Nuôi yến theo mô hình công nghiệp

03:03, 12/03/2012
.

(QNĐT)- Những năm gần đây, nghề nuôi yến trong nhà đã trở nên rất phổ biến tại Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hiếm có người nào thu được kết quả ban đầu từ nghề này một cách thuận lợi như ông Huỳnh Kim Lập, ở phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi. Chỉ sau 1 năm đầu tư nuôi chim yến, ông Lập đã được yến “trả công” với những tổ yến đầu tiên.
 
Chúng tôi tìm về trang trại của ông Lập ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức để “mục sở thị” mô hình nuôi yến công nghiệp. Tại đây, ông Lập đã mạnh dạn đầu tư 2 ngôi nhà có diện tích khoảng 300m2 cho việc nuôi yến.
 
Ông Lập cho biết: Trong quá trình nuôi tôm tại xã Đức Minh, ông phát hiện có khá nhiều chim yến bay lượn kiếm ăn xung quanh. Xét thấy đây là cơ hội kiếm thêm thu nhập từ chim yến nên ông đã tiến hành dẫn dụ yến vào nhà từ năm 2010.

 

Những con chim yến đang làm tổ trong ngôi nhà được áp dụng công nghệ ngoại nhập của ông Lập
Có khoảng 300 chim yến đang làm tổ trong ngôi nhà được áp dụng theo công nghệ nước ngoài của ông Lập
 
 
“Tôi không phải là người đi đầu trong nghề này. Trước tôi, ở Quảng Ngãi có không dưới 100 hộ gia đình đầu tư dẫn dụ yến vào nhà. Cũng không ít người thất bại khi đổ tiền tỷ vào việc xây dựng nhà dụ yến, nhưng chỉ dụ được vài con yến, hoặc chẳng có con nào vào nhà làm tổ”- Ông Lập khẳng định.
 
Từ thực tế đó, ông Lập không trông chờ vào sự may rủi khi quyết định đầu tư cho chim yến như hầu hết người dân vẫn thường làm. Theo cách rất khác, ông đã kỳ công nghiên cứu kỹ thuật nuôi yến trên khắp thế giới và mạnh dạn áp dụng công nghệ nuôi yến của Malaysia.
 
Nói về lí do chọn và áp dụng mô hình này, ông Lập cho hay: Qua tìm hiểu và tham quan thực tế, ông nhận thấy mô hình nuôi yến của Malaysia hiệu quả mang lại khá cao, lại phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương.
 
Vì vậy vào khoảng giữa năm 2010, cũng trong khuôn viên trang trại tôm, ông Lập thuê 2 chuyên gia người Malaysia sang thiết kế nhà nuôi và lắp đặt thiết bị ở 2 ngôi nhà. Tổng số tiền đầu tư tính đến thời điểm này là gần 1 tỉ đồng.

 

Những tổ yến đầu tiên ông Lập thu được sau 1 năm đầu tư
Những tổ yến đầu tiên ông Lập thu được sau 1 năm đầu tư
 
Ngoài ra, ông Lập đã nhập toàn bộ gỗ từ nước ngoài, để làm ô trên trần nhà, nhằm chia nơi cho yến làm tổ. Loại gỗ này đã được xử lý theo quy trình nghiêm ngặt nhằm chống ẩm mốc, nấm gây bệnh và tạo môi trường sống thuận lợi nhất cho yến. Hệ thống âm thanh dẫn dụ yến đến thì cứ 6 tháng được thay đổi một lần, để tăng hiệu quả thu hút đối với số chim yến mới đến làm tổ; có hệ thống phun sương tạo ẩm, tạo mùi tự động...
 
Đến nay tổng đàn chim yến tại hai nhà nuôi ước trên 300 con. Riêng ở điểm nhà cũ, chỉ sau 2-3 tháng kể từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã có chim vào ở. Còn ở điểm mới thì tuy ít hơn, thế nhưng so với các nhà nuôi của nhiều người dân thì kết quả tốt hơn nhiều. Bởi lẽ, với cách nuôi thông thường thì nhiều nhà phải đợi 1-2 năm sau mới có yến đến làm tổ, không ít trường hợp yến không đến.
 
Là người đầu tiên áp dụng công nghệ của nước ngoài vào nghề nuôi yến và chỉ sau một năm đầu tư, ông Lập đã bắt đầu thu hoạch tổ yến. Theo tính toán, với kết như hiện tại, khoảng 3-5 năm sau, mỗi năm ông Lập sẽ thu về khoản lợi nhuận trị giá hàng trăm triệu đồng từ con chim yến. Tuy mới chỉ là thử nghiệm bước đầu, nhưng mô hình nuôi yến theo kiểu mới của ông Lập sẽ giúp ích rất nhiều cho những người đi sau.
 
 
Thanh Phương
 

.