36 năm sau giải phóng: TP. Hồ Chí Minh hướng tới đô thị mang tính toàn cầu

07:04, 28/04/2011
.

Có thể hình dung một cách tổng quát, sau năm 2020, TP Hồ Chí Minh thật sự là một trong những thành phố hiện đại, phát triển nhanh và năng động nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương, sẽ trở thành đô thị mang tính toàn cầu.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 9 TP. Hồ Chí Minh ( năm 2010) xác định nhiệm vụ trọng tâm của TP trong những năm tới là tập trung mọi nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững.

Nhân kỷ niệm 36 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta nhìn lại những thành tựu, nhận diện những thách thức đang đặt ra cho bài toán phát triển của thành phố mang tên Bác.

Tăng trưởng kinh tế hai con số suốt 1/4 thế kỷ

 
Nếu không kể giai đoạn 10 năm trước đổi mới, thì trong 25 năm từ 1986 đến 2010, kinh tế trên địa bàn TP.HCM tăng trưởng bình quân 10,2%/ năm và TP đã trở thành một trong các đô thị lớn trong khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số trong một thời gian dài.

Thật vậy, thực hiện chiến lược CNH-HĐH theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), TP. Hồ Chí Minh đi vào giai đoạn tăng tốc phát triển. Ngay trong kế hoạch 5 năm 1991 – 1995, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn tăng bình quân 12,6%/năm, đã tạo điều kiện quan trọng để TP. Hồ Chí Minh quy hoạch phát triển trong 15 năm tiếp theo (1996 – 2010) với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhằm tạo tiền đề vật chất giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển đô thị và văn hóa - xã hội.

Trong 20 năm (1991 – 2010) thực hiện chiến lược CNH – HĐH đất nước, kinh tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng liên tục với tốc độ 10,5%, đưa quy mô kinh tế trên địa bàn tăng gấp 8 lần (tính theo giá so sánh năm 1994); GDP/người tăng gần 6 lần, trong điều kiện dân số tăng thêm khoảng 3 triệu người.

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch khá nhanh, đặc biệt là khu vực công nghiệp – xây dựng. Các ngành kinh tế phi nông nghiệp đã tăng từ 94,5% năm 1991 lên 98,8% năm 2010 trong cơ cấu GDP.

 Trong khu vực dịch vụ, các ngành tài chính - tín dụng - ngân hàng; khoa học công nghệ - chuyển giao; vận tải - kho bãi - bưu điện … có tốc độ tăng trưởng cao hơn từ 1,5 - 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của cả khu vực dịch vụ. Mặc dù, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có hàm lượng khoa học kỹ thuật và giá trị gia tăng cao chiếm tỷ trọng còn thấp trong cơ cấu GDP, nhưng đang có xu hướng tăng trưởng phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP theo hướng phát huy lợi thế cạnh tranh.

Sự phát triển của khu vực dịch vụ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã và đang gắn liền với quá trình phát triển công nghiệp của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sự liên kết kinh tế với vùng Đông Nam bộ; Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa.

Động thái tăng trưởng kinh tế đang diễn ra trên địa bàn TP hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 20/BCT của Bộ Chính trị (năm 2002) về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2010: xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành một trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn của cả nước; từng bước có vị trí xứng đáng trong khu vực Đông Nam Á.

TP. Hồ Chí Minh “cùng cả nước, vì cả nước”

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như trên, TP đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế đất nước. Đó là nâng mức đóng góp vào GDP của cả nước từ 13% năm 1986 lên 21% năm 2010; đóng góp khoảng 30% nguồn thu ngân sách quốc gia; 25% tổng doanh thu dịch vụ và bán lẻ, 28% giá trị sản xuất công nghiệp vv..và đang là một trong các đầu tàu tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Bên cạnh những đóng góp vật chất, từ đầu thập niên 80 đến nay TP.HCM được xem là một trong những nơi hình thành những nhân tố mới đóng góp vào quá trình hình thành và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng XNCN của nước ta.

