Hiệu quả từ dự án trồng rừng JBIC ở Quảng Ngãi

10:07, 06/07/2009
.

Dự án (DA) trồng rừng JBIC được triển khai trên địa bàn 6 xã miền núi là Sơn Dung, Sơn Lập, Sơn Tân, Sơn Tinh (Sơn Tây) và Sơn Bao, Sơn Thượng (Sơn Hà).

 

 

Dự án (DA) trồng rừng JBIC được triển khai trên địa bàn 6 xã miền núi là Sơn Dung, Sơn Lập, Sơn Tân, Sơn Tinh (Sơn Tây) và Sơn Bao, Sơn Thượng (Sơn Hà).
Dự án (DA) trồng rừng JBIC được triển khai trên địa bàn 6 xã miền núi là Sơn Dung, Sơn Lập, Sơn Tân, Sơn Tinh (Sơn Tây) và Sơn Bao, Sơn Thượng (Sơn Hà).

DA có tổng diện tích đất tự nhiên quy hoạch trên 29 ngàn ha, đất lâm nghiệp có rừng hơn 13,2 ngàn ha và đất trống đồi núi trọc có khả năng trồng rừng gần 16 ngàn ha. Các hợp phần chính của DA bao gồm: Trồng rừng mới 5.000ha; khoán bảo vệ rừng trên 11,3 ngàn ha; khoanh nuôi tái sinh 878ha; đường ranh cản lửa 59km; đường lâm nghiệp 40,5km và 7 chòi canh lửa, ngoài ra còn tổ chức tập huấn và xây dựng mô hình khuyến nông, khuyến lâm; đào tạo tập huấn, mua sắm thiết bị, dụng cụ phục vụ PCCCR. Bên cạnh đó còn có các hợp phần sinh kế, như xây dựng 13,5km đường giao thông nông thôn, 6 công trình thuỷ lợi nhỏ… Tổng vốn đầu tư trên 62,5 tỷ đồng, trong đó vốn vay JBIC 53,5 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh.

 

 

Ông Ngô Văn Hoá- Phó Giám đốc BQL Dự án trồng rừng phòng hộ JBIC, thuộc Sở NN&PTNT cho biết, mục tiêu chính của DA là: Quản lý bảo vệ rừng hiện có, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh (KNXTTS), trồng mới rừng để nâng cao độ che phủ của rừng nhằm chống xói mòn, điều hoà nguồn nước, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần hạn chế thiên tai, phòng hộ đầu nguồn sông Trà Khúc và công trình thuỷ lợi Thạch Nham.

 

Mặt khác, DA còn đảm bảo sản xuất và đời sống cho nhân dân trên địa bàn lưu vực và vùng hạ lưu, tạo việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo cải thiện đời sống cho nhân dân trong vùng DA. Qua gần 7 năm thực hiện, đến nay công tác trồng và chăm sóc rừng đạt trên 100% so với kế hoạch, với chi phí đầu tư trực tiếp bình quân mỗi héc ta gần 7 triệu đồng. Đối với việc khoán bảo vệ rừng tự nhiên và KNXTTS, BQL đã giao khoán bảo vệ rừng 6.445 ha và khoanh nuôi 854 ha cho trên 200 hộ dân thuộc 4 xã có rừng là Sơn Bao, Sơn Tân, Sơn Tinh và Sơn Lập. Còn đối với cơ sở hạ tầng lâm sinh, đã làm được 41km đường lâm nghiệp, 59km đường ranh cản lửa, 7 chòi canh lửa, bảo dưỡng gần 27km đường lâm nghiệp và xây dựng 1 trạm quản lý bảo vệ rừng. Riêng về cơ sở hạ tầng sinh kế, đã làm được 1,2km đường bê tông GTNT; 12,9km đường GTNT thông tuyến, xây dựng 6 đập thuỷ lợi nhỏ và làm 1 cầu bê tông. Ngoài ra, DA còn tổ chức được 26 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm; 6 lớp PCCCR; xây dựng 2 mô hình khuyến nông khuyến lâm… Đến nay, khối lượng đã giải ngân trên 55,3 tỷ đồng (đạt 88,48%), trong đó vốn JBIC 50,2 tỷ đồng (93,8%) và vốn đối ứng của tỉnh 5,1 tỷ đồng (56,8%).

 

Có thể nói, DA trồng rừng JBIC ngoài mục đích tăng độ che phủ rừng, chống xói mòn, điều hoà nguồn nước, cải tạo môi trường sinh thái…, còn nhằm tạo việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng dự án. Thông qua những mô hình khuyến nông, khuyến lâm, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Kết quả đó cũng thể hiện nỗ lực rất lớn của BQLDA trồng rừng JBIC trong việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đến khi bàn giao diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên. Qua đó ngăn chặn tình trạng xâm lấn rừng của người dân; đồng thời đã xây dựng phương án bàn giao rừng và kế hoạch quản lý rừng phòng hộ sau giai đoạn đầu tư.

 

Đến nay, diện tích rừng trồng được bàn giao cho 2 đơn vị là: BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham (gồm 5 xã: Sơn Bao, Sơn Thượng, Sơn Tinh, Sơn Tân, Sơn Lập), với diện tích gần 4.000 ha. Và giao BQL rừng phòng hộ huyện Sơn Tây (xã Sơn Dung), với diện tích 857,4ha. Đối với diện tích rừng tự nhiên (rừng bảo vệ và rừng KNXTTS) giao cho 4 xã quản lý là Sơn Bao, Sơn Tân, Sơn Tinh và Sơn Lập. Còn đối với đường lâm nghiệp, đường giao thông nội vùng, đường GTNT, thuỷ lợi nhỏ, cầu bê tông, chòi canh lửa bàn giao cho xã sở tại quản lý sử dụng và bảo dưỡng…

 

Được biết, rừng trồng của JBIC hiện nay cao nhất là 6 năm tuổi và thấp nhất là 3 năm tuổi, do đó cần phải tiếp tục bảo vệ và chăm sóc mở tán cho cây bản địa phát triển. Đề nghị hai huyện Sơn Tây và Sơn Hà chỉ đạo các xã trong vùng dự án kiên quyết ngăn chặn nạn xâm lấn rừng phòng hộ để làm nương rẫy sản xuất. Để qua đó góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh, chống xói mòn, điều hoà nguồn nước, cải tạo môi trường sinh thái và góp phần giúp người dân xoá đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Phạm Danh 

 


.