Phụ nữ Nghĩa Hành giúp nhau phát triển kinh tế

10:04, 16/04/2012
.

(QNg)- Những năm qua, bằng nhiều hình thức, quyên góp vốn, ngày công xoay vòng, tập huấn hướng dẫn cách thức trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ vốn vay… "Phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế" ở  huyện Nghĩa Hành đã giúp nhiều chị em có việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được phát triển và nhân rộng, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho hội viên phụ nữ và thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương.

Chúng tôi đến tham quan mô hình kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Minh Tâm, thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh. Đây là một trong những tấm gương hội viên phụ nữ điển hình cho ý chí thoát nghèo. Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào tiền làm thuê, làm mướn là chính. Thông qua Hội LHPN huyện, chị được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 10 triệu đồng để chăn nuôi. Lúc đầu chỉ có 1-2 con trâu, vài chục con gà. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", cộng với trồng trọt, đến nay gia đình chị đã có hơn 200 con gà và 25 con trâu. Bằng mô hình chăn nuôi này, cộng với thu nhập từ trồng trọt, chị Tâm đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế dần khá giả để đầu tư cho con cái ăn học. Hiện nay, không những chị trả hết nợ mà còn có số vốn để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình chăn nuôi heo siêu nạc, hiệu quả của chị Nguyễn Thị Thư, ở xã Hành Dũng.
Mô hình chăn nuôi heo siêu nạc, hiệu quả của chị Nguyễn Thị Thư, ở xã Hành Dũng.


Cũng như gia đình chị Tâm, chị Nguyễn Thị Thư, thôn An Phước, xã Hành Dũng được chị em địa phương nhắc đến với mô hình chăn nuôi heo khá hiệu quả. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khá khang trang, chị Thư bộc bạch: "Trước đây tôi chỉ biết chăn nuôi nhỏ lẻ và chăm sóc con cái, nhưng nhờ nguồn vốn vay, tôi mới có điều kiện đầu tư chăn nuôi có quy mô như ngày hôm nay". Từ hộ nghèo, chị đã không ngừng nỗ lực, tìm tòi học hỏi và cũng nhờ nguồn vốn vay ban đầu của Hội phụ nữ, chị đầu tư chăn nuôi heo. Đến nay, đàn heo của gia đình chị phát triển gần 50 con heo thịt siêu nạc và heo cái giống. Từ chăn nuôi heo có hiệu quả, chị Thư tiếp tục đầu tư chăn nuôi thêm hai con bò lai, và thả nuôi gần 1000 cá trắm cỏ, cá chép. Để tạo nguồn thức ăn cho heo, chị Thư đầu tư nấu rượu, tận dụng bã rượu để phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.  Mỗi năm, ngoài lo tiền học cho con, chi phí sinh hoạt cho gia đình,  chị còn để dư được vài chục triệu đồng.

Những năm gần đây, nhờ vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều hộ phụ nữ nghèo, gia đình chính sách ở huyện Nghĩa Hành có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Đặc biệt nhiều hộ trở thành điển hình sản xuất kinh doanh giỏi. Theo thống kê từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, tính đến thời điểm này, toàn huyện có gần 3.000 hộ phụ nữ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ trên 60 tỷ đồng. Không chỉ thi đua xoá đói giảm nghèo, phụ nữ Nghĩa Hành còn triển khai tốt phong trào thi đua xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; nâng cao chất lượng sinh hoạt câu lạc bộ theo chuyên đề, giúp chị em nắm bắt thêm nhiều kinh nghiệm tổ chức cuộc sống gia đình, chi tiêu hợp lý, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, học hành giỏi giang cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc.

 Chị Huỳnh Thị Yến - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nghĩa Hành cho biết: Nhờ hiệu quả từ việc tổ chức và duy trì được các lớp học nghề sơ cấp thú y, chăn nuôi, trồng hoa-cây cảnh-chiết ghép, bảo vệ thực vật, nữ công gia chánh... chị em có điều kiện tiếp cận kiến thức tiến bộ để ứng dụng vào trong quá trình sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, chị em còn được tham gia các lớp tập huấn do Phòng nông nghiệp huyện tổ chức như: Sản xuất lúa giống, sản xuất rau an toàn, kiến thức chăn nuôi, tổ chức sản xuất sạch...

Từ đó áp dụng vào thực tiễn, nên hàng năm trên địa bàn huyện đã có không ít hộ thoát nghèo, kinh tế ổn định. Trong năm 2011, có gần 4.000 phụ nữ nghèo được Hội giúp đỡ về vốn, công lao động, tập huấn kiến thức. Nhờ đó có gần 800 hộ thoát nghèo. Đặc biệt phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế diễn ra sôi nổi trên địa bàn huyện. Đã có gần 2.500 phụ nữ khá giúp gần 1000 chị khó khăn với tổng số tiền 125 triệu đồng. Ngoài ra ở hầu hết các chi hội phụ nữ đều có câu lạc bộ "giúp nhau phát triển kinh tế", góp vốn xoay vòng, để giúp chị em có điều kiện đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế.


          Bài, ảnh: KIM NGÂN  
 


.