Những ngôi làng là "địa chỉ đỏ"

09:05, 04/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ở Quảng Ngãi có nhiều ngôi làng là "địa chỉ đỏ". Ở đó, mỗi ngôi nhà là một cơ sở cách mạng, mỗi người dân là một chiến sĩ, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Chiến đấu ngay trong ấp chiến lược của địch      
   
Làng Thủy Triều, nay là tổ dân phố Thủy Triều, phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) yên ả bên bờ sông Thoa và sông Trà Câu. Những hố bom sâu hoắm ngày nào giờ đã thành ruộng vườn tươi tốt. Ngôi làng bên sông này một thời chìm trong khói lửa chiến tranh, dẫu vậy người dân vẫn kiên cường, một lòng theo cách mạng. Những chiến công oanh liệt trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm của người dân làng Thủy Triều luôn được các bậc cao niên kể lại cho thế hệ trẻ, nhằm bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.
 
Cầu Thủy Triều bắc qua sông Trà Câu, phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ), tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.       Ảnh: TR.THY
Cầu Thủy Triều bắc qua sông Trà Câu, phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ), tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân. Ảnh: TR.THY
Những năm kháng chiến chống Mỹ, bom đạn gây bao cảnh tang thương. Sau trận càn, người dân làng Thủy Triều chung tay dựng lại mái nhà, cần mẫn cuốc xới cho đồng lúa tươi xanh, mùa vàng trĩu hạt. Gần 60 năm trôi qua, nhưng Đại tá Ngô Đức Tấn vẫn còn nhớ rõ trận đánh từ ngày 12 - 14/10/1964 tại làng Thủy Triều. Khi đó, ông Tấn là Tiểu đội trưởng (sau đảm nhận chức vụ Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 307) cùng 8 chiến sĩ bí mật đột nhập ấp chiến lược Thủy Triều. Họ huấn luyện 10 du kích, cải tạo đường hào ấp chiến lược thành giao thông hào liên hoàn để sẵn sàng đánh địch.
 
Nhận được tin báo, địch chia làm 2 mũi tiến vào làng. Chờ đối phương đến gần, ông Tấn cùng đồng đội nổ súng, ném lựu đạn dồn dập. Hàng chục lính ngụy ngã gục, số còn lại hốt hoảng bỏ chạy, giẫm trúng bãi mìn và chông gây thương vong. Ông Tấn cùng đồng đội thu được hơn 10 khẩu súng AR-15. Sau đó, địch củng cố đội hình và tổ chức đợt tấn công thứ 2 nhưng bị đánh bật ra khỏi ấp chiến lược. Chúng gọi pháo ở các căn cứ quân sự gần đó bắn yểm trợ rồi tổ chức nhiều đợt tấn công nhưng đều thất bại. "Trận đó ta thu được hàng trăm khẩu súng, phải huy động lực lượng chuyển về Huyện đội và Đại đội 219 trang bị cho anh em. Sau đó, tôi được cử lên Quân khu 5 báo cáo kinh nghiệm về việc biến ấp chiến lược của địch thành làng chiến đấu của ta...", ông Tấn nhớ lại.
 
Sau nhiều lần thất bại, quân ngụy điều động lực lượng bộ binh cùng xe tăng, xe bọc thép và cả máy bay ném bom yểm trợ tấn công vào làng Thủy Triều. Trận địa núi Giàng và tàu chiến ngoài biển nã pháo dồn dập. Ngôi làng nhỏ bên sông chìm trong biển lửa. Bộ đội và du kích dựa vào hầm, hào đánh trả địch. Khi tạm ngưng lửa đạn, người dân gia cố hàng rào, dựng lại mái nhà, đào thêm hầm trú ẩn... Thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ vào bộ đội. "Lúc đó tôi 20 tuổi nên biết rõ sự việc. Bộ đội cùng du kích đánh trả ác liệt lắm, người dân kiên cường bám trụ. Điều ấy khích lệ tinh thần tôi xung phong vào bộ đội thuộc Tiểu đoàn 83, Tỉnh đội Quảng Ngãi. Sau giải phóng, tôi về tham gia công tác ở xã cho đến ngày nghỉ hưu...", ông Võ Văn Tự cho hay.
 
