Phát triển hợp tác xã: Cần giải khâu nguồn nhân lực

07:08, 14/08/2011
.

(QNg)- Năng lực và trình độ của cán bộ Hợp tác xã (HTX) là một yếu tố rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của HTX trong nền kinh tế thị trường hiện nay, đặc biệt trước những thách thức và sự cạnh tranh của các thành phần kinh tế khác. Thế nhưng đây vẫn là khâu yếu của Quảng Ngãi.

LAO ĐỘNG CHƯA QUA ĐÀO TẠO + SƠ CẤP = 67%

Ở Quảng Ngãi phong trào hợp tác hóa đến nay đã có hơn 30 năm. Trong những năm đầu tiên HTX đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong tái thiết nền kinh tế của tỉnh sau chiến tranh. Từ khi đổi mới đến nay, phong trào HTX Quảng Ngãi phát triển theo các nấc thang khác nhau, sự thăng trầm của các HTX nông nghiệp chịu sự tác động chi phối chung của cả nước. Để tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò của HTX trong giai đoạn hiện nay, vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là một trong những nhân tố quyết định đối với quá trình phát triển kinh tế tập thể và HTX.
 
Đóng mới tàu thuyền tại Hợp tác xã Viễn Đông Sa Huỳnh (Đức Phổ).
Đóng mới tàu thuyền tại Hợp tác xã Viễn Đông Sa Huỳnh (Đức Phổ).

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tập thể, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX đã được đề cập trong các Nghị quyết của Đảng ngay sau khi Luật HTX năm 1996 ra đời. Tuy nhiên phải chờ đến năm 2003 Đề án đầu tiên về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX mới được ban hành, triển khai theo Công văn số 387/CP-NN ngày 04/4/2003 của Chính phủ và Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Đến năm 2005 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX. Rõ ràng do các văn bản triển khai chính sách được ban hành chậm, nên số lượng cán bộ HTX được đào tạo vẫn còn hạn chế, trình độ cán bộ HTX còn rất thấp.

Theo kết quả điều tra đến cuối năm 2010, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 270 HTX. Qua khảo sát ở các HTX này thì trình độ học vấn của đội ngũ những người làm HTX khá thấp (có đến 56% chủ nhiệm trình độ THCS trở xuống). Xét về trình độ chuyên môn thì 30% cán bộ HTX chưa qua đào tạo; trình độ sơ cấp chiếm 37%; còn trình độ cao đẳng, đại học chỉ có 5%. Ở các bộ phận khác  như Phó Chủ nhiệm HTX, Ủy viên Ban quản trị HTX, Trưởng Ban Kiểm soát và kế toán trưởng trình độ cũng chẳng khá hơn là bao.

CÒN ĐÓ NHỮNG BẤT CẬP:

Có thể nói trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng tập trung chủ yếu ở đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX. Trong khi đó lực lượng lao động tại các HTX chủ yếu vẫn do HTX đào tạo theo hình thức truyền nghề, công tác tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng thiếu tính chuyên nghiệp, nên chất lượng đào tạo chưa cao. Do vậy việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX ở tỉnh ta cần đổi mới một cách toàn diện.

Thực tế kinh phí hỗ trợ cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX hiện còn rất thấp, nguồn kinh phí chủ yếu được hỗ trợ từ Trung ương, một phần kinh phí lấy từ ngân sách của địa phương, trong khi đa số các HTX chưa có điều kiện tự đầu tư kinh phí cho cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Rõ ràng do kinh phí còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn kinh phí của Nhà nước, phần lớn kinh phí được giao về Liên minh các HTX để thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong khi đó Liên minh HTX tỉnh lại hoạt động hành chính, được Nhà nước bao cấp, không có đội ngũ báo cáo viên, tập huấn viên chuyên nghiệp, thiếu giáo trình, hội trường, phòng học, dẫn đến hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước trong đào tạo còn rất thấp.
 