Ngay từ năm 1982,  Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định vị trí vai trò của TP.HCM đối với khu vực phía Nam và cả nước; đồng thời tạo điều kiện cho TP thực hiện những cơ chế và chính sách mang tính thí điểm, đột phá nhằm tạo ra những bài học thực tiễn làm cơ sở hình thành những chính sách và cơ chế quản lý chung của cả nước.

Với sức sống của các quan hệ thị trường đã sớm hình thành từ một trung tâm kinh tế của cả nước và với tính năng động sáng tạo, mang tính truyền thống của người dân thành phố, trong 36 năm qua, TP đã có những đóng góp tích cực vào sự hình thành chính sách và cơ chế vận hành kinh tế thị trường của nước ta.

Thách thức đối với sự phát triển

Mặc dù tăng trưởng kinh tế cao tạo tiền đề vật chất để giải quyết các vấn đề về đô thị, văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, sự tăng nhanh quy mô kinh tế đang đặt cho TP 4 vấn đề lớn trong bài toán phát triển.

Thứ nhất, chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh chưa cao. Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là thế mạnh của TP còn chiếm tỷ trọng thấp; tính cạnh tranh của nhiều sản phẩm hàng hóa còn kém so với khu vực và quốc tế. Công nghiệp TP chủ yếu vẫn là gia công, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động tăng chậm.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế đã tạo sức hút mạnh đối với lao động nhập cư, dẫn đến quy mô dân số tăng quá nhanh, bình quân thêm gần 200.000 người mỗi năm. Hiện nay, dân số TP đã đạt mức 7,5 triệu người (chưa kể khoảng 500.000 người vãng lai).

Sự tăng nhanh dân số cùng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao đã làm cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội trên địa bàn thành phố quá tải nghiêm trọng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Tình trạng tập trung các hoạt động kinh tế trên địa bàn khu vực trung tâm thành phố vẫn đang là xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp (như xây dựng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp v.v…). Đây là biểu hiện  sự kém hiệu quả trong việc sử dụng các công cụ điều tiết của chính quyền thành phố nhằm tái cấu trúc các hoạt động kinh tế và bố trí dân cư trên địa bàn.

Thứ ba, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đứng thứ hai sau Hà Nội có đội ngũ khoa học - kỹ thuật đông đảo; nơi tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo lớn nhất phía Nam, nhưng đồng thời cũng đang diễn ra một nghịch lý: nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đặc biệt là nhu cầu nâng cao sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập với kinh tế khu vực và quốc tế.

Tình trạng thiếu lao động có kỹ thuật, nhất là cho các ngành kinh tế mũi nhọn như phát triển thị trường tài chính, phát triển công nghệ thông tin, phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao … đang đặt ra khá gay gắt.

Thứ tư, chức năng quản lý kinh tế và quản lý một đô thị có quy mô lớn như TP. Hồ Chí Minh, đang là sự bất cập đối với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay. Sự bất cập này thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực, từ sự điều tiết hoạt động của nền kinh tế theo định hướng quy hoạch đến trật tự đô thị, quản lý đất đai xây dựng, bảo vệ môi trường v.v…

Trên tất cả các lĩnh vực đều thể hiện, với mức độ khác nhau, sự yếu kém về hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Đặc điểm kinh tế trên địa bàn TP.HCM là kinh tế đô thị, nên tăng trưởng kinh tế có sự gắn kết đặc biệt với kết cấu hạ tầng đô thị, với quy hoạch và phát triển đô thị,  với việc chỉnh trang đô thị cũ và phát triển đô thị mới.

Mặt khác, với vị trí địa lý và do quá trình phát triển trong lịch sử, TP.HCM có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đông Nam bộ và Tây Nguyên và trong phạm vi hẹp hơn thành phố đã và đang là "hạt nhân" trong mối quan hệ "mang tính cơ cấu" của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Do đó, những giải pháp liên quan đến nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị bền vững cần được tiến hành một cách đồng bộ và không chỉ riêng đối với thành phố mà còn đặt trong mối quan hệ chung của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Với đặc điểm trên, việc tiếp tục phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp; 9 nhóm ngành dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao, đã được xác định từ đầu những năm 2000, là phù hợp.

