Những doanh nhân "vượt sóng" giỏi

06:10, 09/10/2011
.

(QNg)- Nếu như nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thì dưới sự lèo lái của những doanh nhân giỏi, doanh nghiệp vẫn vượt qua "cơn sóng dữ" để sẵn sàng ra biển lớn. 

Đó là hai doanh nhân: Huỳnh Kim Lập-Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Tân và Ngô Văn Tụ-Giám đốc Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy). Dù ngày Doanh nhân Việt Nam đang cận kề (13/10)- ngày mà cộng đồng doanh nghiệp gặp nhau để "ôn cố, tri tân" thì họ vẫn bộn bề công việc cho những kế hoạch đầu tư, phát triển kinh doanh.

THIÊN TÂN-THƯƠNG HIỆU VIỆT UY TÍN 2011:

Tôi gặp anh Huỳnh Kim Lập-Giám đốc Công ty CP ĐT& XDThiên Tân khi anh vừa trở về từ Kon Tum để lo các khâu cuối cùng cho việc khởi công Nhà máy thủy điện Đắk Re vào cuối năm nay. Đây là công trình thủy điện thứ hai được Thiên Tân đầu tư, nhưng nó lớn hơn nhiều so với thủy điện Hà Nang ở Trà Bồng. Nằm ở địa phận hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, thủy điện Đắc Re được thiết kế có công suất 60 MW, với tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Anh Lập chia sẻ: Dự án coi như đã hoàn tất và chỉ chờ ngày khởi công.
 
Thủy điện Hà Nang do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Tân đầu tư đã được đưa vào khai thác.
Thủy điện Hà Nang do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Tân đầu tư đã được đưa vào khai thác.

Đây là công trình mà chúng tôi hy vọng sẽ mang lại cách làm mới về thủy điện, bởi những tính toán nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động về môi trường, nhất là không ảnh hưởng đến dân sinh trong khu vực dự án (không phải lo tái định cư, tái định canh). Đầu tư vào những dự án mà thâm niên khai thác kéo dài, nên chất lượng công trình, hiệu quả của dự án luôn được Thiên Tân quan tâm hàng đầu, bởi điều này mang tính sống còn với sự phát triển của Công ty.

Cùng với chiến lược đầu tư mới, năm 2011 được xem là năm Thiên Tân bắt đầu hái quả. Thủy điện Hà Nang đi vào hoạt động từ đầu năm nay dù chưa phát hết công suất (mới đạt khoảng 90%), nhưng doanh thu mỗi tháng cũng đạt gần 6 tỷ đồng. Đối với dự án Đường tránh đông Đức Phổ, công trình đã cơ bản hoàn thành và nếu thời tiết thuận lợi thì vào cuối tháng 10, công trình sẽ khánh thành, đưa vào khai thác thu phí. Theo tính toán sơ bộ, nguồn thu từ công trình này mỗi tháng mang lại cho công ty từ 7-8 tỷ đồng.

Anh Lập cho biết: Năm nay là năm mà các doanh nghiệp chịu tác động rất lớn do chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất vay còn ở mức cao... song nếu không đủ lực vượt qua được, thì khó khăn sẽ càng thêm khó. Thiên Tân vượt qua được là bởi chúng tôi luôn chuẩn bị tình huống xấu nhất có thể xảy ra để có những bước đi thích hợp trong chiến lược đầu tư, phát triển của mình.

Với những bước đi vững vàng, trong năm nay Thiên Tân đã được bình chọn là Thương hiệu Việt uy tín 2011 và Giải thưởng chất lượng Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Đối với doanh nhân Huỳnh Kim Lập, anh vinh dự được trao danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc và Huân chương Lao động hạng Ba.

NGƯỜI TRUYỀN ĐAM MÊ KINH DOANH CHO CỘNG SỰ

Được coi là một CEO (giám đốc điều hành) có tiếng, nhưng ông Ngô Văn Tụ-Giám đốc Nhà máy sữa Đậu nành Việt Nam (Vinasoy) lại khá kín... tiếng. Vị CEO này thuộc vào diện "nói ít làm nhiều". Và sự thành công của anh được đo bằng những con số phát triển vượt bậc của doanh nghiệp. Một điều chẳng lạ khi mới đây Nhà máy tăng công suất từ 60 triệu lít/năm lên 120 triệu lít/năm. Trong bối cảnh nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước chật vật tìm chỗ đứng, thì sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành của Vinasoy vẫn cứ tăng vọt. Tính đến hết tháng 8, Vinasoy đã tiêu thụ được trên 54 triệu lít sữa, tăng 178% so với cùng kỳ. Dự kiến đến hết năm nay, sản lượng của Nhà máy sẽ đạt khoảng 88 triệu lít. 
 
Sản phẩm sữa đậu nành Vinasoy vẫn tiêu thụ mạnh trên thị trường.
Sản phẩm sữa đậu nành Vinasoy vẫn tiêu thụ mạnh trên thị trường.

Với bước phát triển đột biến nhưng cũng rất vững chắc, doanh nhân Ngô Văn Tụ đã thuyết phục được lãnh đạo công ty mẹ (Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi) thực hiện kế hoạch đầu tư Dự án Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy Tiên Sơn-Bắc Ninh. Dự án này còn lớn hơn nhiều so với Nhà máy hiện hữu vừa được khởi công, có tổng vốn đầu tư trên 753 tỷ đồng, tổng công suất 180 triệu lít (trong đó giai đoạn 1 là 90 triệu lít/năm). Trao đổi với chúng tôi về cách điều hành, lèo lái con tàu doanh nghiệp vượt sóng để ra biển lớn, ông Ngô Văn Tụ chỉ khiêm nhường bảo, cái quan trọng là điều hành guồng máy nhân lực của doanh nghiệp vận hành trơn tru. Mình quy tụ, kết nối đội ngũ lao động thành một khối và truyền lửa cho họ, để cùng mình thực hiện niềm đam mê kinh doanh.      

Bài, ảnh: HT

.