Xoa dịu những nỗi đau

08:08, 10/08/2022
.

(Baoquangngai.vn)- Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng hậu quả do bom đạn và chất độc hóa học (CĐHH) mà quân đội Mỹ trút xuống vẫn còn dai dẳng. Nhiều năm qua, cùng với những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

[links()]

Nỗi đau còn đó

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam Nghĩa Thắng. Những năm qua, nơi đây đã trở thành mái nhà của trẻ em là nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Tư Nghĩa. Trung tâm thường xuyên nuôi dưỡng từ 10 đến 15 nạn nhân chất độc da cam theo hình thức bán trú. Xen lẫn trong các em nhỏ có một người đàn ông ngoài 40 tuổi khiến chúng tôi phải chú ý, đó là anh Nguyễn Văn Lời.

Theo lời kể của cán bộ tại Trung tâm, cha anh Lời là ông Nguyễn Văn Thử từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Trở về từ cuộc chiến, vợ chồng ông Thử có với nhau 6 người con nhưng bất hạnh thay, 4 người bị nhiễm CĐHH, 3 đứa con yếu ớt trong số đó không chống chọi được với bệnh tật lần lượt qua đời. Còn lại anh Lời bị khuyết tật vận động, đi lại rất khó khăn. Nỗi đau càng lớn hơn khi đứa cháu ngoại được sinh ra từ người con gái tưởng chừng như bình thường của ông Thử cũng bị nhiễm CĐHH.

Anh Nguyễn Văn Lời cùng những nạn nhân da cam khác tại Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam Nghĩa Thắng.
Anh Nguyễn Văn Lời (áo xanh ở giữa) cùng những nạn nhân da cam tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam Nghĩa Thắng.

Những ngày đầu, anh Lời không thể tự đến Trung tâm, ba mẹ phải bồng anh lên xe đưa đến tận lớp học. Sau nhiều năm được chăm sóc, hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng, anh Lời đã tự đi bộ trên đoạn đường dài 2km mỗi ngày để đến với Trung tâm, gặp giáo viên và các bạn.

Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có 23,048 nghìn nạn nhân da cam. Trong đó, có 13,032 nghìn nạn nhân trực tiếp; 6.984 nạn nhân thế hệ 2; 3.854 nạn nhân thế hệ 3. Mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng tất cả đều có một điểm chung là đang phải gánh chịu nỗi đau da cam giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần.

Chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam

Sau khi về hưu, bà Nguyễn Thị Hường (67 tuổi), ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), tiếp tục công tác tại Trung tâm từ những ngày đầu mới thành lập. Bà Hường chia sẻ, công việc của tôi là nấu nướng, chăm lo bữa ăn cho các cháu. Nói là lo phần bếp núc vậy nhưng Trung tâm chỉ có 4 người, trong đó có 2 cô giáo, nên cứ mỗi lúc rảnh rỗi, giúp được gì tôi lại phụ các cô. Công việc ở đây không nhiều nhưng rất nhọc, vì mỗi cháu có một bệnh lý với cách dạy, chăm sóc và luyện tập khác nhau. Chưa kể nhiều cháu mới đến không nghe lời, rồi có khi các cháu phá phách, đánh chửi mình là chuyện bình thường.

Những tiết học
Những tiết học của tình thương, sự quan tâm đem đến niềm vui cho những phận đời kém may mắn.

"Mười năm gắn bó, nhìn từng lớp trẻ dần phục hồi, tiến bộ là điều khiến những người làm công tác xã hội như chúng tôi thấy vui sướng và an ủi. Không như những đứa trẻ lành lặn khác, để dạy được các cháu ở đây biết ngồi ăn đúng chỗ, biết chào cô khi về hay thuộc được một con số, chữ cái là điều hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tình thương và trách nhiệm rất lớn. Nhưng cứ còn sức thì mình còn làm, coi như tri ân những người tham gia kháng chiến, có công với đất nước; cũng là góp phần làm vơi đi đau thương mà những đứa trẻ kém may mắn phải chịu đựng", bà Hường bộc bạch.

Việc bảo trợ, giúp đỡ các nạn nhân vơi bớt nỗi đau là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Với vai trò làm “cầu nối”, nhiều năm qua, các cấp hội nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin đã huy động các nguồn lực để giúp đỡ nạn nhân da cam. Từ năm 2019 đến nay, dù trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 nhưng hội nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin các cấp đã nỗ lực huy động hơn 31 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, các cấp hội đã vận động được hơn 3,3 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, hội đã triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam và gia đình như: Hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất; tặng trâu, bò giống; làm giếng khoan; tặng máy lọc nước; tặng xe lăn; tặng học bổng và tặng quà nhân các ngày lễ, Tết; tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí… với tổng kinh phí gần 31,4 tỷ đồng.

Những năm qua, công tác chăm lo, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng
Những năm qua, công tác chăm lo, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh Nguyễn Thanh Phương bày tỏ, chiến tranh qua đi nhưng nỗi đau của các nạn nhân CĐDC/dioxin là quá lớn và không dễ để vượt qua. Những năm qua, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam đã nỗ lực mang yêu thương, tấm lòng của cộng đồng đến với những nạn nhân da cam. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy vai trò "cầu nối" và mong rằng sẽ có nhiều nhà hảo tâm, đơn vị, cộng đồng xã hội chung tay sẻ chia, giúp nạn nhân và gia đình của họ vơi đi nỗi đau và có điều kiện sống tốt hơn.

Bài, ảnh: T.NHÀN


.