Nông dân thị trấn Châu Ổ trúng mùa ớt

02:07, 13/07/2010
.

(QNĐT)- Tuy phải căng sức thu hoạch dưới cái nắng hè chói chang nhưng những người trồng ớt ven sông Trà Bồng ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) vẫn nở nụ cười rạng ngời niềm vui. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất ớt tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 lần so với mọi năm; giá cũng tăng cao.

Ớt là loại gia vị có trong bữa ăn hàng ngày của người Việt cũng như nhiều nơi trên thế giới. Nhờ có thị trường tiêu thụ rộng nên nhiều năm qua người trồng ớt có thu nhập ổn định. Những tháng đầu năm 2010, thời tiết ít mưa đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây ớt phát triển, cho năng suất cao và giá cũng tăng gấp đôi so với năm trước.

Tuy phải căng sức thu hoạch dưới cái nắng hè chói chang nhưng những người trồng ớt ven sông Trà Bồng ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) vẫn nở nụ cười rạng ngời niềm vui.

Ông Lê Minh Triết - người có thâm niên gần 20 năm trong nghề trồng ớt thổ lộ: “Nghề trồng ớt cũng giống trồng dưa ấy đấy! Thời tiết nắng nóng thì ớt càng tươi tốt, cho năng suất cao. Năm nào mưa nhiều ớt sẽ bị rũ lá, thối quả và cho năng suất thấp".
 
Nông dân Bình Sơn thu hoạch ớt
Nông dân Bình Sơn thu hoạch ớt.

Lúc đầu, gia đình ông khai hoang trồng thử nghiệm 2 - 3 sào. Sau đó thấy cây ớt mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông mở rộng diện tích canh tác. Qua hướng dẫn kỹ thuật của Trạm khuyến nông huyện, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng 8 sào ớt. 

Ông Triết cho rằng, việc trồng và chăm sóc ớt không khó, nặng nhất  là khâu xử lý ban đầu (ươm cây con). Tháng 10 âm lịch hằng năm là bắt đầu ươm cây con. Đến đầu tháng 11 âm lịch tiến hành trồn. Sau 3 tháng thì bắt đầu thu hoạch cho đến mùa mưa là hết vụ.

Với giống ớt địa phương, mỗi vụ ông Triết thu hoạch được khoảng 1 tấn/sào. Năm 2009 giá ớt nằm ở khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, vợ chồng anh thu được gần 100 triệu đồng và khoảng 40 triệu đồng cây hoa màu xen canh.

Năm nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất ớt tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 lần so với mọi năm; giá cũng tăng cao. Từ đầu mùa thu hoạch đến giờ, bình quân mỗi ngày gia đình anh thu hoạch khoảng 1 tạ. Với giá ớt 12.500 đồng/kg, bình quân mỗi ngày vợ chồng anh thu vào khoảng hơn 1,2 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, hàng ngày gia đình anh Triết thu gần 1 triệu đồng.

"Từ nay đến hết mùa thu hoạch còn khoảng gần 4 tháng. Nếu giá cả và thời tiết ổn định như hiện nay thì sẽ thu nhập thêm khoảng 100 triệu đồng, vì thường cuối vụ, ớt khan hiếm nên giá tăng"- ông Triết nói.

Hộ anh Lê Minh Phương cũng ở thị trấn Châu Ổ thì mới bắt đầu trồng ớt từ 5 năm nay với diện tích 5 sào. Trước đây, trên mảnh đất này, vợ chồng anh trồng cây rau màu nhưng đem lại hiệu quả thấp nên chuyển sang trồng ớt.

“Vào thời điểm giá ớt trung bình, hàng năm vợ chồng tôi cũng thu nhập được 50 - 60 triệu đồng. Có năm giá ớt lên đến 34 nghìn đồng/kg. Thấy được lợi nhuận từ cây ớt, nhiều người cũng bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây ớt” - anh Phương cho biết. Được biết, từ đầu mùa thu hoạch đến nay, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh Phương lãi gần 40 triệu đồng.

Năm nay, hầu hết các hộ trồng ớt ven sông Trà Bồng đều có thu nhập cao, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho không ít lao động trong lúc nông nhàn. Với anh Vương Văn Huệ, trước đây cuộc sống gia đình rất khó khăn nhưng từ khi chuyển sang trồng ớt cuộc sống gia đình bắt đầu khấm khá hơn. Vợ đi dạy học nên mình anh lăn lộn với đồng ớt. Vì thế, đến thời điểm  thu hoạch đại trà, anh phải thuê thêm nhân công để cùng thu hoạch.

 Mỗi ngày anh chi trả 70 nghìn đồng/công. Trung bình 2 người hái được khoảng 60 kg ớt/ngày. Sau khi trừ tiền nhân công và các chi phí khác, mỗi ngày anh thu được gần 700 nghìn đồng. Một con số không nhỏ đối với nhà nông.

"Trồng ớt không quá khó khăn về mặt kỹ thuật. Bản thân cây ớt ít bị sâu bệnh, chủ yếu có bệnh nám trái và héo rũ. Chỉ cần phun thuốc kịp thời, tránh để ngập úng, cây ớt sẽ phát triển tốt” - anh Huệ cho biết.

Không chỉ có vậy mà đầu ra cho quả ớt hiện nay cũng rất thuận lợi. Nông dân chỉ việc thu hoạch, các tiểu thương đến tận nhà để thu mua rồi vận chuyển bán cho các đại lý trong và ngoài nước.

                Bài, ảnh: Trịnh Phương

.