Không “cắt” đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ

04:03, 22/03/2011
.

Thông điệp của Chính phủ tại phiên khai mạc Quốc hội là sẽ cắt giảm đầu tư công, như là một phần trong việc thắt chặt chính sách tài khóa nhằm hướng tới mục tiêu giảm lạm phát và ổn định tăng trưởng vĩ mô.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc sẽ cắt giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng như từ nguồn trái phiếu Chính phủ, theo xác nhận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành rà soát các công trình, dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành rà soát các công trình, dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.
 
Trao đổi với PV bên lề phiên họp Quốc hội ngày 21/3, ông Phúc nói rằng Quốc hội và Chính phủ đều nhất trí không cắt giảm đầu tư từ hai nguồn trên, mà chỉ sắp xếp, điều chuyển vốn giữa các ngành và địa phương nhằm sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất.

Các đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tiến hành rà soát các công trình, dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ để đưa ra giải pháp thích hợp trong việc điều chuyển vốn.

Cụ thể, có 8 đoàn đang đi kiểm tra các địa phương, 2 đoàn đang kiểm tra các tập đoàn và tổng công ty và một số đoàn đang đến các bộ ngành. Phản ứng của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp trước việc điều chuyển không mấy “vui vẻ” này, theo đánh giá của ông Phúc, là “rất tốt”.

“Nhiều nơi khi chúng tôi đến kiểm tra đã lên kế hoạch, phương án rõ ràng. Hơn nữa, trong bối cảnh tín dụng ưu đãi của nhà nước cắt giảm 10%, tín dụng thương mại cũng thắt chặt thì việc sắp xếp, điều chuyển là tất yếu”, ông Phúc nói.

Theo kế hoạch, trước ngày 25/3, các bộ ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và địa phương tiếp thu ý kiến của các đoàn kiểm tra để hoàn chỉnh phương án trình Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính.

Tiếp đó, trước ngày 30/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng về các kế hoạch điều chuyển vốn, đồng thời sẽ kiến nghị thu hồi các khoản bố trí sai mục tiêu để điều chuyển cho các bộ ngành và địa phương khác.

Khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 3 là khoảng thời gian đầy “nhạy cảm” đối với các chủ đầu tư vì dự án nào sẽ được tiếp tục, dự án nào tạm dừng, bị thu hồi vốn hoặc thậm chí bị loại bỏ, sẽ được quyết định.

Quan niệm về đầu tư công hiện có sự khác biệt nhất định giữa các quốc gia khác nhau. Theo cách hiểu rộng rãi, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia… đều được coi là đầu tư công.

Các khoản đầu tư bao gồm tín dụng ưu đãi của nhà nước, vốn đầu tư của chính các doanh nghiệp nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách như trường hợp khoản vốn 3.500 tỷ đồng mà Chính phủ dự kiến giao lại cho Petro Vietnam, về mặt nào đó cũng có thể xem là đầu tư công.

Thậm chí có những khoản vay thương mại của doanh nghiệp nhà nước, nhưng sau đó doanh nghiệp không trả được và ngân sách nhà nước, bằng cách này hay cách khác phải gánh bớt, cũng được nhiều chuyên gia coi là một dạng của đầu tư công.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hai tháng đầu năm nay, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách đã đạt 24,5 ngàn tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

Năm ngoái, đầu tư công đã tăng đáng kể và gây ra nhiều lo ngại trong giới chuyên gia. Cụ thể, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước đạt 177 ngàn tỷ đồng, tăng 41% so với kế hoạch, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ đạt 66 ngàn tỷ đồng, tăng 17,9% so với  kế hoạch, chiếm 7,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong khi đó, vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước cũng đạt 52 ngàn tỷ đồng và vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó đa phần là vốn vay thương mại, cũng đạt tới 70,8 ngàn tỷ đồng.

Theo VnEconomy

.