Cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn: Bến đỗ bình yên của ngư dân

03:05, 13/05/2010
.

(QNĐT) - Cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn tuy mới hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng đã thực sự phát huy hiệu quả trở thành bến đỗ bình yên không chỉ cho phương tiện tàu thuyền của ngư dân địa phương mà còn cho hàng trăm phương tiện tàu cá của ngư dân nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
 
TIN LIÊN QUAN

 
Cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn có diện tích tổng thể trên 27 hécta; với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 54 tỷ đồng bằng nguồn vốn chương trình  Biển đông - Hải đảo. 

Một góc cảng neo trú tàu thuyền
Một góc cảng neo trú tàu thuyền
Từ khi được đưa vào sử dụng đến nay (2008), hằng ngày tại cảng luôn có hàng trăm phương tiện tàu thuyền của ngư dân địa phương và tàu thuyền của ngư dân một số địa phương khác như: Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hoà...  thường xuyên ra vào neo đậu để bán sản phẩm đánh bắt được và tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, đá lạnh, sửa chữa máy nổ, phục vụ cho những chuyến hành nghề dài ngày trên biển tại các ngư trường xa bờ.

Trong cơn bão số 9 cuối năm 2009, nhờ công năng của Cảng mà hàng trăm phương tiện tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài huyện đã thoát hiểm khi cơn bão số 9 đột ngột đổi hướng di chuyển và bất ngờ đổ bộ vào đảo Lý Sơn.

Hiện nay đang là đỉnh điểm mùa vụ khai thác và đánh bắt hải sản của mọi phương tiện tàu cá tại các ngư trường ven đảo và xa bờ, do đó nhu cầu trong khâu dịch vụ hậu cần nghề cá luôn tăng cao. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu khai thác và đánh bắt hải sản của ngư dân địa phương; đồng thời tiết kiệm các khoản chi phí của tàu thuyền khi phải chạy vào đất liền để tiếp nhiên liệu, lấy đá lạnh... Huyện Lý sơn đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mặt bằng trong khu vực hậu cần nghề cá, tạo điều kiện, cơ chế  trong việc cấp phép cho hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư vào các lĩnh vực cung ứng nhiên liệu, ngư lưới cụ, cung cấp nhu yếu phẩm... theo phương thức cho thuê mặt bằng theo thời hạn nhà nước qui định.

Tiếp xúc với chúng tôi khi vừa cập cảng, ông Bùi Văn Trọng, chủ tàu QNg 96561 có công suất trên 90 CV ở thôn Đông, xã An Hải hiện đang hành nghề vây rút chì phấn khởi cho biết: “Từ khi Cảng neo trú tàu thuyền đi vào hoạt động việc làm ăn của bà con ngư dân có nhiều thuận lợi. Ngư dân đã có chỗ để neo đậu tàu thuyền của mình, đặc biệt là mùa mưa bão. Bên cạnh đó, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng đã phục vụ kịp thời, đầy đủ các mặt hàng từ nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm... Đây là cái lợi của ngư dân chúng tôi từ khi có cảng đến nay”.

Theo tính toán của ông Trọng, chỉ riêng mùa vụ đánh bắt năm 2009, tàu của ông đã tiết kiệm được gần 20 triệu đồng cho khoản chi phí xăng dầu đi lại của tàu cá khi chưa có cảng phải chạy vô để tiếp nhiên liệu, đá lạnh và tránh trú bão tại đất liền trong mùa biển động.

Như vậy nếu gần 400 phương tiện tàu cá của ngư dân Lý Sơn hiện đang hoạt động đánh bắt, khai thác nếu không có cảng neo trú tàu thuyền này, thì mỗi năm sẽ phải tiêu tốn một khoản tiền gần 8 tỷ đồng.

Hiện nay, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng luồng lạch, củng cố hệ thống phao tiêu, biển báo và gia cố một số đoạn của các tuyến đê chắn sóng bị bão số 9 năm 2009 tàn phá đang được BQL cảng và ngành thuỷ sản Quảng Ngãi gấp rút hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.

Bên cạnh đó nhiều chủ cơ sở đăng ký sản xuất và kinh doanh, cung ứng vật tư, nhiên liệu và một số lĩnh vực khác đang đầu tư hàng chục tỷ đồng để kịp thời phục vụ tàu cá của ngư dân địa phương.

Bà Lê Thị Phường,  chủ cơ sở xăng dầu Nhiên Phường cho biết: “Sau khi địa phương có chủ trương cho thuê mặt bằng để kinh doanh, cơ sở của bà đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để cung ứng xăng dầu cho phương tiện tàu cá. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng cơ sở mỗi ngày cung cấp trung bình từ 4 -5 tấn nhiên liệu các loại. Thời gian đến cơ sở của bà sẽ đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh như cung cấp ga (khí đốt), nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ cho ngư dân trong và ngoài huyện khi vào neo đậu tại cảng và khi hành nghề đánh bắt dài ngày trên biển”.

Không riêng gì cơ sở xăng dầu Nhiên Phường, mà hiện nay hàng loạt các cơ sở khác đang mọc lên với nhiều loại  hình kinh doanh như: Sản xuất đá lạnh, cung ứng ngư lưới cụ, sửa chữa tàu thuyền, chủ yếu phục vụ cho việc đánh bắt và khai thác hải sản của bà con ngư dân.

Dịch vụ vá lưới tại cảng.
Dịch vụ vá lưới tại cảng.
Trao đối với chúng tôi ông Huỳnh Ngọc Dũng; cán bộ quản lý Cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn cho biết: Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, tuy phải kiêm nhiều công tác khác nhau, nhưng BQL cảng đã nỗ lực hoàn thành phần công việc theo kế hoạch đề ra. Hiện nay hoạt động của cảng đã đi vào nền nếp và đang phát huy hiệu quả trong công tác khai thác và sử dụng công trình. Thời gian đến BQL Cảng cố gắng đưa vào vận hành cảng hết công suất theo thiết kế, đồng thời đề nghị tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2 của cảng theo kế hoạch, nhằm nâng cao năng lực và công năng của cảng.

 Được biết trước những yêu cầu bức thiết, tỉnh Quảng Ngãi đang chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương triển khai hoàn tất công tác gia cố một số tuyến đê bị sạt lở, nạo vét thông thoáng luồng lạch để phương tiện tàu cá thuận lợi mỗi khi ra vào cảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì hiện nay Cảng neo trú tàu thuyền Lý sơn còn bộc lộ những hạn chế sớm cần khắc phục đó là:  Chưa qui định rõ ràng khu vực neo đậu của mỗi loại phương tiện tàu thuyền (giữa tàu vận tải và tàu cá), còn để xảy ra tình trạng chen lấn, giành giật địa điểm neo đậu giữa các tàu cá, chưa mở rộng luồng lạch để tiếp nhận các tàu thuyền có công suất lớn, chưa làm tốt công tác quản lý bến bãi.

Đây là những tồn tại mà BQL Cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn cần sớm khắc phục để Cảng neo trú tàu thuyền Lý sơn thực sự là bến đỗ bình yên cho mọi phương tiện tàu thuyền khi ra vào neo đậu, tránh trú bão tại đây.

Phạm Văn Mịnh

.