Nỗi khổ mang tên ATM

10:10, 04/10/2009
.

Những khách hàng sử dụng ATM gặp phải cảnh dở khóc dở cười như bị nuốt thẻ, trả thiếu tiền, tiền rách... Để lấy tiền từ trong túi của mình mà phiền toái, rắc rối thế, người dân không mặn mà với thẻ ATM là phải...

Theo Chỉ thị 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2011, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình thay thế lưu thông tiền mặt bằng thẻ thanh toán ATM, việc trả lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước phải qua tài khoản. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả chủ trương này, còn nhiều khó khăn do xung quanh hệ thống ATM vẫn còn nhiều chuyện rắc rối...

Nên... mang theo bút thử điện khi đi rút tiền (?!)

Đây là câu chuyện xảy ra không hiếm và khiến những người sử dụng thẻ ATM giật mình thon thót vì không lẽ rút tiền từ máy ATM mà phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
 
Lấy tiền từ túi mình nhưng khách hàng lại phải khổ sở vì... ATM.
Lấy tiền từ túi mình nhưng khách hàng lại phải khổ sở vì... ATM.
Anh Hoàng Giang ở quận Đống Đa, Hà Nội là một trường hợp như vậy. Anh Giang kể với báo giới, một buổi tối, anh đến rút tiền tại cột ATM của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đặt tại 14 Láng Hạ. Thế nhưng mới chỉ đút thẻ ATM vào ổ và bấm phím chọn đầu tiên đã bị điện giật nảy người. Quá khiếp sợ, song đang cần tiền nên anh Giang đành mạo hiểm tiếp tục thực hiện quy trình rút tiền.
 
Tuy nhiên, lần này, để an toàn anh không để tay trần mà lấy một tờ biên lai rút tiền của những người giao dịch trước rơi dưới đất bọc đầu ngón tay lại sau đó mới bấm phím tiếp tục. Tưởng đã yên tâm nào ngờ khi vừa bấm mạnh vào bàn phím của máy ATM bằng ngón tay bọc giấy đó, anh Giang lại bị điện giật. Vậy là để có thể rút được tiền anh Giang chỉ còn nước lấy thật nhiều tờ biên lai bọc dày ngón tay lại và bấm phím. Giao dịch của anh Giang thành công nhưng cũng từ đó, để bảo toàn tính mạng, anh Giang tự nhủ phải mang theo bút thử điện mỗi khi đi rút tiền tại máy ATM.

Không chỉ máy ATM của Ngân hàng BIDV mà nhiều máy ATM của một số ngân hàng khác cũng gây... tê người vì điện. Như máy ATM của Ngân hàng Đông Á hay Vietcombank... Anh Lê Dũng, một khách hàng "ruột" của Đông Á cũng bị điện giật khi đến rút tiền tại cột ATM của ngân hàng này đặt gần cổng Công ty Môi trường đô thị Từ Liêm trên đường Phạm Hùng.

Anh Dũng thảng thốt kể lại: "Khi vừa chạm tay vào máy ATM, bỗng nhiên giật nảy lên như bị điện giật. Thử lại lần nữa, tôi thấy vẫn vậy. Thế là tôi chắc chắn máy ATM hở điện rồi. Hãi quá, tôi đành sang máy ATM khác để rút tiền".

Như anh Dũng, anh Giang, chị Lê Thục Anh đi rút tiền ở máy ATM của Vietcombank nằm trên đường Phi Trường, Gia Lâm, Hà Nội cũng bị điện giật. Mà không chỉ một lần, nhiều lần chị Thục Anh đã bị như vậy. Giả sử nếu trời mưa hay chân tay ướt át chạm vào máy ATM mà bị giật thì còn có cớ để hiểu. Chứ đằng này, thời tiết khô ráo mà chị Thục Anh vẫn bị  điện giật khi bấm phím máy ATM mới khiếp.

Không chỉ làm khách hàng bị điện giật, máy ATM còn "ngậm" tiền, "nuốt" tiền... của khách hàng. Thực ra hiện tượng này đã xảy ra từ lâu, các phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều nhưng vẫn chưa được khắc phục. Thậm chí, mỗi ngày những vụ việc như vậy xảy ra càng nhiều và theo chiều hướng phức tạp hơn.

Mới đây nhất là sự việc chị Vũ Kim Oanh ở Hải Phòng bị "hụt" két 2 triệu đồng khi rút tiền ở ATM.  Chả là cuối tháng 8 vừa qua, chị Oanh, chủ thẻ ATM của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) đi rút tiền tại máy ATM  của VP Bank. Sau khi đặt lệnh rút 2 triệu đồng, máy báo lỗi và trả thẻ, chị Oanh nhận lại thẻ đồng thời nán lại xem máy có nhả tiền không. Nhưng đợi một chút không thấy gì, chị Oanh liền quay đi. Đi chưa được bao lâu, chị nhận được tin nhắn số tiền trong tài khoản đã bị trừ 2 triệu đồng. Vậy là tức tốc chị làm đơn tra soát gửi đến Ngân hàng MB Bank.

