Tôm chân trắng chết hàng loạt ở Sơn Tịnh: Người nuôi tôm khốn đốn…

10:06, 03/06/2009
.
Mới đây, tại hai xã Tịnh Kỳ và Tịnh Khê (Sơn Tịnh) đã xảy ra tình trạng tôm chân trắng bị chết hàng loạt, khiến gần cả trăm hộ nuôi tôm khốn đốn…

 

Người nuôi tôm ở Tịnh Kỳ cải tạo hồ tôm, để thả nuôi lại sau đợt tôm bị bệnh chết hàng loạt.
Người nuôi tôm ở Tịnh Kỳ cải tạo hồ tôm, để thả nuôi lại sau đợt tôm bị bệnh chết hàng loạt.
Chúng tôi về Tịnh Kỳ vào một ngày thượng tuần tháng 5. Không giống như những năm trước, vụ tôm năm nay ở vùng Xuyên Ba, thôn Kỳ Xuyên khá buồn tẻ. Những đồng tôm rộng hơn chục hécta không có mấy bóng người coi ngó. Những chiếc máy quạt sục khí trên các hồ tôm cũng không buồn hoạt động. Anh Trương Quang Hải - một hộ nuôi tôm nói: "Bà con ở đây nuôi tôm theo đúng lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhưng thời tiết thay đổi thất thường quá, làm cho tôm chết hàng loạt. Số tôm này chỉ mới nuôi được chừng hơn một tháng tuổi, nên vớt lên bán đổ, bán tháo chẳng có đại lý nào chịu mua.

 

Chỉ bán hàng chợ được một ít”. Gia đình anh Trương Quang Hải có 10 sào (5.000m2) nuôi tôm, thả nuôi được 50 vạn tôm giống chân trắng. Nhưng mới nuôi được 40 ngày thì tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt, thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. Cũng chính "canh bạc" tôm này làm cho gia đình anh thâm nợ ngân hàng vài chục triệu đồng. Hộ ông Cao Quang (thôn Kỳ Xuyên) nuôi 20 sào (10.000m2), với 100 vạn tôm giống bị thiệt hại; hộ ông Nguyễn Danh, nuôi 35 vạn tôm giống bị mất trắng (vì tôm còn quá nhỏ, không bán được); hộ ông Trần Đình Mạnh, nuôi 4 hồ (khoảng 100 vạn tôm  giống) cũng bị mất hoàn toàn…

 

Theo các hộ nuôi tôm cho biết, nguyên nhân tôm chết là do thời tiết thay đổi quá đột ngột, tôm không thích nghi được với gió mùa đông bắc. Thứ hai là do nguồn tôm giống thả nuôi không đảm bảo chất lượng, không có xuất xứ rõ ràng và chưa qua kiểm dịch (cũng có diện tích thả nuôi tôm giống có xuất xứ rõ ràng (giống của Công ty Việt Úc, ở tỉnh Bình Thuận), nhưng tôm vẫn bị bệnh chết). Riêng trường hợp này, đơn vị cung cấp giống đã đến động viên người nuôi tôm tiếp tục thả nuôi lại và hứa hỗ trợ tiền giống. 

 

Ông Nguyễn Xí- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Kỳ cho biết, từ tháng 4 đến nay xã Tịnh Kỳ xảy ra 2 "trận" dịch bệnh tôm. Trong đó đợt tháng 4 có 10,1 ha hồ tôm, với 602.000 vạn tôm giống của 45 hộ dân bị thiệt hại. Đợt tháng 5 có 37 hộ nuôi, với diện tích 16,41 ha/927.000 vạn tôm giống bị thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính lên đến hơn 6 tỷ đồng (chỉ tính tiền giống, thức ăn). Có 1/3 số hộ nêu trên đang vay vốn ngân hàng bị thâm nợ. "Chúng tôi mong muốn Nhà nước kiểm tra con giống tôm triệt để, không để xảy ra tình trạng bán giống tràn lan kém chất lượng nữa. Thứ hai là tạo điều kiện giúp người dân nơi đây vay vốn, nhất là các nguồn vốn ưu đãi, để đầu tư tái sản xuất; đồng thời mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm cho bà con…"- Ông Xí nói.

 

Được biết, vùng nuôi tôm xã Tịnh Kỳ cách đây vài năm có nhiều hộ dân đã bỏ tôm chuyển sang nuôi cá chẽm, với năng suất, sản lượng đạt được khá cao. Tuy nhiên đầu ra của sản phẩm này chưa

Kiểm tra tốc độ phát triển của tôm nuôi trên hồ lót bạt ở Tịnh Kỳ.
Kiểm tra tốc độ phát triển của tôm nuôi trên hồ lót bạt ở Tịnh Kỳ.
ổn định, nên hiện tại chỉ còn 11 hộ dân đầu tư nuôi, với diện tích 4,45 ha. Từ đầu năm đến nay các hộ đã thu hoạch được gần 21 tấn. Theo ông Nguyễn Xí, nếu cá chẽm có đầu ra ổn định, người dân sẽ đầu tư nuôi luân phiên một vụ cá chẽm, một vụ tôm thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất cao và bền vững.

Ông Nguyễn Đình Tuấn- Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo tình hình tôm chân trắng bị bệnh chết, Chi cục đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp đi kiểm tra thực tế hiện trường vùng nuôi.

 

Qua kiểm tra, tôm bị bệnh chết có thời gian thả nuôi từ 25-65 ngày tuổi, với các biểu hiện như vàng mang, bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước, rồi chết. Không chỉ ở xã Tịnh Kỳ, mà xã Tịnh Khê cũng có 4 ha/20 hộ có nuôi tôm bị chết. Nguyên nhân được xác định là do mưa lớn kéo dài trong thời gian qua đã làm cho các chất bẩn trên bờ chảy tràn xuống ao; mưa lớn cũng làm cho độ mặn, độ pH trong ao thay đổi đột ngột, trong khi nguồn nước cấp ngoài sông bị đục, ô nhiễm, người nuôi không thể thay nước ngay trong khoảng 15 ngày.

 

 Hậu quả là chất lượng nước trong ao nuôi ngày càng xấu đi, cơ hội cho các loại vi khuẩn phát triển và làm cho tôm bị bệnh, rồi chết hàng loạt. Ngoài ra, chất lượng giống không được đảm bảo, hệ thống ao nuôi tự phát, không theo quy hoạch, không có hệ thống ao chứa lắng dự trữ nước để cấp cho ao nuôi trong trường hợp nguồn nước bên ngoài không đảm bảo cũng là những nguyên nhân làm cho tôm bị chết. Chi cục Thú y đã khuyến cáo, hướng dẫn bà con biện pháp khắc phục. Đến nay có khoảng 30% diện tích hồ tôm bị chết đã được thả nuôi lại. Song những thiệt hại và khó khăn của người nuôi tôm ở đây đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ từ phía Nhà nước.     

Bài, ảnh: Phạm Danh



.