Điện và uy tín của doanh nghiệp

08:06, 22/06/2010
.

(QNĐT) - Thực hiện lịch cúp điện luân phiên, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên với các đối tác nước ngoài, việc tuân thủ các quy định về chất lượng, mẫu mã và tiến độ giao hàng theo hợp đồng rất chặt chẽ. Vì  vậy, khi mất điện tiến độ sản xuất đình trệ, thiệt hại cho doanh nghiệp là rất lớn. Và cái mất lớn nhất của họ chính là uy tín trên thị trường quốc tế.
 
TIN LIÊN QUAN


Thực hiện lịch cúp điện luân phiên, 950 công nhân nhà máy may Dung Quất ở Khu công nghiệp Sài Gòn – Dung Quất phải nghỉ làm. Hệ thống dây chuyền máy móc ngừng hoạt động vì không có điện. Gần 100  nghìn sản phẩm quần dài xuất khẩu sang Mỹ vẫn chưa thể thực hiện được công đoạn cuối cùng do mất điện.

Với anh Nguyễn Phúc - Quản đốc phân xưởng Nhà máy may Dung Quất càng lo lắng hơn vì tiến độ giao hàng đã trể so với hợp đồng đã ký kết. Anh Phúc lo lắng: "Chỉ còn công đoạn ủi là xuất hàng nhưng giờ chúng tôi không biết làm sao. Ban giám đốc hối thúc nhưng bó tay thôi. Tình hình này kéo dài chắc chắn chúng tôi sẽ bị phạt”.
 
Hệ thống dây chuyền Nhà máy may DQ ngừng hoạt động vì cúp điện
Hệ thống dây chuyền Nhà máy may DQ ngừng hoạt động vì cúp điện

Để chia sẻ những khó khăn của ngành điện, các doanh nghiệp ở phân khu công nghiệp Sài Gòn – Dung Quất thuộc KKT Dung Quất đã thực hiện nghiêm túc việc cắt điện luân phiên. Theo thông báo của ngành điện thì ở đây mỗi tuần cắt điện 1 lần, riêng ngày chủ nhật các doanh nghiệp, nhà máy không được sản xuất. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp cho rằng, việc chia sẻ với ngành điện, cắt điện luân phiên có thể thực hiện được. Tuy nhiên, vào ngày chủ nhật các doanh nghiệp không được làm bù thì tiến độ sản xuất, giao hàng cho đối tác không đảm bảo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn thiệt hại nhiều khoản chi phí khác.

Ông Văn Hữu Thành – Giám đốc Nhà máy may Dung Quất, Khu KT Dung Quất cho biết: “Những ngày không hoạt động chúng tôi cũng phải chi trả các chi phí cố định, khấu hao như máy móc, thiết bị, quản lý… Bên cạnh đó, thu nhập người lao động thấp, tư tưởng họ giao động không gắn bó với công ty, việc xuất hàng bị đình trệ gây tổn thất cho doanh nghiệp và đối tác.

Hiện nay, tại KKT Dung Quất có hơn 20 doanh nghiệp chuyên chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu. Mỗi ngày, các đơn vị này xuất khẩu khoảng 100 ngàn tấn sản phẩm sang các thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch.
anh Phúc - Quản đố phân xưởng lo la781ng vì lô hàng không xuất được do mất điện.BMP
Anh Phúc - Quản đốc phân xưởng lo lắng vì lô hàng không xuất được do mất điện.

Đối với doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu thì việc ký kết hợp đồng thường được thực hiện 3 tháng trước khi sản xuất. Đối với các đối tác là thị trường nước ngoài, việc tuân thủ các quy định về chất lượng, mẫu mã và tiến độ giao hàng theo hợp đồng rất chặt chẽ. Do vậy, mất điện đồng nghĩa với tiến độ sản xuất bị trì trệ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp.

Ngoài việc phải chịu phạt hợp đồng, các doanh nghiệp không được nhận hợp đồng mới. Điều đó cũng có nghĩa uy tín của doanh nghiệp bị giảm sút nghiêm trọng. Bà Võ Thị Thúy Hằng – Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành Lưu khẳng định: “Người nước ngoài không quan tâm đến có điện hay cúp điện, họ chỉ biết là phải kịp tiến độ, không là bị phạt, đồng thời chúng tôi sẽ khó được ký hợp đồng tiếp theo với họ. Phạt thì doanh nghiệp có thể chấp nhận chịu lỗ lô hàng đó, nhưng cái mất lớn hơn là  thương hiệu và uy tín doanh nghiệp giảm sút nghiêm trọng.

Cùng với các doanh nghiệp khác trong cả nước, các doanh nghiệp ở KKT Dung Quất cũng đã hòa nhập vào sân chơi chung trên thị trường quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa là họ phải tuân thủ các quy định chung của thị trường quốc tế. Do vậy, trách nhiệm và sự chia sẻ lợi ích giữa ngành điện và doanh nghiệp cần phải được tính toán, cân nhắc để không thiệt thòi cho cả đôi bên.

Bài, ảnh: Quang Minh

.