Giá gas tăng kỷ lục – Ai kiểm soát?

09:03, 01/03/2012
.

Doanh nghiệp đầu mối thì lấy lý do giá nhập khẩu tăng, còn người tiêu dùng không còn cách nào khác là phải chấp nhận

Sáng 1/3, giá gas bán lẻ tăng đến 52.000 đồng bình 12kg, mức tăng cao nhất từ  trước đến nay, nâng giá bán lẻ lên mức hơn từ 493.000 đồng đến 520.000đồng/ bình/ 12kg tùy loại. Như vậy từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 3 giá gas điều chỉnh tăng. Doanh nghiệp đầu mối thì lấy lý do giá nhập khẩu tăng, còn người tiêu dùng không còn cách nào khác là phải chấp nhận. Trong khi đó, việc kiểm soát và bình ổn giá gas từ phía các cơ quan chức năng xem ra còn rất chậm và nhiều vấn đề còn vướng mắc.
 

Giá gas tăng ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân
Giá gas tăng ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân



Chị Nguyễn Thị Thanh Lý, ở quận Hoàn Kiếm – Hà Nội, trưa nay gọi người đến thay bình gas mới biết, giá gas đã được điều chỉnh tăng bắt đầu từ 7h30 sáng nay (1/3). Chị Lý đã phải trả thêm 52.000 đồng cho 1 bình gas 12kg của Petrolimex. Như vậy, chỉ trong 3 tháng qua, chị đã phải trả thêm hơn 100.000 đồng cho mặt hàng thiết yếu này.

Chị Lý nói: "Tôi thấy là giá gas điều chỉnh cứ tăng, từ Tết đến giờ mới hơn 1 tháng mà tăng nhiều thì rất ảnh hưởng đến chi tiêu trong gia đình. Nhà tôi dùng hơn 1 tháng hết một bình. Nếu tăng thế này thì nó cũng đội các chi phí lên. Tôi nghĩ nhà nước nên có các biện pháp để giá gas không tăng nhiều như thế để đỡ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nói chung".

Theo lý giải của đại diện Chi nhánh Công ty Cổ phần Gas Petrolimex Hà Nội, giá trong nước tăng cao là do giá CP (giá hợp đồng thế giới) tháng 3 tăng 180 USD, đạt 1.205 USD một tấn. Với mức giá này nhân với 5% thuế nhập khẩu và với tỷ giá hiện nay thì mỗi kg gas tăng lên 3.940 đồng trước thuế. Do đó, giá gas bán lẻ trong nước sẽ được điều chỉnh tăng 52.000 đồng/bình 12 kg, lên mức hơn 493.000 đồng/bình. Trong khi đó, hãng Shell Gas công bố giá bán hiện nay là 520.000 đồng/bình 12 kg.

Bà Tô Thị Lý, đại lý Shel Gas ở quận Hai Bà Trưng cho biết, việc giá gas liên tục điều chỉnh tăng khiến người tiêu dùng vừa lo ngại vừa băn khoăn. Giá gas thường xuyên được điều chỉnh, nhưng giảm thì ít mà tăng thì nhiều. Nhiều người chuyển sang sử dụng chất đốt khác do giá gas quá đắt đỏ. Điều này cũng ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ gas: Tôi là đại lý, kinh doanh gas phụ thuộc vào công ty. Giá gas tháng trước đã lên rất cao, người tiêu dùng rất kêu, nhưng tôi không biết phải làm thế nào. Tăng là nhiều giảm không bao nhiêu. Ước tính cụ thể thì không biết nhưng như tháng trước là giảm lượng tiêu thụ từ 20 đến 25%.

So với giá gas cuối năm 2011 thì giá gas hiện nay đã tăng đến 126.000 đồng/bình 12kg, tức là tăng gần 36%. Với khoảng 60% gas phải nhập khẩu, khi giá gas thế giới tăng tác động đến giá gas trong nước là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi: liệu việc kiểm tra, kiểm soát tăng giá của doanh nghiệp đầu mối và bán theo giá niêm yết của các cửa hàng có được thực hiện nghiêm ngặt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng? Chỉ riêng Hà Nội đã có tới khoảng 1.200 điểm kinh doanh gas. Nhưng theo một số đơn vị kinh doanh gas lớn tại Hà Nội, việc kiểm soát giá của doanh nghiệp chỉ có thể đến đại lý cấp 1, còn với đại lý cấp 2, cấp 3 thì không thể kiểm soát hết được.

Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, từ trước và sau Tết, giá gas đã biến động mạnh, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các chi cục quản lý thị trường ở các địa phương kiểm tra và tăng cường xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, còn không ít khó khăn: "Trong quá trình kiểm tra kiểm soát thì còn có khó khăn như việc kiểm tra việc chấp hành pháp lệnh về giá thì quy định hiện nay lại đang cắt khúc. Ví dụ từ lúc đăng ký giá cho đến kê khai giá bán buôn bán lẻ thì quản lý thị trường chỉ làm được vòng sau thôi, còn vi phạm về đăng ký giá thế nào kê khai giá thế nào thì không làm được.  Nên cái này có lẽ cần thay đổi nhất định. Thứ hai là giá đến cửa hàng bán lẻ vi phạm thì quản lý thị trường không được xử phạt. Nên còn có những khó khăn nhất định. Cái này chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để xử lý vấn đề này".

Bên cạnh việc kiểm soát giá, người tiêu dùng cũng mong muốn cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp để bình ổn giá gas, bởi gas là chất đốt mà hầu hết người dân sử dụng và mặt hàng này chiếm một khoản chi tiêu không nhỏ trong chi phí tiêu dùng của người dân. Từ những đợt điều chỉnh tăng giá trước, Hiệp hội gas đã kiến nghị giảm thuế nhập khẩu để có thể điều chỉnh giá gas trong nước, giảm gánh nặng cho người tiêu dùng, song đến nay đề xuất này vẫn chưa được phê duyệt./.

 

Theo VOV


.