Sau khi nhận được đơn của chị Oanh, MB Bank đã kiểm tra và thông báo với chị: giao dịch của chị đã thành công với bằng chứng (do VP Bank cung cấp): nhật ký giao dịch thể hiện giao dịch đã thành công, biên bản kiểm quỹ thể hiện không thừa số tiền khách hàng tra soát, hình ảnh giao dịch của khách hàng đã được ghi lại. Thấy không thuyết phục trước cách giải quyết của MB Bank do hình ảnh giao dịch của ngân hàng chỉ ghi lại lúc chị có mặt ở máy ATM, mà hình ảnh đó chỉ ghi trong 37 giây. Còn có nhận được tiền hay không, hình ảnh ấy không ghi vì theo quy định của ngân hàng không được phép quay cụ thể những hình ảnh giao dịch do bảo mật mã pin... Cho nên, với bằng chứng như vậy, không đủ để minh chứng chị đã rút được tiền.

Chị Oanh tiếp tục gửi đơn đến MB Bank và VP Bank để tra soát lần 2. Nhưng lần này, chị vẫn nhận được hồi âm như lần 1.  Thế là chị Oanh quyết định đi đến tận cùng sự việc khi  gửi đơn khiếu nại đến cả Hội đồng trọng tài Smarktlink (Hiệp hội thẻ Việt Nam). Hội đồng yêu cầu đến làm việc ba bên: VP Bank, MB Bank và khách hàng. Nhưng VP Bank không tới với lý do rất vô lý: địa điểm gặp gỡ tận Hải Phòng trong khi trụ sở chính của VP Bank lại ở Hà Nội. Hơn nữa, thông báo "kíp" quá (trước 1 ngày), VP Bank không cử người đến làm việc được. VP Bank còn "mặc cả": chỉ làm việc tại trụ sở chính của VP Bank ở Hà Nội hoặc làm việc qua điện thoại.

Đã "đâm lao phải theo lao", vả lại, 2 triệu đồng so với thu nhập của công chức đâu ít ỏi nên chị Oanh vẫn kiên trì đi tìm sự thật để tiền của ai phải ở trong túi người ấy. Cuối cùng, sau bao nhiêu tranh cãi, VP Bank và MB Bank mới hoàn trả 2 triệu đồng cho chị Oanh dưới hình thức: "chia sẻ rủi ro ngoài ý muốn với khách hàng" chứ nhất định không chịu nhận lỗi.

Các ngân hàng giải thích, việc hụt 2 triệu đồng của chị Oanh trong tài khoản là do trong 37 giây giao dịch đầu tiên, mặc dù máy báo lỗi và nhả thẻ nhưng 15 giây sau đó, máy vẫn nhả tiền. Lúc ấy, tưởng rằng giao dịch đã thất bại nên chị Oanh bỏ đi. Và lúc chị bỏ đi thì những người giao dịch sau có thể đã lấy 2 triệu đồng mà máy đã nhả ra khay cho chị.

Sự việc nói trên và nhiều sự cố nuốt thẻ, nuốt tiền, trả thiếu tiền... của máy ATM hiện nay, có thể thấy rằng, chất lượng của hệ thống máy ATM ở nước ta chưa bảo đảm. Đó là chưa nói đến tình hình an ninh trong lĩnh vực công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp như tội phạm gia tăng, hành vi, thủ đoạn phạm tội vô cùng tinh vi... Theo khuyến cáo của Tổ chức thẻ quốc tế Visa, hiện tỷ lệ gian lận thẻ trong tổng số thanh toán thẻ tại Việt Nam cao gấp 2,5 lần tỷ lệ trung bình trên thế giới.

Về vấn đề này, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận: "Hiện nay hệ thống thẻ ATM chỉ tăng về số lượng mà không tăng về chất lượng". Và khi hệ thống máy ATM chưa tăng về chất lượng thì không thể khuyến khích cũng như chưa thể áp dụng chủ trương trả lương cho người hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước qua tài khoản để từ đó thay thế lưu thông tiền mặt bằng hình thức sử dụng thẻ ATM.

Hơn thế, mặc dù các ngân hàng phát hành thẻ ATM để thanh toán thay vì sử dụng tiền mặt, nhưng hiện nay, hầu hết những người sử dụng đều dùng thẻ ATM để... rút tiền chứ không dùng đúng như chức năng của nó.

Vì sao có chuyện này? Ấy là bắt đầu từ chính thực tế cơ sở vật chất cũng như nếp sống, sinh hoạt của người dân chưa được chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng thực hiện chủ trương dùng "tiền nhựa". Ví như không phải tất cả các siêu thị hay bất kể một cửa hàng, nhà hàng nào cũng nhận thanh toán bằng thẻ ATM. Bởi sử dụng hình thức thanh toán này nhiêu khê lắm chưa kể đến nó buộc người thanh toán phải trả thêm 10% phí... Thậm chí, nhiều nhà hàng, khách sạn, siêu thị từ chối thanh toán bằng thẻ. Và một “chiêu” họ hay đưa ra là “Thẻ này không... sử dụng được”. Thật ra, cách họ làm  như vậy không có mục đích gì ngoài “thích... tiền tươi, thóc thật” và trốn thuế. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn cả để người dân không mặn mà với hình thức sử dụng thẻ ATM hiện nay chính là quyền lợi của người sử dụng thẻ chưa rõ ràng và chưa được bảo đảm.

