Màu xanh Gò Da...

08:04, 11/04/2012
.

(QNg)- 38 hộ đồng bào dân tộc Hrê sau 37 năm giải phóng đất nước vẫn kiên cường ở lại bám trụ tại vùng căn cứ cách mạng Gò Da - cách xa trung tâm xã Sơn Ba (Sơn Hà) đến 4 tiếng đồng hồ đi bộ. Khát vọng đổi đời đã bén xanh mảnh đất này, trong từng mái nhà sàn chênh vênh nơi sơn cùng nước thẳm ấy…

Cuộc sống của 172 nhân khẩu thôn Gò Da vẫn còn nặng tính "tự cung tự cấp", nhưng cách nghĩ, cách làm đều là sự chuẩn bị chu đáo hướng đến một tương lai tốt đẹp cho ngày sau…

* Của làm ra


Chúng tôi theo đám học trò thôn Gò Da về thăm nhà sau một tuần học nội trú ở Trường tiểu học Sơn Ba. Nhiều em mới 8 tuổi, sức vóc nhỏ thó mà bước chân thuộc đường mòn xuyên núi, vượt suối, sang sông chẳng thua gì người lớn. Sau 4 tiếng đồng hồ lội bộ, 38 nóc nhà thôn Gò Da đã hiện ra trước mắt.

 Nhà sàn của đồng bào dân tộc Hrê giữa núi rừng Sơn Ba hôm nay.
Nhà sàn của đồng bào dân tộc Hrê giữa núi rừng Sơn Ba hôm nay.



Hôm nay, cả thôn Gò Da đến "hẹn" cắt tóc. Già trẻ, lớn bé đều tập trung rất đông trước con đường mòn dẫn vào làng. Đinh Văn Díu - công an viên của thôn, được mọi người "tín nhiệm" nhất. Díu ngừng tay kéo, nói vui: "Mình mà cắt tóc là gái sẽ lấy được chồng, trai sẽ chọn được vợ; trẻ con thì mau lớn, người già như trẻ ra". Không chỉ Díu mà bất cứ người đàn ông nào trong làng này cũng đều biết cắt tóc. Ông Đinh Văn Nở - già làng thôn còn bảo rằng: Ngoài cắt tóc, đàn ông làng này còn phải thạo 3 nghề nữa: Đó là thợ mộc, thợ săn và nghề bốc thuốc nam. Thợ mộc để đục đẽo cây làm nhà; thợ săn để bắt thú, lấy mật ong rừng đem xuống miền xuôi bán kiếm tiền lo cuộc sống. Còn nghề bốc thuốc nam là để dùng lá rừng trị bệnh khi ốm đau…

Phụ nữ ở thôn Gò Da không nhàn hạ như những vùng khác. Nhà nào cũng nuôi heo, trong đó có cả heo rừng. Từ tờ mờ sáng, các bà các chị đã lên rẫy nhổ mì, bẻ bắp về nấu rượu, lấy bã hèm làm thức ăn cho heo, gà. Non cao thế mà nhiều nhà còn nuôi được vịt siêu thịt, vịt xiêm. Trưởng thôn Gò Da Đinh Văn Via cho chúng tôi biết: Cả thôn nuôi được 70 con trâu bò, 150 con heo. Tất cả các hộ đều làm chuồng trại, hàng rào để vật nuôi không làm ảnh hưởng đến hàng xóm.

Bây giờ 7 ha lúa thôn Gò Da sắp cho thu hoạch. Thế nhưng ở ngôi làng nhỏ nhà nhà đều còn lúa cũ trong chòi. Vì thế, về với đồng bào lần này chúng tôi đã được ăn những bữa cơm gạo rẫy tim tím, thơm và ngọt. Thức ăn cũng do dân làng "làm ra" nào rau ranh, ốc đá, ếch núi, cá… Với chúng tôi đó là đặc sản, còn với người dân nơi đây đó là cuộc sống thường nhật đậm chất núi rừng "tự cung tự cấp". Thứ nữa mà nhà nào thôn Gò Da cũng có là chè xanh. Những cây chè cao hơn nóc nhà sừng sững đứng giữa trời, nhiều cây còn hơn tuổi của già làng nữa. Thôn Gò Da tuy xa là vậy, nhưng sóng điện thoại có tới 3 "mạng"; điện thắp sáng đã được kéo về phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các hộ dân.