Hiện nay Liên minh HTX Việt Nam mới ban hành bộ giáo trình đào tạo các chức danh chủ chốt của HTX. Do vậy đối tượng tham gia đào tạo, bồi dưỡng của các HTX chủ yếu là thành viên trong Ban quản trị, Ban chủ nhiệm, Ban Kiểm soát và Kế toán trưởng. Cán bộ nghiệp vụ, các xã viên làm công tác chuyên môn nghiệp vụ của HTX phần lớn chưa tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng.

Một bất cập nữa là theo khoản 4, Điều 4, Nghị định số 88/2005/NĐ-CP quy định cán bộ HTX được hưởng chế độ hỗ trợ không quá 40 tuổi. Trong khi đó cán bộ quản lý HTX ở tỉnh ta có độ tuổi từ 40 tuổi trở lên chiếm khoảng 94%, nên đa phần cán bộ quản lý HTX không đủ điều kiện tham gia đào tạo ngắn hạn và dài hạn, dẫn đến hệ quả không thể nâng cao trình độ của đối tượng này. Không những thế các khóa đào tạo, tập huấn mới chỉ dừng lại ở việc đáp ứng chỉ tiêu theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đặt ra, mà chưa thấy được tính hiệu quả thực sự của nó.
 
Những kiến thức đưa vào bồi dưỡng, tập huấn còn mang nặng tính lý thuyết, thiếu trải nghiệm thực tế; nội dung đào tạo chưa sát với nhu cầu của đối tượng tham gia tập huấn. Cơ sở đào tạo vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến thiếu chủ động trong việc triển khai thực hiện chương trình kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX. Có thể nói việc quy hoạch, đầu tư cho công tác đào tạo chưa được quan tâm tương xứng với yêu cầu phát triển của khu vực kinh tế HTX.

ƯU TIÊN KHÂU ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ

 Xuất phát từ chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh, tỉnh cần sớm đánh giá nguồn nhân lực hiện có, để xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng trình độ, năng lực cho cán bộ HTX trong những năm đến. Trước mắt tỉnh cần rà soát, nắm chắc trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ HTX để hoàn thiện công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, gắn chiến lược phát triển KT-XH với chiến lược phát triển nguồn nhân lực, để xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm và 5 năm.
 
Trên cơ sở xác định đúng nhu cầu nguồn nhân lực cần đào tạo và đối tượng đào tạo, cụ thể là tập trung công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu đào tạo (đào tạo cái gì, lĩnh vực, kiến thức, kỹ năng gì cần phải đào tạo...) để xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp, theo hướng ưu tiên xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho những cán bộ làm công tác chuyên môn, kiến thức về pháp luật, những kiến thức hội nhập, xây dựng chiến lược kinh doanh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Đây là khâu quan trọng, giúp khắc phục được tình trạng các bộ phận chuyên môn vừa thừa, vừa thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Việc đào tạo nên mở rộng theo nhu cầu đào tạo thực tế của HTX, không nên giới hạn về độ tuổi và chức danh như quy định của pháp luật hiện hành.

Một yếu tố không kém phần quan trọng là, phải sử dụng có hiệu quả kinh phí đào tạo. Nguồn kinh phí Nhà nước và địa phương dành cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX rõ ràng được ưu tiên hơn rất nhiều so với các thành phần kinh tế khác, do vậy cần coi trọng công tác quản lý tài chính và phân bổ kinh phí đào tạo một cách hợp lý.

Tuy nhiên do Nhà nước và địa phương chỉ tham gia hỗ trợ một phần kinh phí vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực các HTX, chứ không mang tính bao cấp hoàn toàn, nên các HTX cần lập quỹ đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ của mình; các HTX còn tăng cường công tác đánh giá kết quả đào tạo. Ngoài việc đánh giá mức độ tiếp thu các kỹ năng kiến thức của các học viên, các HTX, cơ quan chức năng cần đánh giá việc áp dụng kiến thức được đào tạo vào thực tế công việc, mức độ ảnh hưởng sau khi đào tạo đến hiệu quả làm việc của từng cán bộ nhân viên HTX.

Hoàng Hà-Đình Dũng

.