Nỗ lực gìn giữ nghề rèn truyền thống

07:06, 30/06/2012
.

(QNĐT)- Với người dân ở thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh, Sơn Tịnh, nghề rèn không chỉ là chiếc “cần câu cơm” mà còn là nghề truyền thống của tổ tiên để lại. Chính vì vậy, trước tình trạng nghề truyền thống này đang dần bị mai một, hàng chục hộ dân nơi đây vẫn nỗ lực “sống chết” với nghề.

TIN LIÊN QUAN


Giữ mãi hơi ấm lửa rèn

Chúng tôi có dịp về làng rèn Minh Khánh vào lúc lúa đang lên xanh mơn mởn giữa khắp cánh đồng. Thoảng đâu đó, mùi lúa non xanh hòa lẫn vào tiếng máy móc chạy xình xịch cùng với tiếng va đập kim loại cất tiếng leng keng dẫn chúng tôi vào vùng đất mới. Đó là vùng đất của những người thợ rèn có vẻ ngoài chất phát đến thô cứng nhưng lại có đôi tay tài hoa đáng nể phục.

Nghề rèn ở thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh đã xuất hiện cách đây trên 300 năm. Vào lúc thịnh vượng nhất, cái nghề tiếp xúc với lửa và kim loại còn nhiều hơn ánh mặt trời này đã nuôi sống gần 400 khẩu của hơn 70 hộ dân địa phương. Cũng nhờ vào nghề rèn truyền thống, rất nhiều người tài giỏi có cơ hội vươn xa, cống hiến công sức góp phần xây dựng quê hương đất nước.

 

Miệt mài bên bếp nung đỏ lửa
Miệt mài bên bếp nung đỏ lửa


Nơi đây, những bàn tay tài hoa đã chế tạo không biết bao nhiêu nông cụ cầm tay phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp của hàng chục nghìn nông dân trong và ngoài tỉnh như: Búa, liềm, dao, rựa… Danh tiếng của làng rèn Minh Khánh còn vươn xa, bay xa khắp nơi.

Tuy nhiên, đó là một thời hoàng kim. Còn nay, cùng với các nghề thủ công vất vả nhưng mang lại thu nhập thấp, nghề rèn đang đứng trước bờ vực bị mai một dần. Tuy vậy, 51 hộ dân thôn Minh Khánh vẫn gắn bó và nỗ lực níu giữ nghề xưa khi hơi ấm lửa rèn đang dần tắt. Với họ, nghề rèn đã hóa thân thành máu thịt trong cơ thể.

Cánh tay gân guốc của người thợ lành nghề Nguyễn Văn Ân (54 tuổi) đang giáng chiếc búa to vào lưỡi rựa đỏ rực. Từng nhát búa vang lên chan chát, ông Ân chia sẻ: Đúng là hiện tại chẳng mấy người ham cái nghề vất vả này, vừa nặng nhọc vừa chẳng có mấy thu nhập. Nhưng cũng còn nhiều gia đình tâm huyết với nghề lắm. Như tôi đây, đã gắn bó với lưỡi rựa, lưỡi liềm… từ hơn 30 năm nay mà vẫn chưa chán.

Ông Ân tự hào: “Sau này, tôi cũng chẳng lo nghề gia truyền bị thất truyền bởi đã có thằng con trai nối nghiệp!”. Sau câu nói ấy là nụ cười thật tươi trên của khuôn mặt đen nhẻm, ướt mồ hôi của người thợ rèn chân chất. Nụ cười như hàm chứa một sức mạnh tinh thần và lòng quyết tâm lớn vô hạn.

 

Những lưỡi rựa sắc bén được làm nên sau nhiều giờ lao động của những người thờ rèn tài hoa
Những lưỡi rựa sắc bén được làm nên sau nhiều giờ lao động của những người thợ rèn tài hoa


Cũng như ông Ân, lò rèn của hộ gia đình ông Phạm Ngọc Hạnh cùng thôn vẫn cứ đỏ lửa đều đặn ngày qua ngày dù phải đối mặt với nhiều thử thách. Bà Ngô Thị Kim Liên, vợ ông Hạnh cho hay: Cả cái xóm này đều sống nhờ vào nghề rèn chứ làm gì có ruộng đất để cày cấy. Do tình hình sản xuất ngày càng khó khăn nên nhiều người bỏ nghề, tha hương mưu sinh. Như vậy thì đồng lương sẽ cao hơn nhưng lại chịu cảnh xa quê, xa gia đình. Do đó, chúng tôi bám nghề truyền thống của địa phương chính là bám đất tổ, bám quê hương.