* Và của để dành

Theo chân già làng - thương binh Đinh Văn Dớ đến thăm các hộ gia đình thôn Gò Da. 100% hộ dân đều treo ảnh Bác Hồ nơi cửa chính. "Bác Hồ cho dân làng độc lập, no ấm, ơn Bác nhiều lắm. Mình treo thế để nhắc nhở con cháu ghi công ơn này" - già Đinh Văn Què nói. Chúng tôi đã có dịp về nhiều bản làng xa xôi của đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng ngôi làng nhỏ này cho chúng tôi cảm giác như trở về chính nhà mình vậy: sạch sẽ, gọn gàng từ nơi ăn chốn ở. Nhà nào cũng có cồng chiêng, "nồi ba, nồi bảy" bằng đồng từ thời cha ông để lại. Những chiếc nồi đồng quý giá ấy chỉ dùng để nấu cám heo, nhưng bất cứ ai trả bao nhiêu dân làng cũng không bán. "Đó là của để dành, không thể bán được" - già Đinh Văn Què quả quyết.

Người dân thôn Gò Da còn là những người rất biết "lo xa". Chúng tôi giật mình khi đến thăm gia đình cụ bà Đinh Thị Khó bởi trước cửa nhà có hai cỗ quan tài bằng gỗ… chuẩn bị cho hậu sự của hai vợ chồng đơn chiếc này. Cụ Khó bảo rằng: "Mình phải chuẩn bị cho ngày mình bỏ núi rừng đi xa chứ. Lo trước như thế, dân làng đỡ phải lo". Cái lý của cụ Khó đã làm cho bao dân làng học theo. Hầu hết người già ở đây đều được con cháu ý thức lo sẵn về cái ngày họ sẽ rời bỏ làng đi mãi không về. Nhưng sự chuẩn bị ấy là lẽ rất tự nhiên, như cây mọc trên núi, cá bơi dưới sông vậy!

Ông Đinh Văn Dớ - già làng cũng là Trưởng ban mặt trận thôn Gò Da nói với chúng tôi rằng: "Cái quý nhất của làng là 30 đứa trẻ con đang theo học tiểu học và THCS ở dưới tận trung tâm xã. Chúng nó là niềm hy vọng đổi đời của làng mình, là của cải mà dân làng dành dụm bằng bao mồ hôi, công sức đấy".  

Miệt mài trở về nhà sau một tuần “nội trú” tại trường.
Miệt mài trở về nhà sau một tuần “nội trú” tại trường.


Cả 38 hộ dân thôn Gò Da đều tha thiết muốn bám trụ giữ làng, nhưng họ lại mong con cái họ sau này giữ làng nhưng không còn phải làm nhà nơi non cao này nữa. Vì thế, huyện Sơn Hà đã xây dựng một khu tái định cư Măng Bô - cùng địa bàn xã Sơn Ba nhưng gần hơn nửa đường để di dời dân thôn Gò Da xuống núi. Họ đều đồng lòng, nhưng đám thanh niên trai tráng vẫn ở lại để làm rẫy, giữ rừng; chỉ có người già và bọn trẻ con xuống núi. Cả thôn hiện đang trông giữ 120 ha rừng già. Rừng là nơi cho họ sản vật, nên ai cũng coi đó là tài sản quý, không có "lâm tặc" nào có thể chặt phá được. Nhà nào muốn lấy gỗ dựng nhà, phải được đám đàn ông cùng quyết. Ý thức ấy khiến rừng ở Gò Da ngày một ngút ngàn.

Ở ngay bên khuôn viên những ngôi nhà sàn mái ngói, người Hrê Gò Da trồng rất nhiều cây gỗ xưa. "Mình phát động cả làng cùng trồng gỗ quý, để giữ đất, tạo của cải cho con cháu" - Bí thư Chi bộ thôn Gò Da Đinh Văn Vôi cho biết. Việc trồng cây gỗ xưa được 9 đảng viên trong chi bộ làm trước để dân làng làm theo. Không chỉ thế mà bất cứ phong trào nào, các đảng viên này cũng tiên phong đi trước. Người dân trong thôn vì thế mà tin vào Đảng, vào Bác Hồ, vào cách mạng như sắt đá.

Hai ngày về với đồng bào Hrê thôn Gò Da thật ngắn, nhưng trong lòng chúng tôi đã kịp ghi lại bao ấn tượng không quên về tình đoàn kết, tấm lòng với cách mạng ở nơi đây.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.