Nghề đập vỏ ốc ở Lý Sơn

05:11, 26/11/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Ốc xà cừ có ở hầu khắp các vùng biển trên cả nước. Nhưng riêng Lý Sơn, loại ốc này có vị dai giòn, mặn mà đặc trưng khiến giá ốc cừ nơi đây cao hơn những nơi khác, đem lại nguồn sinh kế cho nhiều gia đình.
[links()]

Nếu lặn bắt ốc xà cừ là nghề hái ra tiền của đàn ông, thì đập vỏ ốc cừ lại là nghề mang lại thu nhập cho nhiều phụ nữ ở Lý Sơn. Dọc đường kè chắn sóng, không khó để bắt gặp những nhóm phụ nữ cặm cụi đập vỏ ốc. Từ lâu, con đường này đã trở thành nơi làm nghề đập vỏ ốc của nhiều phụ nữ. Hè nóng hay đông lạnh, mặc kệ nắng mưa, công việc của họ vẫn không có ngày nào ngơi nghỉ, chỉ trừ những khi có bão, biển động mạnh.

Từng nhóm nhỏ, từng tiếng lốc cốc đều đặn vang lên. Lớp vỏ cứng của ốc xà cừ bị những chiếc búa sắt đập vào vỡ ra thành nhiều mảnh. Những con ốc sau khi đập ra được lựa sạch vỏ, nặn ruột, rửa lại với nước nhiều lần là đã có thể bán lại cho các nhà hàng, thực khách để chế biến thành nhiều món ăn ngon.

Ở tuổi 59, đôi tay của bà Nguyễn Thị Loan, ở thôn Tây An Vĩnh vẫn còn nhanh nhẹn. Từng nhịp búa được bà Loan đập xuống một cách thuần thục. “Công việc tưởng dễ nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, nhẫn nại, vì ngồi nhiều giờ liền. Đập ốc chỉ dùng một lực vừa đủ để vỏ vỡ ra nhưng phần thịt ốc bên trong không bị dập và cũng không bị vỏ đâm vào. Cũng bởi vậy mà nghề này chỉ dành riêng cho phụ nữ”, bà Loan chia sẻ.

Bà Loan gắn bó với nghề đập vỏ ốc từ thời còn con gái, đến nay đã được gần 30 năm. Trước đây, mỗi cân ốc xà cừ chỉ đổi được một cân gạo. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, ốc xà cừ trở thành món ăn đặc sản không chỉ ở Lý Sơn mà còn trong đất liền nên giá ốc tăng cao.

“Hằng ngày, ngư dân nơi đây ra biển lặn bắt ốc xà cừ từ sáng sớm, đến chừng 14 giờ chiều thì trở về. Đây cũng là lúc những người làm nghề đập vỏ ốc như chúng tôi bắt đầu công việc. Mỗi ngày, tôi có thể đập được vài kg cho đến vài tạ ốc tùy theo mùa ốc ít hay nhiều. Nhà nào có chồng, con đi lặn ốc về tự đập sẽ có thu nhập cao hơn. Còn đi đập thuê như tôi ngày làm ít thì nhận được từ 200 – 250 nghìn đồng, ngày nhiều cũng được 300 nghìn đồng”, bà Loan chia sẻ.

Thấy tôi tò mò giữa vài kg cho đến vài tạ ốc có sự chênh lệch quá lớn mà tiền công chẳng hơn bao nhiêu, chị Nguyễn thị Nga (35 tuổi) cùng ngụ ở thôn Tây An Vĩnh đang ngồi làm cạnh bà Loan tiếp chuyện, những hôm chuyển trời ít ốc họ vẫn tính giá cho chúng tôi đủ ngày công. Nên khi ốc nhiều mình cũng không đòi hỏi thêm.

Hiện, ốc cừ còn nguyên vỏ có giá 50 - 60 nghìn đồng/kg, sau khi được làm sạch thì có giá 300 nghìn đồng/kg. Vào mùa nắng, ốc nhiều thì giá ốc rẻ hơn chỉ 40 nghìn đồng/kg ốc còn vỏ và từ 200 – 220 nghìn đồng/kg ốc đã làm sạch. Để cho ra được 1kg ruột ốc thành phẩm, cần có 5 – 6kg ốc vỏ.

Công việc bắt đầu từ chiều cho đến khi hết ốc chứ không tính theo thời gian. Hôm ít, trời chập tối đã xong, còn hôm nhiều thì có khi đến 22 giờ đêm, bóng dáng của những người phụ nữ tảo tần vẫn còn thấp thoáng trên con đường dọc biển.

Tuy làm nghề cũng được hơn chục năm, nhưng vẫn không ít lần chị Nga đập nhầm búa trúng tay mình trong lúc đập ốc. Ngoài công cụ cần thiết để đập ốc, mỗi người phụ nữ đều mang theo một bịch băng cá nhân khi đi làm. “Đập cả ngày, đôi hồi sơ ý đập trúng tay là chuyện thường. Cứ đập trúng thì mình lấy băng cá nhân quấn lại rồi đập tiếp vậy thôi”, chị Nga cười xòa.

Màn đêm buông xuống. Bóng tối bao trùm cả mặt biển. Con đường dọc bờ kè le lói những ánh đèn đường. Tiếng chuông điện thoại bất chợt vang lên. “Hôm nay ốc nhiều, anh dọn cơm cho lũ trẻ ăn rồi ngủ trước nhé! Lát em về ăn sau”, một người phụ nữ đáp lại đầu dây bên kia.

Những đôi tay đã mỏi sau một ngày đập gõ búa có phần khẩn trương hơn. Những người phụ nữ tranh thủ làm nốt số ốc còn lại để kịp trở về nhà.

Bài, ảnh: THANH AN


.