Hồi sinh từ những vùng đất mới

03:02, 27/02/2012
.

(QNg)- Do điều kiện tự nhiên, việc phân bố cư dân trên địa bàn huyện Sơn Hà chưa được tập trung. Bên cạnh đó, do phong tục ngàn đời để lại, nhiều hộ gia đình người Hrê đã định cư giữa lưng chừng dốc núi hoặc bên cạnh các mé sông. Thời gian trôi qua, những tác động của môi trường cũng như thời tiết đã làm cho nhiều gia đình phải thấp thỏm lo âu với nguy cơ sạt lở bờ sông hoặc đối mặt với nguy cơ lở núi.

TIN LIÊN QUAN


Để ổn định cuộc sống của những hộ dân ở những vùng đất khó khăn này, huyện Sơn Hà đã triển khai phương án dời dân, giúp họ có định cư ở nơi ở mới. Từ bỏ những làng quê gắn bó bao đời, đi đến vùng đất mới. Cho dù nhiều nơi không xa làng cũ bao nhiêu, nhưng đối với các hộ gia đình người địa phương thì ai cũng có sự lưu luyến. Về nơi ở mới, bà con có cảm giác bình yên, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

    Khu tái định cư Mò O, xã Sơn Ba (Sơn Hà).                                Ảnh: P.V
Khu tái định cư Mò O, xã Sơn Ba (Sơn Hà). Ảnh: P.V



Chúng tôi về lại Kà Long (thôn Gò Rin, xã Sơn Thành), nơi đây vào đêm 16/11/2010 đã xảy ra vụ lở núi kinh hoàng làm một người chết và 3 người bị thương. Điểm lở núi bây giờ cỏ đã lên xanh. Nhưng trong ký ức của bà con người địa phương ở đây thì vẫn chưa nguôi ngoai sự sợ hãi. Để đảm bảo tính mạng cho người dân Kà Long, huyện Sơn Hà đã quy hoạch vùng tái định cư, tạo điều kiện tốt nhất để người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở núi làm nhà ổn định cuộc sống. Cùng với việc hỗ trợ của Báo Thanh niên và các cấp, các ngành, 11 hộ gia đình nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở núi đã được hỗ trợ xây dựng nhà kiên cố.

Ông Đinh Văn Đoàn (67 tuổi), người có nhà sát núi Kà Long, trong đêm lở núi, đất đá tung toé đã làm ngôi nhà của ông bị hư hỏng, may mà không tổn thất về người,  gia đình ông chuyển tới vùng đất mới đến nay đã được 2 năm. Ông Đoàn cho hay: "Nhà nước quan tâm lo lắng cho dân, dân rất mừng, ở đây không còn lo sợ gì cả, chỉ tập trung lao động sản xuất để làm giàu".

Còn ở khu vực Mò O (xã Sơn Ba), khu giãn dân lập vườn kinh tế mới đã định hình 60 hộ gia đình về định cư ở đây đều có những năm tháng phải sống thấp thỏm lo âu khi làng cũ cạnh chân núi Vòng Mò O, mỗi khi mưa lớn nhìn những tảng đất sạt từng phần lòng dạ cứ bồn chồn vì không biết núi sẽ đổ ập lúc nào. Dù nơi ở cũ thuận lợi hơn trong việc mưu sinh, nhưng sống mà cứ thấp thỏm lo âu thì chuyển sang vùng đất khác là điều mà họ hằng mong đợi. Thế nên khi có chủ trương chuyển dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở núi, các hộ gia đình ở đây đã quyết tâm ra đi. Bây giờ thì khu tái định cư Mò O đã được thành lập, 60 hộ gia đình trong vùng núi lở đã chuyển nhà về đây, cuộc sống ban đầu ở vùng đất mới tuy vẫn còn khó khăn, nhưng gia đình nào cũng tỏ vẻ hài lòng.

Già làng Đinh Văn Luộc đã bước qua cái tuổi 70 cho tôi hay trong niềm phấn khởi: "Về nơi ở mới, được Nhà nước hỗ trợ ban đầu 2 triệu đồng, được cấp cây trồng, vật nuôi nên ai cũng vui mừng. Gia đình của bác cả con, cháu gồm 7 khẩu đều thống nhất đến đây lập nghiệp, ở đây mưa lũ không còn phải sợ nứt núi, an tâm làm ăn thì nhất định sẽ giàu".

Để giúp nhân dân ở vùng có nguy cơ bị sạt lở bờ sông, bờ suối hoặc phải đối mặt với nguy cơ bị lở núi, 10 năm trở lại đây từ nhiều nguồn kinh phí của Trung ương và tỉnh cũng như ngân sách huyện, huyện Sơn Hà đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để di dời trên 400 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ  sạt lở núi, xói lở bờ sông ở  các xã Sơn Hạ, Sơn Bao, Sơn Cao và Sơn Ba. Trước khi đưa dân đến nơi ở mới, huyện đã tạo điều kiện cấp đất sản xuất, làm đường giao thông nội vùng, xây dựng trạm biến áp đưa điện về thắp sáng cho hộ gia đình, hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi giúp người dân ổn định sản xuất.  

Dạo qua một vòng các khu tái định cư, gặp gỡ trao đổi với các hộ dân mới thấy hết niềm vui của từng hộ gia đình. Mặc dù, về nơi ở mới cuộc sống của họ vẫn còn khó khăn chồng chất, phần lớn các hộ gia đình này nằm trong diện nghèo hoặc chỉ mới thoát nghèo, nhu cầu về nguồn vốn cần để đầu tư phát triển sản xuất là rất lớn. Nhiều người mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế, để họ có điều kiện thoát nghèo bền vững.


    Nguyễn Đức Toàn
 


.