Tổ liên kết sản xuất nhang quế Hội phụ nữ thị trấn Trà Xuân:
Mở hướng thoát nghèo cho phụ nữ vùng cao

10:02, 25/02/2011
.

(QNg)- Từ nhiều năm nay, tổ liên kết sản xuất nhang quế của Hội phụ nữ thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) hoạt động khá hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình ở vùng cao này.

 Chúng tôi tìm đến tổ liên kết sản xuất nhang quế của Hội phụ nữ thị trấn Trà Xuân. Dù đã hơn 11 giờ trưa, nhưng chị em trong cơ sở sản xuất vẫn đang miệt mài làm việc: Chị thì phơi nhang, người quấn bột nhang... Chị Võ Thị Bình - Chủ nhiệm tổ liên kết sản xuất, kiêm trách nhiệm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho biết: Từ khi cây quế Trà Bồng- Tây Trà có thương hiệu, thì thị trường tiêu thụ sản phẩm của cơ sở cũng được thuận lợi hơn, địa bàn tiêu thụ ngày càng được phát triển nhiều tỉnh thành trong cả nước.
 
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nhiều chị em đến cơ sở sản xuất nhang làm việc để tăng thêm thu nhập.
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nhiều chị em đến cơ sở sản xuất nhang làm việc để tăng thêm thu nhập.

Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất 120 kg nhang, với giá bán 40 nghìn đồng/kg nhang quế (loại đặc biệt) và 30 nghìn/kg nhang quế (loại bình thường). Sản phẩm của cơ sở chủ yếu phục vụ cho những người thu nhập thấp. Sản phẩm được làm thủ công, chất lượng tốt, không có hóa chất độc hại, nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Được thành lập từ năm 2004 đến nay, cơ sở sản xuất nhang quế của Hội phụ nữ thị trấn Trà Xuân thực sự là một mô hình mới, kết hợp giữa dạy nghề truyền thống và gắn với phát triển tiềm năng, lợi thế tại địa phương. Liên kết, giúp đỡ chị em làm nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm tạo công ăn việc làm ổn định và đào tạo nghề làm nhang quế cho hàng chục chị em phụ nữ. Hiện tại mỗi năm cơ sở đào tạo nghề cho khoảng 15-20 chị em hội viên phụ nữ.

Chị Hồ Thị Sen - người gắn bó với cơ sở sản xuất nhang quế từ những ngày đầu thành lập phấn khởi: "Tham gia tổ liên kết làm nhang, chị vừa có thêm thu nhập, vừa quán xuyến được công việc gia đình. Ngày mùa bận làm công việc đồng áng chị vẫn tranh thủ làm thêm được. Trước đây cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, chỉ trông vào mảnh ruộng và đi rừng. Từ khi vào đây làm tôi đã có tiền cho con đi học, may quần áo cho chúng. Có nghề cho thu nhập ổn định nên ai cũng phấn khởi.

Từ số tiền thu được từ làm nhang, gia đình tôi có thêm điều kiện xây nhà, mua sắm đồ dùng sinh hoạt, mua xe máy...". Theo chị Sen, mỗi ngày trung bình một người làm được khoảng 10 kg nhang/ngày, tiền công làm nhang khoảng 6 nghìn đồng/kg. Chị em nào làm việc chăm chỉ có thể thu được 50- 60 nghìn đồng/ngày. Đa số chị em tham gia làm nhang ở đây trước kia đều có cuộc sống khó khăn, nhưng bây giờ ai cũng có cuộc sống dần ổn định nhờ làm nghề này.

Hiện tại cơ sở trang bị được 7 máy làm nhang, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 phụ nữ làm việc tại cơ sở. Bên cạnh đó một số chị em sau khi được đào tạo nghề tự mua sắm máy móc làm tại nhà, cơ sở sẽ trực tiếp thu mua những sản phẩm đạt chất lượng và phân phối ra ngoài thị trường.

Chị Lê Thị Lệ Thu -Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Trà Xuân, nguyên trước kia là chủ nhiệm cơ sở sản xuất cho hay: Mô hình này ra đời thực sự là "điểm tựa" đối với chị em vùng cao, nó không chỉ giúp hội viên phụ nữ có nghề trong tay để phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần xoá đói giảm nghèo cho hội viên phụ nữ. Hội cũng tạo điều kiện cho chị em hội viên vay vốn để mua sắm máy móc và phát triển sản xuất, để tiếp tục nhân rộng mô hình này. 

Tuy nhiên, với xu thế ngày càng phát triển, nhiều cơ sở sản xuất với quy mô lớn cạnh tranh gay gắt khiến đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn. "Hội phụ nữ thị trấn cũng có kế hoạch muốn mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc để phát triển với quy mô lớn, nhưng Hội đang gặp khó khăn vì thiếu vốn đầu tư, nên rất cần sự quan tâm của Nhà nước để ngày càng phát huy hiệu quả của mô hình, góp phần nâng cao đời sống của chị em phụ nữ" - chị Lê Thị Lệ Thu - Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Trà Xuân trăn trở.

       Bài, ảnh: Ngọc Đức

.