Quảng Ngãi: Đau đầu bài toán phát triển vùng nguyên liệu mía

03:06, 14/06/2011
.

(QNg)- Tuy là cây truyền thống nhưng hiện nay, cây mía đã bị các cây nguyên liệu keo, mì và một số cây trồng khác "lấn sân". Để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Đường Phổ Phong, Quảng Ngãi cần tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp  khôi phục vùng nguyên liệu mía. 

Vụ thu hoạch chế biến mía đường năm 2010 -2011, Nhà máy Đường Phổ Phong "no" nguyên liệu. Mía chín giăng khắp đồng, Nhà máy vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người trồng mía. Bởi từ 2 nhà máy đường trong tỉnh nay chỉ còn một nhà máy đường (với công suất 2.000 tấn mía cây/ngày) nên khi mía chín rộ, ép không kịp dẫn đến “mía thừa” trong vụ mùa qua.
 
Tuy vậy một điều khách quan là những năm gần đây đã thực hiện áp dụng tiến bộ  kỹ thuật trong việc phát triển nguyên liệu mía ở một số vùng, nên đã tăng năng suất sản lượng mía.
 
Thu hoạch mía bằng phương tiện cơ giới hóa.        Ảnh: MH
Thu hoạch mía bằng phương tiện cơ giới hóa. Ảnh: MH

Tại cánh đồng mía Năm Dây xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), từ diện tích trồng mía là hơn 10 ha được đầu tư áp dụng cơ giới hóa vào đồng mía, sau khi thu hoạch năng suất mía bình quân đạt hơn 64tấn/ha (tăng so với đối chứng hơn 20 tấn/ha, đạt chữ đường 10,86CCS). Cánh đồng Miếu xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) có năng suất mía bình quân đạt 95tấn/ha, năng suất vượt so với đối chứng là 31 tấn/ha, chữ đường 10,5%.  Cũng do việc xây dựng vùng nguyên liệu mía, những năm gần đây giá mía tăng nên diện tích trồng mía trong tỉnh ngày càng mở rộng.

Năm 2008 toàn tỉnh có diện tích tăng lên 455 ha, năm 2009 lên 714 ha, năm 2010 tăng 400 ha. Ngoài ra trên 300 ha vùng đất gò đồi ở huyện Ba Tơ đã hình thành vùng nguyên liệu mía. Hiện nay diện tích mía trồng mới và lưu gốc trên toàn tỉnh ước khoảng 5.300 ha, năng suất đạt 53 tấn/ha, sản lượng khoảng 280.000 tấn. Trong khi đó công suất chế biến của Nhà máy Đường Phổ Phong là 2.000 tấn/ngày, nhu cầu nguyên liệu khoảng 230.000 tấn mía cây. Như vậy đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.

Thực tế cho thấy từ năm 2001- 2007, diện tích mía toàn tỉnh không ổn định. Nguyên nhân là do giá mía giảm và có sự cạnh tranh của một số loại cây trồng có giá trị cao hơn cây mía nên nhiều diện tích trồng mía trước đây đã chuyển sang trồng cây mì, keo... dưa hấu. Kỹ thuật canh tác, đầu tư thâm canh, chăm bón, đặc biệt là khâu tưới nước chưa được chú trọng, thiếu ưu tiên. Hầu hết đất trồng mía là đồi gò, bạc màu thiếu dinh dưỡng, khô cằn, đa số diện tích không có nguồn nước tưới mức đầu tư thấp so với yêu cầu thâm canh, nên người trồng mía tính không có lãi, thậm chí lỗ vốn. Vì vậy diện tích mía tụt dốc.

Nếu niên vụ 2002-2003 diện tích mía trong tỉnh là 9.384 ha, thì đến niên vụ 2005 - 2006 giảm xuống còn 7.035 ha (65,5% diện tích kế hoạch). Do vậy sản lượng mía cũng giảm dần từ 468.956 tấn mía cây (năm 2002 -2003) thì năm 2005 -2006 giảm xuống còn 351.750 tấn (60,9% kế hoạch), đáp ứng 65% công suất chế biến của các Nhà máy đường trong tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội  Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về phát triển vùng nguyên liệu mía, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3022/QĐ-UBND về việc khuyến khích đối với HTX chuyên canh mía kết hợp chăn nuôi giai đoạn 2006-2010 và ban hành Quyết định số 38/2007/QĐ-UBND, để triển khai thực hiện ra toàn vùng quy hoạch mía...
 
Theo đó những hộ tham gia trồng mía được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và thủy lợi; hỗ trợ 50% chi phí đất khai hoang cho 1 ha, 100% giống mía mới; hỗ trợ 2 triệu đồng/ha chi phí làm đất dồn điền đổi thửa; hỗ trợ 100% giống mía mới để trồng mía trở lại; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải nộp lệ phí; hỗ trợ 100% giống mía cho diện tích chuyển đổi cây trồng khác sang trồng mía...

Sau khi triển khai Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đã điều động và đầu tư thêm máy móc, thiết bị để hỗ trợ cho chương trình cơ giới hóa gồm: 74 chiếc máy kéo MTZ; 30 dàn cày không lật; 30 dàn cày 3 chảo; 30 dàn cày 7 chảo; 16 dàn rạch hàng và nhiều loại máy làm cỏ, máy phay trục đứng; máy trồng mía, máy phun thuốc cỏ, máy chăm sóc bón phân.
 
Bên cạnh việc áp dụng tiến bộ trong việc làm đất, ở Quảng Ngãi  các giống mía mới như: MEX105, ROC 27, B85 - 764, QĐ93 - 159, K88- 923... được thử nghiệm, có triển vọng nên đã góp phần tăng năng suất và sản lượng mía ở một số vùng. Tuy vậy nếu nhìn trên bình diện toàn tỉnh thì năng suất và sản lượng mía đạt không cao. Hiệu quả kinh tế vẫn thấp hơn nhiều so với một số cây trồng khác. 

 Hiện nay ở Quảng Ngãi chỉ còn Nhà máy Đường Phổ Phong  hoạt động với công suất chế biến 2.000 tấn mía cây/ngày. Song để duy trì Nhà máy đường này cũng cần tiếp tục kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp như hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, áp dụng giống mới và những tiến bộ trong việc làm đất, thì vùng nguyên liệu mới tồn tại và người dân không quay lưng với cây mía vốn là cây xóa đói giảm nghèo trên đất Quảng Ngãi.

 MAI HẠ

.