Hằng ngày, cùng với gia đình ông Ân, ông Hạnh, lò rèn của 51 hộ dân ở thôn Minh Khánh vẫn đều đặn đỏ lửa để sản xuất ra những nông cụ hữu ích và gần gũi với đời sống sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Với họ, có thể nghề rèn chẳng thể mang lại một cuộc sống vương giả, nhưng hơi ấm lửa rèn vẫn cứ mãi đọng lại trong trái tim, trở thành động lực và niềm thôi thúc trong cuộc sống.

Băn khoăn tìm hướng đi cho làng nghề

Lòng yêu nghề đã giúp 51 hộ dân thôn Minh Khánh bám trụ lại với lò rèn truyền thống. Dù vậy, người làm nghề rèn nơi đây không khỏi băn khoăn về tương lai của làng nghề, cùng với đó là hướng giải quyết những khó khăn đang gặp phải.

Với tình hình kinh tế khó khăn, việc tìm thị trường tiêu thụ các sản phẩm của lò rèn là vấn đề lớn. Bên cạnh đó, vấn đề vốn đầu tư để các loại máy móc phục vụ sản xuất nhằm giảm sức lao động của con người cũng là điều người làm nghề hết sức trăn trở.

 

51 hộ dân thuộc làng rèn Minh Khánh luôn mong mỏi sự giúp đỡ từ chính quyền và cơ quan chức năng trong việc đầu tư máy móc hóa nghề truyền thống này để giảm sức lao động và tăng thu nhập
51 hộ dân thuộc làng rèn Minh Khánh luôn mong mỏi sự giúp đỡ từ chính quyền và cơ quan chức năng trong việc đầu tư máy móc hóa nghề truyền thống này để giảm sức lao động và tăng thu nhập


Ông Nguyễn Tòng (sinh năm 1960) trầm ngâm: Với 34 năm làm nghề rèn, tôi cứ mãi đau đáu một nỗi lo. Rồi đây, khi thế hệ chúng tôi qua đời thì lớp trẻ có còn chịu gắn bó cả đời với cái lò nung nóng như thiêu như đốt này không. Nhất là khi thị trường tiêu thụ các sản phẩm này vẫn còn quá bó hẹp và vốn phát triển lò rèn thì lại quá eo hẹp. Đó cũng chính là nỗi lo chung của 109 lao động thuộc 51 lò rèn ở thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh.

Ông Đoàn Văn Phú- Chủ tịch UBND xã Tịnh Minh cho biết: Làng rèn Tịnh Minh là một trong những nghề nằm trong Dự án Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2003 – 2010.

Do vậy, chính quyền địa phương đã kiến nghị nhiều lần lên cấp trên về việc hỗ trợ dân làng rèn Minh Khánh vay vốn đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ trong sản xuất với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan chức năng tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông cụ cầm tay của làng nghề. “Đây là nghề truyền thống đáng được lưu giữ. Do vậy, chính quyền địa phương và nhân dân xã Tịnh Minh luôn quyết tâm tìm hướng khôi phục và phát triển nghề”- ông Phú khẳng định.

Mới đây, UBND huyện Sơn Tịnh cũng đã chỉ đạo UBND xã lập và chỉnh sửa hồ sơ để trình, xin ý kiến của UBND tỉnh về việc công nhận nghề rèn thôn Minh Khánh là làng rèn truyền thống.

Một khi được công nhận là làng nghề truyền thống với thương hiệu riêng, người dân thôn Minh Khánh sẽ có hướng đi mới tươi sáng hơn trong việc khôi phục nghề truyền thống có từ hơn 300 năm nay. Theo đó, đời sống kinh tế và tinh thần của các hộ gia đình làm nghề rèn nơi đây sẽ ngày một được cải thiện và nâng cao.


Thanh Phương
 

 


.