Cơ hội cho kinh tế nông nghiệp vùng đông Bình Sơn

11:05, 15/05/2009
.

Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định quy hoạch bố trí tổ chức lại sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp tại KKT Dung Quất và vùng ven (giai đoạn 2009-2015), với tổng vốn đầu tư ước tính trên 392 tỷ đồng. Đây được coi là cơ sở và tiền đề quan trọng để ngành kinh tế này vươn lên và phát triển.

 

Bến neo trú tàu thuyền của ngư dân Bình Châu (Bình Sơn).
Bến neo trú tàu thuyền của ngư dân Bình Châu (Bình Sơn).
Về vùng đông Bình Sơn hôm nay chắc hẳn ai cũng sẽ nhận ra diện mạo nông thôn và đời sống, sản xuất của người dân nơi đây đang đổi thay. Sự đổi thay ấy trước tiên là nhờ sự hình thành và phát triển KKT Dung Quất, với "quả tim" là Nhà máy Lọc dầu và sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp. Tuy nhiên với lĩnh vực sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp thì thành quả chưa cao. Nguyên do là chưa có những hoạch định mang tính chiến lược lâu dài và sự đầu tư cho lĩnh vực kinh tế này chưa được chú trọng, đặc biệt là ngành nông nghiệp với khó khăn "muôn thuở" của người dân nơi đây là thiếu nước tưới.

 

Ông Nguyễn Hữu Công- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: Trong cơ cấu kinh tế của xã: Ngư nghiệp chiếm 50%; nông nghiệp 32%; còn lại là thương mại- dịch vụ. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp đang ngày càng có chiều hướng đi xuống, bởi sự "lấn sân" của nhiều dự án "treo". Người dân vùng đông Bình Sơn cũng rất mong muốn mở rộng diện tích đất trồng hành, tỏi và một số loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế khác, nhưng vì nguồn nước ngày càng cạn kiệt, nên đành chịu. Còn tại xã Bình Thạnh, nhiều dự án triển khai xây dựng trên địa bàn đã làm cho hàng chục hécta đất sản xuất nông nghiệp ở cánh đồng Nại, thôn Vĩnh Trà- nơi được xem là "vựa" lúa của xã bị ngập úng cục bộ, không sản xuất được. Lãnh đạo xã Bình Thạnh cho biết, tuy diện tích đất nhiều nhưng chủ yếu là đất cát, vì thế có được những khoảnh ruộng làm lúa nước là rất quý.

 

Thế nhưng từ năm 2003 đến nay, khi tỉnh tiến hành xây dựng Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất và khu tái định cư tây sông Trà Bồng thì hàng chục hécta lúa ở đây vào mùa mưa lúc nào cũng chìm trong biển nước. Nước ngập vào mùa mưa đã đành, đằng này vào mùa nắng cũng ngập, chỉ cần có mưa là đồng ruộng này trắng nước, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất; sản lượng lương thực hằng năm cũng giảm xuống. Được biết không chỉ Bình Hải, Bình Thạnh mà ngành nông nghiệp ở các xã khác như Bình Thuận, Bình Đông, Bình Trị… cũng bị ảnh hưởng, trong khi đó sự quan tâm từ các cấp, ngành chức năng của tỉnh thì hầu như chưa có gì.

 

Ngày 2/4/2009, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định 563/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch bố trí tổ chức lại sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp tại KKT Dung Quất và vùng ven giai đoạn 2009-2015. Vùng quy hoạch này có tổng diện tích gần 24.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 13.146 ha, thuộc địa bàn 15 xã, gồm 6 xã trong KKT Dung Quất: Bình Chánh, Bình Thạnh, Bình Đông, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải và 9 xã vùng ven khu kinh tế là Bình Nguyên, Bình Dương, Bình Thới, Bình Thanh Đông, Bình Thanh Tây, Bình Phước, Bình Hoà, Bình Phú và Bình Châu. Dân số trong vùng có 114.563 người. Tổng vốn đầu tư trên 392 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 144,6 tỷ đồng (36,89%), còn lại là vốn huy động từ các thành phần kinh tế. Quy hoạch này nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 tạo thêm công ăn, việc làm, góp phần tăng thu nhập cho 3.000 hộ dân tái định cư; xây dựng vùng sản xuất thực phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với các chỉ tiêu: Rau an toàn đạt 30% nhu cầu, chăn nuôi tập trung chiếm tỷ lệ 20%, vùng lúa chất lượng cao 565 ha, nuôi trồng thuỷ sản 383ha.

 

Theo đánh giá của các ngành chức năng, hiệu quả kinh tế mang lại từ việc quy hoạch này là sẽ khai thác hiệu quả đất đai trên vùng, nhất là đất chưa sử dụng như đất đồi gò, đất nhiễm mặn, mặt nước ven sông và các công trình thuỷ lợi; nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất; tạo ra một lượng sản phẩm hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản với giá trị trên 580 tỷ đồng/năm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trong vùng. Hiệu quả xã hội là sẽ tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận nông, ngư dân, nhất là dân ở vùng tái định cư, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội trên vùng và thúc đẩy sự phát triển KKT Dung Quất; đồng thời sẽ chuyển giao các tiến bộ về khoa học - công nghệ, đào tạo nghề, góp phần thay đổi tập quán sản xuất của nông dân; hình thành các làng nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

 

Ngoài ra còn bảo tồn, khôi phục, tái tạo, phát triển, đa dạng hóa môi trường sinh thái bền vững trong Khu kinh tế và vùng ven, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sống và cảnh quan đẹp trong vùng; cung cấp sản phẩm nông lâm thuỷ sản chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khoẻ con người và bảo vệ môi trường. Các dự án trọng điểm sẽ được ưu tiên đầu tư là: Dự án (DA) ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất nấm, hoa, sinh vật cảnh, có quy mô diện tích 50 ha, tổng vốn đầu tư 96 tỷ đồng, với 3.000 hộ dân tham gia; DA đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao (quy mô 40 ha, vốn đầu tư 20 tỷ đồng); DA đào tạo nguồn nhân lực (6.000 lượt người, tổng vốn đầu tư 9 tỷ đồng); DA hỗ trợ kỹ thuật phát triển nuôi động vật đặc sản (quy mô 10 ha, tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng); Dự án khôi phục và tái tạo rừng phòng hộ sinh thái vùng ngập nước (quy mô 100 ha, tổng vốn đầu tư 600 triệu đồng). Ngoài ra còn có các dự án đầu tư khác.

 

Tin rằng, với sự quan tâm của tỉnh và các ngành chức năng và nỗ lực của người dân khu đông Bình Sơn, ngành nông- lâm - ngư nghiệp nơi đây sẽ vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm về nông nghiệp của Quảng Ngãi.   

        Bài, ảnh: Phạm Danh


.