Nhưng vấn đế quan trọng hơn không phải là làm ra sản phẩm gì, mà làm bằng cách nào để có giá trị gia tăng cao nhất, tức là chọn khâu nào của chuỗi giá trị mà thành phố có lợi thế.

Ví dụ, thành phố không bỏ ngành may mặc, mà chuyển từ gia công sản phẩm may mặc sang công nghiệp thời trang, tiếp thị bán hàng là những khâu có giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm may mặc. Các ngành da giày, chế biến gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm... cũng vậy.

Với mục tiêu xây dựng TP.HCM thành đô thị văn minh hiện đại, đa trung tâm, có quy mô dân số khoảng 10 triệu người vào năm 2020, ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực, giữ vị trí, vai trò là hạt nhân của Vùng đô thị TP.HCM,  trong 10 năm tới phải tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng cạnh tranh phù hợp với vai trò, vị trí của thành phố, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Thành phố đang đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 11%/năm, đưa quy mô kinh tế năm 2020 gấp 2,8 lần năm 2010 và GDP/người vượt ngưỡng 6000 USD; đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, trong đó, lấy chất lượng để định hướng cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với đặc điểm của một nền kinh tế đô thị lớn.

Xác định mối quan hệ hữu cơ giữa phát triển bền vững, bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, là thước đo đối với mục tiêu phát triển.

Tuy nhiên, để thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu cần phải có vai trò của Nhà nước. Nhưng trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường, chúng ta phải thay đổi phương thức và công cụ hỗ trợ theo nguyên tắc Nhà nước (Trung ương và địa phương) sử dụng các chính sách, biện pháp và công cụ để tác động vào thị trường theo định hướng của nhà nước; chính thị trường sẽ tác động vào sự định hướng đầu tư của doanh nghiệp (trên cơ sở quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh), chứ nhà nước không “cầm tay chỉ việc“ cho doanh nghiệp.

Về đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, là một thành phố xanh và sạch, là một đô thị sông nước phù hợp với thổ nhưỡng Nam bộ. Phát triển thành phố thành một đô thị mở, nhiều trung tâm. Thành phố là hạt nhân của Vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh, nối kết với các tỉnh xung quanh.

Không gian đô thị được mở rộng thông qua kế hoạch đầu tư xây dựng các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, Nam Sài Gòn, đô thị cảng Hiệp Phước, đô thị Tây - Bắc v.v…

Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015 là thời kỳ thành phố hướng vào mục tiêu củng cố nền móng của phát triển bền vững: tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả “6 Chương trình đột phá “ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đảng bộ TP lần thứ 9; hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, mà trọng tâm là hạ tầng giao thông và môi trường nhằm tạo bước đi chắc chắn cho mục tiêu dài hạn trong 10 năm 2011-2020, để cùng cả nước thực hiện mục tiêu CNH-HĐH nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XI.

Có thể hình dung một cách tổng quát, sau năm 2020, thành phố phải thật sự là một trong những thành phố hiện đại, phát triển nhanh và năng động nhất khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương. TP. Hồ Chí Minh sẽ vươn lên trở thành một trung tâm đa chức năng, trong đó nổi bật là một trung tâm tài chính và dịch vụ cao cấp của cả nước.

Cơ cấu kinh tế của thành phố sau năm 2020 sẽ giống cơ cấu kinh tế của các nền kinh tế phát triển (hậu công nghiệp), với các ngành dịch vụ cao cấp giữ vai trò chi phối.

Thành phố sẽ là một siêu đô thị đa trung tâm, với điểm nhấn là đô thị mới Thủ Thiêm và đô thị mới dọc sông Sài Gòn. Thành phố sẽ trở thành đô thị mang tính toàn cầu. Đời sống kinh tế thành phố gắn chặt với đời sống kinh tế thế giới thông qua vô số các mối liên kết kinh tế, là cửa ngõ giao lưu quan trọng nhất về kinh tế của Việt Nam với bên ngoài.

Theo TS. Trần Du Lịch
VGP
 
 

.