm Quảng Ngãi) cho biết: Chợ tạm thì khó có thể nào như chợ chính được. Vì vậy, các tiểu thương cũng phải hiểu và thông cảm. Đối với tình trạng ngập nước do nước thoát không kịp, sau khi các hộ tiểu thương phản ánh, công ty đã yêu cầu ban quản lý kiểm tra và đã tiến hành nạo vét các cống thoát nước để nước nhanh thoát.

Tuy nhiên theo ông Ngô Văn Tươi thì hiện hay, tình trạng cơi nới của các tiểu thương là hết sức đáng lo ngại. Mùa nắng, nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì rất khó khăn cho việc tiếp cận đám cháy. Còn vào mùa mưa, việc cơi nới của những sạp, kiốt trên cũng rất nguy hiểm, bởi chỉ cần một trận gió cấp 6, cấp 7 là có thể thổi bay những kiốt trên, chứ đừng nói khi có bão.

Vì vậy, quan điểm của công ty là yêu cầu những chủ sạp, kiốt phải tháo gỡ những phần tự ý cơi nới ngoài thiết kế nêu trên. Hiện công ty đã có văn bản gửi UBND thành phố Quảng Ngãi. "Những ngày đến, chúng tôi sẽ phối hợp để vận động, tuyên truyền cho các hộ tiểu thương tháo gỡ, để đảm bảo an toàn"- Ông Ngô Văn Tươi cho biết.



M.Toàn

 


.