Đơn cử ngay như trường hợp của chị Vũ Kim Oanh ở trên, chủ thẻ đã phải tốn rất nhiều công sức thì "tiền của ai mới được về túi người ấy". Và không riêng gì chị Oanh, nhiều người sử dụng thẻ ATM khác cũng vậy, nhất là những người gặp phải cảnh dở khóc dở cười như bị nuốt thẻ, trả thiếu tiền, tiền rách... Để lấy tiền từ trong túi của mình mà phiền toái, rắc rối thế, người dân không mặn mà với thẻ ATM là phải...

Lo thon  thót chuyện mất tiền!

Bên cạnh sự cố máy ATM nuốt tiền, thẻ ATM giả hoặc những trò gian lận thẻ trong rút tiền bằng thẻ ATM cũng là trở ngại lớn khiến nhiều người không muốn sử dụng thẻ ATM. Hiện nay, theo nhận định của các ngân hàng thủ đoạn mà tội phạm thường xuyên áp dụng để rút trộm tiền bằng thẻ ATM là gắn khe đọc thẻ giả và camera loại nhỏ tại các điểm ATM nhằm ghi lại số pin và thông tin cần thiết khác của khách hàng. Sau đó với những thông tin đánh cắp được, chúng làm thẻ giả  hoặc dùng để thanh toán hàng hóa mua trên mạng nếu các trang web đó không sử dụng biện pháp xác thực chủ thẻ hiệu quả.

Thực tế tại Việt Nam, đã từng có vụ làm thẻ ATM giả bị phát hiện mà thủ phạm là một nhóm sinh viên thuộc ngành công nghệ cao do Nguyễn Anh Tuấn cầm đầu. Là một người am hiểu về công nghệ thông tin, Tuấn cùng Nguyễn Đình Cường, Nguyễn Mạnh Linh, Trần Ngọc Quang... thường xuyên truy cập những website bán hàng trực tuyến trên mạng rồi tạo virus, tấn công cơ sở dữ liệu để ăn cắp thông tin như danh sách, địa chỉ, thư điện tử của khách hàng...

Khi đã nắm những thông tin như vậy, nhân danh các website nói trên, Tuấn làm thư điện tử giả gửi đến các địa chỉ và lấy thông tin về thẻ tín dụng của các khách hàng để làm thẻ ATM giả. Quy trình làm thẻ giả của Tuấn rất tinh vi. Dựa trên những dữ liệu đánh cắp được, Tuấn dùng  máy đọc và in thẻ từ MSR 206 để "chế tác" ra thẻ ATM.  Với thẻ ATM giả này, Tuấn đã rút được 1,6 tỉ đồng tại hệ thống ATM  ở TP HCM và Hà Nội.

Tình trạng này, không phải các ngân hàng không biết. Để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng thẻ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương chuyển đổi từ thẻ từ (loại thẻ đang sử dụng phổ biến tại Việt Nam) sang thẻ chip, một loại thẻ có tính bảo mật cao đang được thế giới ưa chuộng. Nhưng, chủ trương này đang vấp phải sự phản ứng của các ngân hàng do chi phí đầu tư cơ sở cho thẻ này quá cao. Trong khi hệ thống máy ATM phổ biến hiện nay niên hạn sử dụng vẫn còn dài. Nếu thay thế hệ thống thẻ từ bằng thẻ chip, các ngân hàng cho rằng sẽ rất lãng phí.

Ông Ngô Ngọc Đông, Tổng giám đốc Banknet - đơn vị đang thực hiện dịch vụ kết nối thẻ giữa các ngân hàng cho biết: "Nếu thực hiện được chủ trương của Ngân hàng Nhà nước chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip thì thực sự là một cuộc cách mạng lớn. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương đó, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc giữa việc chuyển đổi và chi phí bỏ ra".

Nhưng với quan điểm bảo vệ lợi ích của khách hàng đồng thời vẫn giữ vững thế mạnh của các ngân hàng, ông Bùi Quang Tiên cho biết: "NHNN vẫn sẽ đổi thẻ từ sang thẻ chip nhưng vấn đề chỉ còn là thời gian và các ngân hàng sẽ nghiên cứu, lựa chọn những phương án có lợi, tiện ích nhất".

Thời khắc áp dụng chủ trương trả lương qua tài khoản cho những đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước sắp tới gần, nhưng câu chuyện khổ vì ATM như chúng tôi dẫn ra ở trên vẫn chưa có hồi kết vì nó vẫn liên tiếp xảy ra

.