Gỡ khó cho ngư dân

08:05, 08/05/2012
.

(QNg)- Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa là một chủ trương đúng và kịp thời, giúp ngư dân bám biển trong điều kiện phí tổn các chuyến đánh bắt hải sản ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, để nhận được tiền hỗ trợ ngư dân đang gặp phải nhiều cái khó…

Theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 48 quy định, để được hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển, ngư dân phải "Có hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa và có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã đảo hoặc bộ đội Hải quân hoặc nhà giàn gần ngư trường khai thác hải sản, hoặc xác nhận vị trí hoạt động của tàu cá bằng hệ thống giám sát định vị vệ tinh (GPS) của cơ quan chức năng". Trong khi đó, hiện nay các tàu chưa được trang bị hệ thống định vị vệ tinh thì chỉ có cách duy nhất là lấy xác nhận trên đảo gần ngư trường. Nhưng đây lại là một thủ tục gây khó cho ngư dân, nhất là các tàu thường xuyên hoạt động ở vùng biển các nhà giàn DK thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của nước ta. Nguyên do là vùng biển gần các nhà giàn giữa biển luôn có sóng biển rất lớn, khoảng cấp 7-8, khiến tàu cá của ngư dân không thể tiếp cận để "ký tên, đóng dấu".

Bên cạnh đó một số đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa cũng luôn có sóng to gió lớn, tàu cá ngư dân rất khó khăn, thậm chí không thể tiếp cận. Do vậy tàu thuyền ngư dân đánh bắt ở gần đảo trừ trường hợp khẩn cấp như cấp cứu ngư dân hay gặp các sự cố đột xuất mới dám cập vào đảo...

Nhiều ngư dân còn cho hay: Với những đảo dễ cập tàu vào, họ có thể đưa tàu vào đảo để cán bộ có thẩm quyền xác nhận, nhưng ngư trường cách đảo khá xa, chạy đi chạy lại rất tốn tiền dầu. Thêm vào đó, nếu vào đảo sẽ phải bỏ biển, mất luồng cá, dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Như thế, nhận được hỗ trợ cũng không thể bù lại những chi phí họ bỏ ra. Từ thực tế đó, nguyện vọng của hầu hết bà con ngư dân hiện nay là mong muốn Quyết định 48 giảm bớt các thủ tục, trong đó có thể dựa vào tính chất của các nghề để "bỏ qua" xác nhận của bộ phận chuyên môn trên đảo. Đơn cử như nghề câu mực- nghề ở vùng biển gần không thể có, mà buộc phải ra các vùng biển xa.

Một bất cập nữa là quy định hỗ trợ về đóng mới, mua mới tàu cá. Theo quy định, nếu muốn nhận được hỗ trợ thì ngư dân phải mua mới máy tàu cá. Tuy nhiên, không phải ngư dân nào cũng có điều kiện mua máy mới vì giá rất cao, nếu mua máy cũ thì không được nhận hỗ trợ.  

Việc thắt chặt các điều kiện hỗ trợ cho ngư dân là để làm tốt hơn công tác quản lý, chống thất thoát tiền và nâng cao hiệu quả từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng khi các điều kiện đó lại khó đáp ứng trong thực tế sản xuất sẽ làm mất đi tính khả thi của một chính sách lớn. Do đó các ngành, các cấp trong tỉnh cần kiến nghị Trung ương xem xét, cân nhắc giảm bớt các khâu thủ tục cho ngư dân.


 Phạm Danh
 


.