Phát triển công nghiệp Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025:
Quy hoạch đúng tầm, đẩy nhanh tốc độ phát triển

02:06, 12/06/2011
.

(QNg)- Vừa qua, Hội đồng thẩm định phương án quy hoạch phát triển công nghiệp (CN) của tỉnh đã nghe đơn vị tư vấn báo cáo quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Đây được xem là bước khởi động quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh CN vào năm 2020.

Đến năm 2010, giá trị sản xuất CN của Quảng Ngãi đạt trên 17,7 nghìn tỷ đồng. Hiện tỷ trọng ngành CN chiếm gần 59% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đặc biệt là khu kinh tế Dung Quất đã hình thành các lĩnh vực CN lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo... Với những tiền đề đã có, Hội đồng thẩm định đưa ra quan điểm là phải tạo điều kiện thuận lợi để CN Quảng Ngãi phát triển với tốc độ cao trong thời gian dài, bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
 
Quá trình phát triển phải phù hợp với đặc thù của các ngành CN lọc hóa dầu, luyện kim, chế tạo máy, nhằm mục tiêu đến năm 2020, 2025 Quảng Ngãi trở thành trung tâm CN chế tạo lớn không chỉ của khu vực miền Trung-Tây Nguyên, mà còn là một trong những trung tâm CN lớn của cả nước.
 
Phát triển cụm CN lọc hóa dầu đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH của Quảng Ngãi.
Phát triển cụm CN lọc hóa dầu đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH của Quảng Ngãi.

Hạt nhân của quá trình phát triển là Khu Kinh tế Dung Quất (đang được mở rộng và đầu tư theo chiều sâu). Các ngành CN tại khu kinh tế này phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gia tăng hàm lượng chế tạo, đa dạng hóa các mặt hàng để gia tăng hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững. Bên cạnh hạt nhân KKT Dung Quất, Quảng Ngãi cũng hình thành các vùng kinh tế công nghiệp động lực khác, để tạo sự liên kết giữa vùng nguyên liệu với cơ sở sản xuất. Hiện nay ngoài KKT Dung Quất, tỉnh đã hình thành 3 khu CN và 10 cụm CN-làng nghề, song tại các khu, cụm CN này sự phát triển chưa đều. 

Chính vì thế, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 tập trung phát triển các ngành CN lọc hóa dầu và sau lọc dầu, cơ khí chế tạo, sản xuất kim loại, CN phục vụ cảng, vận tải biển, cùng một số ngành có lợi thế cạnh tranh như CN chế biến nông lâm sản, thực phẩm, đồ uống... Tuy nhiên trong một cuộc hội thảo bàn về phát triển CN tại Quảng Ngãi, tiến sĩ Trần Đình Thiên-Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương chia sẻ kinh nghiệm, chúng ta không nên ôm đồm làm tất cả các ngành công nghiệp, mà điều quan trọng nữa phải định hướng làm gì, làm với ai, để từ đó chọn lựa thật kỹ ngành mà tỉnh có lợi thế để tập trung phát triển. Do vậy chúng ta nên quan tâm ưu tiên, phát triển bằng "liều lượng" thích hợp đối với những ngành CN có thế mạnh.

Một vấn đề nữa là, tỉnh cần quan tâm phát triển ngành CN hỗ trợ để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm "made in Quảng Ngãi". Theo ông Nguyễn Đức Hoài-Phó Giám đốc Sở Công thương thì CN hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm CN chính và đẩy nhanh quá trình CN hóa theo hướng vừa mở rộng, vừa chuyên sâu. CN hỗ trợ phát triển thì các ngành CN chính sẽ có sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Một yếu tố không thể không kể đến đó là cần đánh giá toàn diện những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước, xác định những khó khăn và thuận lợi đan xen tác động đến sản xuất CN của Quảng Ngãi để đưa ra những phương án phát triển phù hợp nhất. Cùng với đó là rà soát, điều chỉnh, bổ sung những cơ chế chính sách thích hợp để huy động các nguồn lực cho sản xuất CN, nhằm đảm bảo đưa CN Quảng Ngãi phát triển với "tốc độ cao, bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường".

Có thể nói, định hướng phát triển theo "tầm nhìn" 10, 15 năm cần có sự tham gia, phản biện của các chuyên gia kinh tế, các sở ngành, địa phương, nhất là vai trò phản biện của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh để tỉnh hoàn thiện quy hoạch mang đúng tầm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

.