Lan tỏa phong trào thi đua "Dân vận khéo"

09:08, 18/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Nghĩa Hành cụ thể hóa qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Từ những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trên các lĩnh vực và đời sống xã hội.
 
[links()]
 
“Em nuôi của Đoàn”
 
Theo chân Bí thư Đoàn xã Hành Minh Nguyễn Quỳnh Trang, chúng tôi đến thăm em Bùi Hồng Thiên Ân (9 tuổi), ở thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh, vào một buổi chiều đầu tháng 8. Căn nhà cũ kỹ chỉ có Ân và bà ngoại Lê Thị Chí đang cặm cụi lau dọn. Thấy chúng tôi, Ân ríu rít, liến thoắng kể những việc em đã phụ giúp bà ngoại, rồi khoe chữ em viết nay đẹp hơn, đọc bài trôi chảy hơn, làm toán nhanh hơn. “Con có cặp sách, quần áo mới rồi. Con nghe cô giáo bảo năm học mới này sẽ học trực tiếp, con vui lắm, mong đến ngày khai giảng để gặp bạn, gặp cô”, Ân hồ hởi. Nhìn Ân líu lo nói cười, bà Chí quay mặt lén lau những giọt nước mắt đang nhẹ rơi. Bà Chí kể, Ân mồ côi mẹ khi vừa lên 3 tuổi, bố bỏ đi biệt tích. Thương Ân, ông bà ngoại tuy già yếu nhưng cũng gắng gượng để nuôi dưỡng, dạy dỗ những mong bù đắp phần nào thiệt thòi cho cháu. Nhưng vì tuổi cao, cuộc sống khó khăn nên ông bà ngoại cũng không thể chăm lo chu toàn cho Ân.
 
Niềm vui của em Bùi Hồng Thiên Ân khi có
Niềm vui của em Bùi Hồng Thiên Ân khi có "chị nuôi" đến thăm hỏi, hướng dẫn học tập.
Thấu hiểu hoàn cảnh của Ân, nhiều năm nay, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) xã Hành Minh thường xuyên đến thăm hỏi, động viên tinh thần cũng như giúp đỡ Ân và gia đình. Đầu năm 2022, từ nhiều nguồn vận động, quyên góp, Đoàn xã Hành Minh triển khai mô hình “Em nuôi của Đoàn” và Ân được chọn là “em nuôi” đầu tiên của các bạn đoàn viên. Ngoài hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng, định kỳ mỗi tuần, ĐVTN trong xã phân công nhau đến nhà chăm sóc, kèm cặp bài vở, dạy và hướng dẫn thêm các kỹ năng cho Ân. “Có các anh, chị đến nhà nói chuyện, hỏi han và chỉ dạy con nhiều việc nên con vui lắm. Con sẽ cố gắng học tốt để không phụ sự yêu thương, quan tâm của thầy cô, gia đình, các anh chị ĐVTN”, Ân trải lòng.
 
Trước khi triển khai mô hình “Em nuôi của Đoàn”, từ năm 2019, ĐVTN xã Hành Minh đã nhận đỡ đầu em Huỳnh Thị Hoa (5 tuổi), ở thôn Long Bàn Nam. Hoàn cảnh của Hoa rất đặc biệt, khi mẹ bị khuyết tật, thần kinh không được bình thường, ai thuê gì làm nấy nên mẹ con em bữa đói bữa no. 
 
Từ đầu năm 2019 đến nay, ĐVTN của thôn Long Ban Nam đã nhận đỡ đầu em Hoa. Ngoài hỗ trợ tiền hằng tháng (năm  2019 - 2020 là 200 nghìn đồng/tháng và từ năm 2021 đến nay tăng lên 400 nghìn đồng/tháng), ĐVTN trong thôn, xã luân phiên đến nhà để hỗ trợ việc nhà, dạy Hoa học. “Chúng tôi sẽ nỗ lực, cố gắng đỡ đầu, chăm sóc Hoa đến khi em đủ 18 tuổi. Thời gian đến, cùng với việc duy trì các hoạt động rửa xe, thu gom ve chai, chúng tôi sẽ vận động các nhà hảo tâm để tiếp tục đỡ đầu và chăm sóc 3 “em nuôi” có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã”, Bí thư Đoàn xã Hành Minh Nguyễn Quỳnh Trang chia sẻ.
 
Thư viện thân thiện
 
Từ khi thôn An Phước (Hành Dũng) có “Thư viện thân thiện” thì em Lê Quốc Huy, học sinh lớp 8 Trường THCS Hành Dũng, thường xuyên đến để đọc sách vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần. Lúc đầu là vì tò mò với cái tên “Thư viện thân thiện”, nhưng dần dần, Huy đến vì thích sách.
 
