Cơ giới hóa đồng ruộng: Cấy sạ, thu hoạch nhanh gọn, giảm chi phí cho nông dân

08:05, 10/05/2011
.

(QNg)- Nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh giờ đã linh hoạt thành lập tổ đội, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, gồm máy cắt, máy suốt lúa và cả máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa, nên đã giảm chi phí, sức lực trong thu hoạch lúa. 

Từ  tổ đội gặt lúa…

"Lúa chín mọng ngoài đồng; kêu công khó lắm, vì ai cũng gặt mà không gặt kịp thời thì lúa rụng hết. Năm nay mất mùa, bông lúa  chỉ có 2/3 là chắc hạt, mà rụng nữa thì coi như tiêu" - Ông Nguyễn Thừa, thôn Nam Lân, xã Ba Động (Ba Tơ) nói với tôi rồi vội vàng đạp xe đi đến đội thu hoạch lúa  tìm gặp ông Bùi Ngọc Hoàng - Trưởng đội thu hoạch lúa ở thôn Hóc Kè, xã Ba Động. Ông Hoàng cầm cuốn sổ  rà qua một lượt, bảo: Lịch sít hết rồi, chỉ còn mỗi buổi sáng mùng 4 thôi". Thế là đám lúa hơn 2 sào ruộng của ông Thừa được đội quân khoảng 6 người của tổ thu hoạch lúa của ông Hoàng thu hoạch nhanh gọn. Theo ông Thừa, nhờ đội thu hoạch lúa mà vợ chồng ông đỡ vất vả bởi mọi việc từ khâu suốt lúa, sảo lúa, bao đựng lúa đội thu hoạch đều lo và công chi phí cũng giảm hơn nhiều. 
 
Máy gặt, đập liên hợp của ông Trần Mùa đang thu hoạch lúa trên đồng Hành Thiện.
Máy gặt, đập liên hợp của ông Trần Mùa đang thu hoạch lúa trên đồng Hành Thiện.

Ở vùng nông thôn Ba Tơ trong thời điểm này nhiều lao động trẻ ly hương đi làm ăn; một số lao động đi làm thuê thu hoạch keo, nên tìm công gặt lúa thật khó. Ông Bùi Ngọc Hoàng cũng gặp khó khăn trong việc thu hoạch, nên ông suy nghĩ và quyết định sắm máy suốt lúa, máy cắt và "tuyển" vài lao động  để nhận thu hoạch lúa cho bà con. Ông Hoàng tính nhẩm: Trước đây bà con cắt tay một sào mất khoảng 4 công, thì nay đội thu hoạch chỉ làm 3 công. Thấy chi phí giảm nên qua vài lần thuê mướn, đến nay nông dân  thôn Hóc Kè và các thôn lân cận đều thuê ông Hoàng gặt lúa. Chính vì vậy nên từ đầu vụ thu hoạch đến nay, ông Hoàng và những người thợ không có hôm nào rảnh rỗi. 

Không chỉ ở Ba Động (Ba Tơ), mà nhiều địa phương trong tỉnh đã thành lập các đội thu hoạch lúa kiểu này. Đội thu hoạch lúa xã Phổ Quang (Đức Phổ) do chị Nguyễn Thị Thúy Kiều, ở đội 6 làm trưởng đội. Đội của chị đã thành lập qua nhiều mùa vụ, nên giờ đã thành nền nếp. Đêm hôm trước chị lấy điện thoại di động  "alô" một tiếng là chị em trong tổ đội báo lại ngay, để chị sắp xếp lao động gặt lúa cho ngày hôm sau.

Gặt lúa như đội chị Kiều giảm được nhiều chi phí, bởi tất cả đều làm theo hình thức khoán gặt. Trong thời tiết nắng gắt thì các chị đồng loạt sắp xếp đi gặt từ mờ sáng, chiều đi muộn và kết thúc ngày gặt khi trời sẩm tối, để tránh nắng gắt trên đồng. Nhưng rồi cách làm này vẫn không kham hết những cánh đồng lúa cùng lúc chín rộ do cùng lúc gieo sạ theo lịch thời vụ.

… Đến máy gặt đập liên hợp

Đồng lúa Hành Thịnh, Hành Thiện (Nghĩa Hành) đang mùa thu hoạch lúa, nhưng bóng dáng nông dân khom lưng cắt lúa  không còn nữa. Bởi  nhìn đâu cũng thấy máy cắt lúa, tuốt lúa và cả máy gặt đập liên hợp hoạt động. Anh Nguyễn Văn Tuấn đang dùng máy cắt lúa trên đồng Hành Thiện, cho biết: "Một ngày tôi cắt  được 6 sào. Mỗi sào trừ chi phí xăng dầu, thu được 65.000 đồng. Vụ mùa năm nay tôi cũng kiếm được trên 3 triệu đồng".

Dùng máy cắt tay đã lợi, nhưng dùng máy gặt đập liên hợp mới "hoành tráng" hơn. Ông Trần Mùa - thôn Thuận Hoà, xã Hành Thịnh đã bỏ tiền mua máy gặt đập liên hợp về thu hoạch lúa cho bà con. Một ngày ông Mùa cùng 3 người thay phiên nhau điều khiển máy thu hoạch lúa, với công suất từ 1,5 -2 ha. Mỗi ha ông được trả tiền công 3,8 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với gặt đập thủ công trước đây.

Ông Trần Mùa nói: "Nhà nông không bỏ ruộng. Nhưng điều quan trọng là làm cách nào để giảm sức lực và chi phí cho một sào ruộng trong thời buổi giá cả quá cao này  là vấn đề nhiều người quan tâm". Thế rồi trong những chuyến tham quan ở các tỉnh Nam Bộ, ông đã thấy nhiều nơi dùng máy gặt đập liên hợp tiện lợi hơn nhiều. Trở về nhà năm 2008, ông làm đơn vay tiền ngân hàng để mua máy. Nhưng rồi thủ tục vay quá rườm rà, nên ông mượn thêm anh em bạn bè mua máy với giá 213 triệu đồng. Qua 3 mùa thu hoạch lúa cho bà con, đến nay ông đã lấy lại vốn. Nông dân thấy cách thu hoạch vừa giảm sức lực, vừa giảm chi phí, nên không chỉ bà con trong xã mà các xã lân cận cũng thuê ông gặt lúa... Hiện nay ông đã đưa máy lên xã Hành Thiện thu hoạch (cách xã ông khoảng 5-6 km). Cánh đồng rộng lớn trước xã Hành Thiện khoảng 15 ha, ông Mùa cho hay chỉ gặt 7 ngày là xong.

Trong thời buổi giá cả leo thang, công lao động tăng, giá phân bón, thuốc trừ sâu, công làm đất đều tăng, đặc biệt là trong vụ đông xuân  2010-2011 lúa mất mùa thì việc thành lập đội cắt lúa, dùng các phương tiện cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch là cách làm khá linh động của nông dân. Điều này đã giúp họ tăng thêm thu nhập, giảm chi phí cho người sản xuất và thu hoạch kịp thời vụ.
 
Tuy vậy việc áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng còn quá ít, bởi có  nhiều nông dân  không có vốn để mua máy, mà đi vay ngân hàng để đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp, thủ tục lại quá rườm rà nên ngành ngân hàng cần cải tiến thủ tục để khai thông nguồn vốn tạo điều kiện cho bà con mạnh dạn đầu tư mua máy móc đáp ứng cho việc làm đất, thu hoạch lúa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn.

Bài, ảnh: Mai Hạ

.