Sau ngày hòa bình, người dân làng Thủy Triều đoàn kết một lòng xây dựng quê hương. Tổ trưởng tổ dân phố Thủy Triều Nguyễn Duy Tân cho biết, tổ dân phố hiện có 268 hộ dân, với trên 1.200 nhân khẩu. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, người dân Thủy Triều thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa với tổng diện tích 70ha; tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí và ngày công lao động để làm đường bê tông sạch đẹp... Nhờ vậy, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
 
Mỗi ngôi nhà là một cơ sở cách mạng 
 
Về thăm làng An Điềm, xã Bình Chương (Bình Sơn) trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi nghe kể những câu chuyện thời kháng chiến. Ông Nguyễn Bảo Khánh (60 tuổi) ở thôn An Điềm 1, xã Bình Chương kể, làng An Điềm là "địa chỉ đỏ" trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. An Điềm có vị trí chiến lược quan trọng, có căn cứ Đồng Lớn và đình làng An Điềm làm chỗ đứng chân an toàn cho đội công tác xã và lực lượng vũ trang của huyện, tỉnh, Khu ủy 5.
 
Ông Võ Văn Tự (bên trái) kể chuyện thời kháng chiến ở làng Thủy Triều.      Ảnh: TR.THY
Ông Võ Văn Tự (bên trái) kể chuyện thời kháng chiến ở làng Thủy Triều. Ảnh: TR.THY
Sau Hội nghị Tỉnh ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bình Sơn lần thứ 2 vào tháng 3/1947, làng An Điềm quyết tâm xây dựng thành làng chiến đấu với tổ chức lực lượng dân quân du kích, tự vệ mạnh sẵn sàng đánh địch khi chúng đổ bộ vào địa phương. Trên địa bàn có hơn 700 ngôi nhà nhỏ dạng mái lá đơn sơ, bao quanh núi cao, gò đồi xen lẫn đồng xanh chiêm trũng, dưới sự hướng dẫn của Ban chỉ huy xã đội, lực lượng dân quân tự vệ, du kích, chính quyền và các bậc cao niên trong thôn đã xem xét, thảo luận, xây dựng sơ đồ làng chiến đấu. Người dân trong làng hăng hái tham gia đào giao thông hào và xây dựng phòng tuyến cản xe tăng, xe cơ giới của địch. Để phòng địch nhảy dù, người dân còn đóng cọc, cắm chông ở các cánh đồng. Nhiều hầm trú ẩn được đào ở rẫy cao, chân đồi, chân núi và trong nhà người dân để tránh bom và đạn pháo. Người dân trong làng luôn chuẩn bị sẵn nước uống, lương thực, thuốc men, quần áo giúp đỡ bộ đội khi về làng đóng quân. Nhiều nhà dân trở thành cơ sở cách mạng...
 
Cuối năm 1960, cơ sở cách mạng làng An Điềm bị lộ, nhiều đồng chí hy sinh. Địch mở nhiều cuộc càn quét đánh phá vùng căn cứ, các vùng mới giải phóng. Mặc dù địch đánh phá ác liệt, nhưng người dân làng An Điềm vẫn cương quyết bám trụ, cùng du kích chống càn, làm cho địch hoang mang. Ngày 18/3/1975, người dân làng An Điềm và người dân các thôn trên địa bàn xã nổi dậy cùng với các lực lượng vũ trang diệt gọn 3 đại đội của Tiểu đoàn 69 biệt động quân và một số ác ôn.
 
Ngay trong đêm 18/3/1975, xã Bình Chương hoàn toàn được giải phóng. Đây là xã đầu tiên ở huyện Bình Sơn được giải phóng. "Dẫu trải qua nhiều gian khổ, mất mát, đau thương, nhưng với lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, người dân làng An Điềm đã kiên cường chiến đấu chống quân xâm lược. Làng An Điềm chính là làng chiến đấu kiểu mẫu thời bấy giờ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người dân làng An Điềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương", ông Khánh phấn khởi nói.
 
Mỗi người dân là một chiến sĩ
 
Các bậc cao niên ở làng An Điềm, xã Bình Chương (Bình Sơn) kể lại rằng, trong hai cuộc kháng chiến, các chòi canh lần lượt dựng lên ở mỗi xóm; ban ngày treo bồ, ban đêm treo đuốc để báo tin cho người dân biết là có giặc đổ bộ. Người dân trong làng thực hiện khẩu hiệu “không nghe, không biết, không thấy” và khi ra đường, đi làm ruộng đều phải mang theo dao găm, mã tấu để sẵn sàng chiến đấu. Thanh niên trong làng động viên nhau đi bộ đội vào chiến trường Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Tháng 9/1951, Pháp cho máy bay đánh phá An Điềm, nhưng nhờ hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn kiên cố và sự thông báo kịp thời của đội tuần tra canh gác cho nhân dân rút khỏi vùng bắn phá, nên thiệt hại không lớn, chỉ hư hại một số ngôi nhà.
 
TRANG THY - TẠ HÀ
 
 
 
 
 

.