“Trước giờ em rất ít đọc sách, nhưng nhiều lần đến thư viện để chơi, em mới phát hiện ở đây có nhiều loại sách hay lắm. Lâu dần thành quen, tuần nào em cũng đến đây để đọc sách, đá bóng nên vui lắm”, Huy bộc bạch. Vừa nói, Huy vừa đưa tôi xem cuốn “Kỹ năng tránh đuối nước” mà em đang xem. Cuốn sách có khổ nhỏ nhưng nội dung ngắn gọn, hình ảnh minh họa sinh động nên Huy bảo “đọc xong là em nhớ ngay một số ý chính để vận dụng”. Nhìn sang bên cạnh, em Đồng Thị Thu Thảo, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Hành Dũng, cũng đang chăm chú xem cuốn sách “Cá Voi đêm bão”. “Cuốn sách này hay lắm. Con đọc 3 lần rồi mà vẫn thích đọc lại. Bạn cá voi đáng yêu quá, còn bạn Nim thương cá voi giống như anh của con thương con vậy”, Thảo hồn nhiên nói.
 
“Thư viện thân thiện” còn có rất nhiều đầu sách mới, chủ yếu là sách dạy kỹ năng, nuôi dưỡng tâm hồn, làm quen với chữ số toán học... nên phù hợp với các em bé từ 5 - 6 tuổi cũng như học sinh tiểu học, THCS. Ngoài ra, một số đầu sách về khởi nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... cũng bổ ích cho ĐVTN.
 
“Thư viện hiện có gần 400 đầu sách các loại, chủ yếu là sách mới vì được Tỉnh đoàn và các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương gửi tặng. Chúng tôi còn cố gắng tổ chức các hoạt động gây quỹ để bổ sung thêm nhiều đầu sách mới”, Bí thư Chi đoàn thôn An Phước Nguyễn Thị Y Lệ - người sáng lập và quản lý thư viện - giải thích. “Điểm cộng” của thư viện không chỉ là khơi dậy phong trào đọc sách của học sinh, thanh thiếu niên, cũng như người dân trong và ngoài thôn An Phước, mà còn tạo ra môi trường xanh - sạch - đẹp.
 
Tiền thân của “Thư viện thân thiện” là điểm Trường Tiểu học thôn An Phước đã bị đóng cửa từ năm 2015. Vì vậy xung quanh cây cối mọc um tùm, nhếch nhác. Từ đầu năm 2021, ĐVTN thôn An Phước bắt tay dọn vệ sinh môi trường xung quanh, tự chế tạo các vật dụng và thiết bị phục vụ TDTT, cải tạo phòng học và trang trí thành phòng đọc sách... Nhờ đó, không gian xung quanh thư viện đã rộng rãi, sạch sẽ, thoáng đãng. Trẻ con có chỗ vui chơi, đọc sách. Người dân trong và ngoài thôn An Phước cũng có nơi để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Tình làng nghĩa xóm vì thế cũng ngày càng bền chặt.
 
Lan tỏa phong trào "Dân vận khéo"
 
Nét nổi bật từ việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Nghĩa Hành là các ngành, địa phương, đơn vị đã xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vì vậy, các mô hình, điển hình đã phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thu hút được đông đảo người dân tham gia. Như mô hình “Em nuôi của Đoàn” là một trong những hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tiếp thêm ý chí, niềm tin để các em nỗ lực xây dựng và thực hiện những ước mơ tươi đẹp hơn. Vì vậy, mô hình này nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân thông qua việc đóng góp hoặc tham gia các hoạt động gây quỹ của Đoàn.
 
Phong trào “Dân vận khéo” gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các khu dân cư nông thôn kiểu mẫu cũng nhận được sự đồng thuận của người dân các địa phương. Qua đó, người dân đã tham gia trên 26 nghìn ngày công, đóng góp hơn 11 tỷ đồng, hiến gần 34 nghìn mét vuông đất... để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và  các hội, đoàn thể ở huyện Nghĩa Hành còn triển khai nhiều phong trào mang lại hiệu quả thiết thực như: “Cựu chiến binh gương mẫu, cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, “Hũ gạo tình thương”, “Tuyến đường hoa thay thế cỏ dại ven đường”, “Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm”; “Mẹ đỡ đầu”... Đồng thời, duy trì và phát huy các câu lạc bộ gia đình phát triển kinh tế; phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo...
 
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Hành Trương Quang Hà, các phong trào thi đua, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn đã lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến tích cực trong huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng đời sống văn hóa của người dân trên địa bàn huyện. Trong thời gian đến, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Nghĩa Hành tiếp tục triển khai thực hiện “Dân vận khéo” một cách đồng bộ, tích cực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
             
Xây dựng 548 mô hình, điển hình
 
Sau 5 năm (2017 - 2022) thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, huyện Nghĩa Hành đã xây dựng 548 mô hình, trong đó có 504 mô hình tập thể và 44 mô hình cá nhân; có 10 mô hình được triển khai nhân rộng.  
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.