Nghề ép “vàng” dưới chân núi Ấn

09:04, 17/04/2012
.

(QNĐT)- Từ bao đời nay, người dân xã Tịnh An (Sơn Tịnh) đã gắn bó với nghề ép dầu phụng, hay còn được gọi vui là nghề ép “vàng”. Nhờ vào những giọt “vàng” dầu phụng thơm phức, béo ngậy, nhiều gia đình nông dân nơi đây thoát nghèo, dần vươn lên ổn định cuộc sống.
 
Tịnh An những ngày giữa tháng Tư nắng chói chang, bầu không khí nơi đây như cô đặc lại bởi tiếng nói cười của các chị, các mẹ hòa quyện với tiếng động cơ máy chạy ầm ầm suốt ngày ở các cơ sở ép dầu phụng. Đây là mùa “làm ăn” cao điểm của những người nông dân sống dưới chân núi Ấn khi đậu phụng đến độ chín, cần thu hoạch.

 

Đậu phụng dùng để ép dầu phải được phơi thật giòn, khô
Đậu phụng dùng để ép dầu phải được phơi thật giòn, khô
 
Xuất ngũ trở về quê năm 1989, anh Lý Văn Thanh- ngụ thôn Long Bàn, xã Tịnh An vẫn quyết tâm gìn giữ nghề ép dầu phụng từ thời cha ông để lại. “Nghề ép dầu phụng không chỉ là “cần câu cơm” của bản thân và gia đình. Đó còn là cái nghiệp truyền thống của nhiều họ tộc ở Tịnh An”- Anh Thanh tự hào nói.
 
Anh Thanh cho biết: Vài chục năm trước đây, khi nhắc đến Tịnh An thì mọi người nghĩ ngay đến những giọt dầu phụng vàng ươm, có nhiều giá trị dinh dưỡng. Bởi, chỉ là một xã nhỏ dưới chân núi Thiên Ấn, Tịnh An có đến 20-30 cơ sở ép dầu phụng lớn nhỏ cùng tồn tại, hoạt động. Thế nhưng, theo thời gian nhiều gia đình bỏ nghề truyền thống để tha hương và làm nhiều nghề khác. Đến nay, chỉ còn khoảng 15 cơ sở hoạt động.
 
Để ép ra được những lít dầu phụng thơm ngon, người dân Tịnh An đã bỏ ra không biết bao nhiêu mồ hôi công sức và cả những kỹ thuật, kinh nghiệm khó ngờ.
 
Anh Nguyễn Văn Thành với kinh nghiệm làm nghề ép dầu phụng hơn 20 năm, kể: Đậu phụng nhổ về phải được phơi thật giòn, khô mới đem tách vỏ lấy hạt và cho vào máy để nghiền, xay thật kỹ. Sau đó, đem bột đậu hấp trong nồi gỗ.

 

Công đoạn hấp đậu cần nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm nhất
Công đoạn hấp đậu cần nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm nhất
 
Công đoạn này cần nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm nhất. Bởi, nếu hấp không đủ thời gian thì đậu sẽ không cho dầu. Còn nếu hấp chín quá sẽ bị nhão. Do vậy, phải luôn xới đều tay trong khi hấp và canh đủ thời gian để đậu vừa chín tới và cho sản lượng dầu nhiều nhất.
 
Sau khi được hấp chín, bột đậu được cho vào những bao tải và đưa lên máy ép để ra được những giọt dầu ăn nổi tiếng gần xa. Như vậy, quá trình gia công từ hạt đậu phụng còn nguyên vỏ đến khi thành phẩm tưởng chừng khá đơn giản như trên lại hao tốn đến 6 tiếng đồng hồ.

 

Sau khi hấp, bột đậu được cho vào các bao tải để ép thành từng khoanh bánh
Sau khi hấp, bột đậu được cho vào các bao tải để ép thành từng khoanh bánh
 
Nghề ép dầu phụng lắm nỗi nhọc nhằn. Nhưng cũng chính nghề này đã nuôi sống nhiều gia đình và để lại trong lòng người dân Tịnh An niềm tự hào, yêu nghề sâu sắc khi sản phẩm của họ được thị trường ưa chuộng, đón nhận và vươn xa ra khắp nhiều tỉnh thành.
 
Chị Nguyễn Thị Kim Thư ở thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An cho biết: Tại cơ sở ép dầu phụng của gia đình chị, trong thời gian cao điểm có thể ép đến 150-200 lít dầu/ngày. Sản lượng dầu như vậy mang lại thu nhập khoảng 400-600 nghìn đồng.
 
Mỗi lít dầu phụng được bán ra thị trường có giá từ 80-120 nghìn đồng, tùy theo thời điểm. Không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, mỗi cơ sở ép dầu phụng ở Tịnh An còn tạo công ăn việc làm với thu nhập khoảng 150 nghìn đồng/người/ngày cho 5-10 lao động.

 

Dầu phụng thành phẩm vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều người dân Tịnh An
Dầu phụng thành phẩm vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều người dân Tịnh An
 
Hiện tại, tuy số lượng cơ sở ép dầu phụng ít hơn rất nhiều so với trước, nhưng chất lượng dầu phụng được ép ra bởi công sức của nông dân Tịnh An thì vẫn tuyệt hảo như thuở nào, không nơi đâu sánh kịp.
 
Xưa nay, dầu phụng vẫn luôn là nguyên liệu không thể thiếu để chế biến thức ăn thơm ngon. Dầu phụng Tịnh An lại càng được ưa chuộng hơn hết vì chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, làm cách nào để nghề truyền thống tồn tại một cách vững bền mà không bị mai một vẫn luôn là nỗi băn khoăn của nhiều người dân Tịnh An.
 
Anh Nguyễn Văn Thành trăn trở: Chỉ mong sao dầu phụng Tịnh An được công nhận thương hiệu một ngày không xa, để dân chúng tôi có thể an tâm làm ra những giọt “vàng” ý nghĩa mà không lo lắng đến chuyện bị ép giá, thị trường đầu ra bấp bênh. Từ đó, có động lực nâng cấp máy móc, áp dụng khoa học công nghệ vào nghề truyền thống của địa phương.
 
 
Thanh Phương
 


 

.