Đột phá mạnh vào "vùng nghèo"

01:06, 13/06/2012
.

(QNg)- Trong những năm gần đây, mặc dù Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả về tăng trưởng và giảm nghèo, nhưng hiện còn nằm trong tình trạng nghèo ở mức "đáng lo ngại". Vì thế, chủ trương tăng nguồn lực cho công tác giảm nghèo là đúng đắn và cần thiết.

TIN LIÊN QUAN


* "Top" 20 và 2!

Mặc dù là một trong 10 tỉnh thu ngân sách cao nhất nước, song Quảng Ngãi vẫn nằm trong "top" 20 tỉnh nghèo nhất toàn quốc và đứng thứ 2 về "nghèo" trong khu vực Duyên hải miền Trung (sau Quảng Nam). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 hơn 20%, trong đó đáng chú ý là 6 huyện miền núi nằm trong tình trạng nghèo "đáng lo ngại", bình quân hơn 55%. Huyện Tây Trà nghèo nhất tỉnh với số hộ nghèo chiếm gần 72%. Toàn tỉnh có 43 xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn với 31 thôn của xã "rơi vào" tình trạng khó khăn đặc biệt thuộc Chương trình 135; 21 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo đặc biệt khó khăn.

Đầu tư cho giáo dục miền núi là giải pháp quan trọng, cần thiết nhằm từng bước giảm nghèo bền vững tại 6 huyện nghèo của tỉnh.
Đầu tư cho giáo dục miền núi là giải pháp quan trọng, cần thiết nhằm từng bước giảm nghèo bền vững tại 6 huyện nghèo của tỉnh.


Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ,  ngành trung ương, nhiều chương trình, dự án đã đầu tư vào Quảng Ngãi góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, như: Chương trình 134, 135; Chương trình xã bãi ngang ven biển, Chương trình 30a, các chương trình dự án ODA như Rudep, CBRIP, ISP… Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm theo từng năm: Năm 2006 là 28% giảm xuống 23% vào năm 2010 và 20,6% vào năm 2011.

* Và 20 giải pháp đột phá


Mục tiêu tổng quát về công tác giảm nghèo được Quảng Ngãi xác định: Cải thiện và từng bước ổn định, nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thoát nghèo bền vững; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Trong đó, tỉnh đã đặt ra mục tiêu cụ thể tăng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo lên hai lần; riêng huyện nghèo tăng lên 3 lần trong giai đoạn từ nay đến 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 3% đến 4%. Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh đã xác định 20 giải pháp giảm nghèo, trong đó có 11 giải pháp chung và 9 giải pháp đặc thù. Cụ thể, 11 giải pháp giảm nghèo chung bao gồm: Tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; hỗ trợ đất sản xuất; tổ chức các hoạt động khuyến nông - lâm- ngư và hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề; dạy nghề miễn phí; nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ y tế; hỗ trợ về giáo dục; hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ nước sinh hoạt; trợ giúp pháp lý miễn phí; hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin. Giải pháp giảm nghèo mang tính đặc thù dành cho hộ nghèo, người nghèo dân tộc thiểu số và đối với huyện nghèo, xã nghèo, gồm: Thực hiện hiệu quả về giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a; đầu tư cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; thôn đặc biệt khó khăn ngoài huyện nghèo; thực hiện chính sách dân tộc miền núi và hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, đối tượng yếu thế.

* Huy động nhiều nguồn lực

Hiện nay, Quảng Ngãi đang tập trung ưu tiên nguồn lực để phát triển kinh tế hạ tầng nông thôn, nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Phát triển các sản phẩm có lợi thế của miền núi, vùng ven biển gắn với thị trường; ưu tiên nguồn lực để giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện các mục tiêu trên, ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tỉnh đang nỗ lực kêu gọi, tìm kiếm các nguồn vốn khác từ các nhà tài trợ, chương trình, dự án phi chính phủ. Theo đó, Quảng Ngãi đã đặt ra mục tiêu huy động tổng nguồn vốn đầu tư xã hội, trong đó có đầu tư giảm nghèo trong giai đoạn từ nay đến 2015 là 160.000 tỷ đồng; từ 2016 đến 2020 là 280.000 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn kêu gọi từ các nhà tài trợ khoảng 2.000 tỷ đồng.

UBND tỉnh đang phối hợp với UBMTTQVN tỉnh đẩy mạnh chương trình an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo; đồng thời tập trung tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức và người dân về vượt nghèo, vươn lên làm giàu.


    Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.