Doanh nghiệp vượt khủng hoảng

02:07, 04/07/2011
.

(QNĐT)- Trong khi chờ đợi sự phục hồi của nền kinh tế, thì nhiều doanh nghiệp đầu tư tại khu kinh tế Dung Quất đã chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa trong sản xuất, thể hiện được sự năng động của mình, phát huy vai trò là khu kinh tế trọng điểm miền Trung.

Do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế, từ cuối năm 2010 đến nay, việc thu hút dự án và triển khai công trình ở Khu kinh tế Dung Quất theo chiều hướng chậm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các nhà máy chuyên sản xuất, cung ứng các thiết bị, vật liệu công nghiệp cho các công trình, dự án khu kinh tế này.
 
v
Dây chuyển sản xuất trụ bêtông.

Để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp ở đây đã mở rộng thị trường, chủ yếu là khu vực phía Bắc miền Trung. Hiện nay hơn 60 % sản lượng công nghiệp sản xuất tại KKT Dung Quất cung cấp thị trường các tỉnh này.

Là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm cấu kiện thép cho các công trình xây dựng ở Khu kinh tế Dung Quất, trung bình mỗi ngày, Nhà máy thép Đại Dũng cho ra khoảng 17 đến 20 tấn sản phẩm. Nếu như những năm trước, hầu hết các sản phẩm đều cung ứng cho thị trường tại chỗ là các dự án ở Dung Quất, thì hiện nay, 80% sản phẩm đơn vị này chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Đà Nẵng,  Quảng Trị, Nghệ An.

Ông Phan Văn Tùng – Phó Giám đốc Nhà máy thép Đại Dũng, đánh giá: “Bước sang năm 2011 thị trường Dung Quất hầu như bị co lại, đầu ra sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Nếu tính các công trình hiện nay đơn vị đang cung cấp sản phẩm thì chỉ có 2 công trình, chiếm 20% sản lượng sản phẩm. Để đảm bảo tồn tại cho doanh nghiệp buộc chúng tôi phải mở rộng thị trường, mình tự cứu mình trước. Mình phải tự tìm thị trường để giữ vững kế hoạch sản xuất. 

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, tại khu kinh tế Dung Quất đã có 7 dự án ngừng hoạt động, 20 dự án hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp.

Bên cạnh đó, sức ép của lãi suất ngân hàng, nguyên liệu đầu vào tăng cao tạo áp lực cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đối diện nhiều khó khăn, và trong khi chờ đợi Khu kinh tế Dung Quất phục hồi, hầu hết các nhà máy liên kết tìm kiếm thị trường bên ngoài. Từ cuối năm 2010 đến nay, 60% sản phẩm như cấu kiện thép, cơ khí, bê tông sản xuất tại Dung Quất tiêu thụ thị trường các tỉnh miền Trung. Đây là giải pháp tối ưu được nhiều đơn vị lựa chọn để duy trì hoạt động sản xuất của mình.

Ông Vương Minh Sơn – Phó Giám đốc Nhà máy xây lắp dầu khí, cho biết: “Trong tình hình hiện nay, buộc chúng tôi phải xoay sở, tìm thị trường, dự án các tỉnh ngoài.  Dĩ nhiên khi tìm các thị trường xa thì chi phí vận chuyển, sản xuất sẽ tăng cao, do đó doanh thu và lợi nhuận sẽ thấp, không bằng những năm trước nhưng phải làm để duy trì hoạt động của đơn vị, và quan trọng hơn là đảm bảo việc làm, đời sống cho CBCNV trong lúc khó khăn này”.

    Quang Minh

.