Các công trình xây dựng cơ bản: Tiến độ thi công quá chậm

01:07, 23/07/2012
.

(QNg)- Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và chủ đầu tư triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Tuy nhiên, công tác quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn vẫn còn hạn chế, nhiều công trình thời gian thi công kéo dài và có nguy cơ bị thu hồi vốn gây bức xúc trong dư luận.  

TIN LIÊN QUAN


Giải ngân vốn chậm

Năm 2012, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh được Trung ương giao hơn 2.519 tỉ đồng. Trong đó, nguồn cân đối ngân sách địa phương 613 tỉ đồng, nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 1.057 tỉ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia được Trung ương phân bổ thêm 225 tỉ đồng; vốn ODA 350 tỉ đồng, vốn xổ số kiến thiết 53 tỉ đồng và vốn Trái phiếu Chính phủ 118 tỉ đồng.

Dự án Trường ĐH Phạm Văn Đồng đang được đẩy nhanh tiến độ để đầu năm 2013 đưa vào sử dụng.
Dự án Trường ĐH Phạm Văn Đồng đang được đẩy nhanh tiến độ để đầu năm 2013 đưa vào sử dụng.


Số vốn đầu tư phát triển lớn, nhưng tiến độ triển khai các chương trình, dự án rất chậm, dẫn đến tỉ lệ giải ngân, thanh toán vốn đạt thấp. Kết quả giải ngân, thanh toán nguồn vốn đến ngày 31/5 chỉ đạt 26% kế hoạch, đạt khá thấp so với bình quân chung của cả nước. Trong đó, tỉ lệ giải ngân, thanh toán vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 31%; vốn xổ số kiến thiết 59%; vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 17%; vốn nước ngoài 36% và vốn Trái phiếu Chính phủ giải ngân 37% kế hoạch.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhưng việc thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu. Nhiều công trình được UBND tỉnh xác định là trọng tâm, trọng điểm và tạo thuận lợi cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ như: Hợp phần di dân tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong, Trường đại học Phạm Văn Đồng, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, tiêu thoát lũ Sông Thoa,... dù vậy tiến độ triển khai các dự án vẫn chậm so với kế hoạch đề ra.

Các dự án, công trình triển khai chậm phần lớn rơi vào công trình thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi và hạ tầng đô thị... Nổi  bật là các dự án hạ tầng đô thị thành phố Quảng Ngãi như: Dự án đường Phan Đình Phùng nối dài thực hiện từ năm 2008, nhưng đến nay mới đạt 65% khối lượng. Dự án đường Lê Đại Hành do vướng 12 hộ dân và 1 tổ chức chưa nhận tiền bồi thường nên tiến độ thi công mới đạt 30% KH. Dự án đường Nguyễn Trãi thì đang tập trung thực hiện phương án bồi thường. Dự án thoát nước Hào Thành đang chi trả bồi thường đợt 1 và chờ phê duyệt phương án bồi thường đợt 2 để triển khai thi công. Dự án tiêu thoát lũ sông Thoa triển khai cũng khá chậm, hiện mới chỉ có gói thầu số 6 và số 7 thi công đạt 35% khối lượng, giá trị giải ngân đạt 30 tỉ đồng trong khi kế hoạch vốn năm 2012 là 100 tỉ đồng.


Cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân các dự án triển khai chậm là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá cả nhân công, ca máy, nguyên vật liệu tăng cao nên các nhà thầu thi công cầm chừng. Việc chỉ đạo của chủ đầu tư chưa sâu sát, năng lực thi công của nhiều nhà thầu kém. Cũng chính vì năng lực thi công kém nên Công ty CP Agromas - VN, đơn vị thi công hồ thủy lợi Trì Bình bị nhà tài trợ là Chính phủ Nhật Bản cắt hợp đồng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án thuộc Chương trình 30a chưa quyết liệt trong việc đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ đối với công trình chuyển tiếp, chậm lên phiếu giá thanh toán cho các công trình đã hoàn thành, các dự án mới chậm hoàn chỉnh thủ tục để khởi công.


Kế hoạch vốn giao bổ sung từ ngân sách Trung ương giao cho tỉnh trễ hơn các năm trước. Riêng đối với các dự án khởi công mới phải có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính mới đủ điều kiện giải ngân vốn. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư cũng phải xin ý kiến Trung ương nên dự án triển khai khá chậm.

Những tháng còn lại của năm 2012, công tác XDCB sẽ gặp không ít trở ngại do thời tiết bất lợi. Do đó, để đạt kế hoạch giải ngân hết vốn đã bố trí, các ngành, địa phương cần tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là những công trình, dự án trọng điểm. Đối với các dự án do huyện, xã làm chủ đầu tư cần chú ý lựa chọn nhà thầu đủ năng lực. UBND các huyện cũng phải "tăng tốc" thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn hỗ trợ, nhất là vốn Chương trình 30a, vốn tín dụng ưu đãi cho giao thông nông thôn và thuỷ lợi để những công trình này sớm đưa vào sử dụng, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.


Bài, ảnh: Bá Sơn

 


.