Vì sao giá xăng dầu khó giảm?

08:08, 11/08/2011
.

Hầu hết người tiêu dùng hiện có ý kiến cho rằng: Khi giá xăng dầu thế giới lên, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý đề xuất tăng giá ngay, nhưng khi xăng dầu thế giới giảm, lại viện hết lý do này đến lý do khác đề trì hoãn việc giảm giá.
 
Ý kiến này càng có lý hơn trong bối cảnh giá dầu thô trên thế giới mấy ngày gần đây đã giảm mạnh. Tuy nhiên, cả Bộ Tài chính và đầu mối nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu lớn nhất hiện nay là Ptrolimex đều cho rằng, chưa thể xem xét giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước do giá dầu thô tuy có giảm, nhưng giá xăng dầu thành phẩm hiện vẫn ở mức cao.         

 
Giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm mạnh trong các phiên giao dịch đầu tuần này và hiện chốt ở mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Cụ thể, dầu thô hợp đồng giao tháng 9/2011 giảm xuống còn 81,31 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Những thông tin này đã khiến nhiều người kỳ vọng về khả năng sẽ có sự điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước.  

Anh Lê Công Tuấn, một người dân phát biểu: “Quan điểm tôi thị trường lên thì lên, thị trường xuống thì xuống. Vừa rồi tôi theo dõi thấy giá vẫn giữ nguyên, đến khi nào Tổng công ty xăng dầu họ bảo phải có lãi, thì họ mới giảm…”

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm chưa có cơ hội để thực hiện giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Lý do là doanh nghiệp đầu mối Việt Nam nhập xăng dầu thành phẩm chứ không nhập dầu thô, mà giá xăng thành phẩm hiện vẫn đứng ở mức 123 USD/thùng. So với mức giá bình quân của tháng 6 là hơn 117 USD/thùng, thì mức chênh lệch này vẫn cao.

Theo Bộ Tài chính, nếu xác định giá bán xăng dầu trong nước theo quy định tại Nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, thì giá cơ sở đang ở mức 21.953 đồng/lít, vẫn cao hơn giá bán hiện hành của doanh nghiệp là hơn 650 đồng/lít.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): “Nên tính theo quy định của Nghị định 84 là tính 30 ngày dự trữ lưu thông thì giá dầu thô cũng vẫn ở mức cao, tức là vào khoảng 95,6 USD/thùng, và giá xăng vào khoảng 123 USD/thùng, và giá dầu diesel vào khoảng 121 USD/thùng. Như vậy, mức đó cộng với các chi phí trong nước và các khoản doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình, thì ra giá cơ sở vẫn cao hơn giá hiện hành 500 đến 600 đồng/lít. Cho nên chúng ta chưa có cơ hội để thực hiện giảm giá bán”.

Ông Thỏa cũng cho rằng, biện pháp cơ quan quản lý đang làm là linh hoạt về thuế và sử dụng quỹ bình ổn. Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nếu xét thuần túy về nguồn thu ngân sách nhà nước thì biện pháp này là hợp lý. Nhưng nếu xét về mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát và điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường, thì quyết định như vậy là chưa thỏa đáng.

TS.Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế: “Cơ cấu giá cần chú ý lợi ích của DN, Nhà nước và người tiêu dùng, đúng xu hướng giá có lên có xuống theo thị trường, có 1 khoản trích lập ngân sách, có lợi nhuận cho DN và đặc biệt là có tính đến lợi ích của người tiêu dùng theo nghĩa giá lên có lên, giá xuống có xuống, tránh thế giới lên thì trong nước lên rất nhanh, thế giới xuống thì trong nước đứng im và 1 loạt các biện minh khó thuyết phục người tiêu dùng”.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi giá xăng dầu nhập khẩu giảm thì giảm giá xăng dầu bán lẻ phải là sự lựa chọn đầu tiên. Lý do là trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát phải được ưu tiên hàng đầu. Khi giá xăng dầu giảm sẽ kéo giá cả hàng hóa đi xuống, qua đó hỗ trợ rất lớn cho đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Và nếu lần này giá bán lẻ  xăng dầu trong nước không giảm, không biết có làm mất đi cơ hội giảm giá thực sự cho người tiêu dùng?
Theo VTV

.